Thứ 4, 06/11/2024 | English | Vietnamese
11:29:00 AM GMT+7Thứ 2, 07/10/2024
Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, có tình hữu nghị truyền thống lâu đời. Những năm gần đây, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc không ngừng được củng cố và tăng cường.
Hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư tăng trưởng tích cực và liên tiếp đạt kỷ lục mới, Trung Quốc nhiều năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN, lớn thứ 6 trên thế giới của Trung Quốc. Các lĩnh vực hợp tác cùng có lợi khác không ngừng được mở rộng và đi vào chiều sâu, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Việt-Trung hội nhập đa chiều
Việt Nam hiện đã tham gia 19 FTA, trong đó đang thực thi 16 FTA đã ký kết và 03 FTA đang đàm phán. Các FTA đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn (200% GDP), tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng tiếp cận và thiết lập quan hệ thương mại với hơn 230 thị trường.
Chính phủ Trung Quốc và Việt Nam đều xác định các FTA là nền tảng mới để tiếp tục mở cửa ra bên ngoài và đẩy nhanh cải cách trong nước, là cách tiếp cận hiệu quả để hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu và tăng cường hợp tác kinh tế với các nền kinh tế khác, cũng như là sự bổ sung quan trọng cho hệ thống thương mại đa phương. Hiện nay, Trung Quốc đang tham gia 24 FTA, trong đó có 16 FTA đã được ký kết và thực hiện.
Năm 2003, Việt Nam cùng ASEAN đã ký Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện thành lập Khu vực thương mại tự do (FTA) với Trung Quốc và năm 2020, hai nước cũng đồng thời tham gia ký kết và đang thực thi Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Hai FTA trên cùng với việc Việt Nam và Trung Quốc xác lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện năm 2008 đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của thương mại song phương. Trong năm 2024, Việt Nam và Trung Quốc đang cùng các nước ASEAN thúc đẩy đàm phán nâng cấp FTA ASEAN-Trung Quốc phiên bản 3.0 nhằm mở ra nhiều hơn nữa các cơ hội kinh tế, thương mại cho các nước trong khu vực nói chung và hai nước nói riêng.
Từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Đà tăng trưởng thương mại song phương trong khoảng 10 năm gần đây đều ở mức 2 con số. Hiện nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 và là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Với nhiều lợi thế trong hợp tác kinh tế thương mại, nhiều năm qua, trao đổi thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định và bền vững.
Về thương mại, Trung Quốc hiện nay cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN. Trong 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc ước đạt 79,2 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 33,4 tỷ USD, tăng 7,5%, tương ứng gần 2,4 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Về đầu tư, hợp tác đầu tư giữa hai nước phát triển nhanh chóng, đặc biệt là đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam.
Năm 2023, đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam tăng hơn 77% so với năm trước, đây là mức phát triển rất nhanh. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam tiếp tục xu thế tăng nhanh và mạnh từ 2,92 tỷ USD năm 2021 lên 4,47 tỷ USD trong năm 2023. Xét về số dự án, 7 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới với 540 dự án với tổng vốn đăng ký mới 1,22 tỷ USD, chiếm 29,7% tổng số dự án đầu tư mới của cả nước.
Cùng với đó, có 113 lượt dự án tăng vốn với tổng số vốn tăng thêm 303,21 triệu USD; 268 lượt góp vốn, mua cổ phần với tổng số vốn 124,021 triệu USD từ Trung Quốc vào Việt Nam 7 tháng năm 2024. Tính chung tổng vốn đăng ký cấp mới, vốn tăng thêm và vốn góp, mua cổ phần của các nhà đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam trong 7 tháng năm 2024 là 1,65 tỷ USD, đứng thứ tư về vốn trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Việc xây dựng cộng đồng doanh nghiệp mang tính chiến lược, toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục tiếp thêm sức sống và động lực mới, đưa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước tiếp tục đạt được những điểm nhấn mới trong tương lai, phát triển hiệu quả, đi vào chiều sâu và thực chất.
Tạo tiền đề nâng tầm quan hệ kinh tế song phương
Trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam vào tháng 12/2023, đã có 36 văn bản được ký kết, gồm các văn bản hợp tác kinh tế như: Kế hoạch hợp tác cùng nhau thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, Một vành đai” với sáng kiến “Vành đai và Con đường”; Hiệp định về việc cùng xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng khu vực biên giới Bát Xát, Lào Cai, Việt Nam - Bá Sái, Vân Nam, Trung Quốc; Bản ghi nhớ về việc tăng cường hợp tác phát triển và thúc đẩy thực hiện Sáng kiến phát triển toàn cầu (MOU); Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác đầu tư trong lĩnh vực phát triển xanh; Kế hoạch hành động giai đoạn 2023-2026 về tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại; Kế hoạch hành động giai đoạn 2024-2026 triển khai Bản ghi nhớ trong lĩnh vực kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Chính quyền Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây; Bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư trong lĩnh vực kinh tế số; Biên bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác kinh tế số và dữ liệu số; và một số văn bản liên quan khác.
Những văn bản hợp tác về kinh tế chiếm đa số trong các văn bản được ký kết giữa hai nước.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chia sẻ, Việt Nam và Trung Quốc có chung đường biên giới với nhiều cặp cửa khẩu lối mở tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại song phương, tuy nhiên, cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về hàng hóa thẩm lậu vào thị trường hai nước. Thương mại biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng phát triển, cùng với xu hướng đẩy mạnh kinh tế số và thương mại điện tử, đặt ra những khó khăn, thách thức cho cả hai nước trong các vấn lĩnh vực như gian lận thương mại, sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đánh giá, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường hiện nay, việc duy trì quan hệ Việt-Trung ổn định, lành mạnh và ngày càng đi vào chiều sâu là yêu cầu khách quan, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển lâu dài của mỗi nước cũng như đối với hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực.Thúc đẩy và nâng cao chất lượng hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, trọng tâm là kinh tế - thương mại, đầu tư; thúc đẩy quan hệ thương mại phát triển theo hướng cân bằng hơn giữa hai nước.
Hợp tác thực chất và hiệu quả tới các cấp địa phương
Việt Nam và Trung Quốc có chung đường biên giới trên bộ, trên biển và đường thủy. Chiều dài biên giới đường bộ gần 400km, đi qua địa phận 7 tỉnh phía Bắc của Việt Nam. Đặc điểm này mang lại cho hai nước lợi thế để phát triển kinh tế, nhất là kinh tế thương mại khu vực biên giới, cửa khẩu.
Thực hiện chủ trương giữa chính phủ hai nước, Bộ Công Thương Việt Nam đã có các hoạt động hợp tác thiết thực với các địa phương Trung Quốc thông qua các bản ghi nhớ hợp tác về kinh tế, thương mại với chính quyền các tỉnh như Tứ Xuyên (năm 2009), Khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Ninh (năm 2019), tỉnh Vân Nam (năm 2022), tỉnh Hải Nam (năm 2024), tỉnh Sơn Đông (năm 2024).
Việc ký kết và thực thi các Bản ghi nhớ này nhằm góp phần tăng cường quan hệ thương mại Việt Nam với các địa phương tiềm năng của Trung Quốc, thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước phát triển ổn định và bền vững.
Qua đó, tận dụng tiềm năng, ưu thế của mỗi địa phương Trung Quốc để tăng cường hợp tác trong những lĩnh vực mà địa phương có thế mạnh; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu, nhất là các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc, thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin giữa các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp hai bên, xúc tiến công tác mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản, trái cây của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc.
Thông qua các Bản ghi nhớ hợp tác đã thúc đẩy quan hệ chặt chẽ giữa Bộ Công Thương với các địa phương Trung Quốc có vị trí địa lý gần gũi với Việt Nam, đặc biệt các địa phương này có vai trò quan trọng trong trao đổi thương mại tại biên giới với Việt Nam.
Thứ nhất, với tỉnh Quảng Tây: đây là thị trường truyền thống, có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc, là địa phương duy nhất có đầy đủ các loại hình cửa khẩu biên giới với Việt Nam bao gồm cả đường bộ, đường thủy và đường sắt, có các cặp cửa khẩu quan trọng đối với thương mại song phương như Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan, Móng Cái – Đông Hưng, Tân Thanh – Pò Chài. Quảng Tây cũng là địa phương được Trung ương Trung Quốc xác định là cầu nối quan trọng nhất trong hợp tác giữa Trung Quốc với Việt Nam nói riêng và giữa Trung Quốc với ASEAN nói chung.
Thống kê của Hải quan Việt Nam cho thấy trao đổi thương mại qua các cửa khẩu biên giới giữa các địa phương Việt Nam với tỉnh Quảng Tây năm 2023 đã lên tới 41,4 tỷ USD, chiếm 24,1% tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước và chiếm 97,2% tổng kim ngạch thương mại qua các cửa khẩu biên giới đất liền Việt – Trung. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của tỉnh Quảng Tây trong 24 năm liên tiếp và thương mại qua các cửa khẩu biên giới đất liền của Việt Nam với Quảng Tây chiếm tới trên 95% kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới đất liền của hai nước.
Thứ hai, với tỉnh Vân Nam: Đây là địa phương có vị trí quan trọng trong tổng thể hợp tác kinh tế thương mại Việt – Trung, có quy mô thị trường lớn, nhu cầu hàng hóa đa dạng. Hơn nữa, Vân Nam còn là địa bàn quan trọng để Việt Nam có thể thâm nhập vào thị trường phía Tây Nam của Trung Quốc.
Tuy nhiên, kim ngạch thương mại của Việt Nam với tỉnh Vân Nam hiện nay còn rất khiêm tốn, mới chỉ chiếm chưa đến 5% thương mại song phương giữa hai nước nên còn nhiều tiềm năng khai thác. Thống kê của Hải quan Trung Quốc cho biết kim ngạch thương mại giữa tỉnh Vân Nam và Việt Nam năm 2023 đạt 2,65 tỷ USD, giảm 18,51% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, xuất khẩu của tỉnh Vân Nam tới Việt Nam đạt 1,67 tỷ USD, giảm 36,8%; nhập khẩu của tỉnh Vân Nam từ Việt Nam đạt 973,5 triệu USD, tăng 62,33% so với cùng kỳ năm 2022. Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam và tỉnh Vân Nam là một trong những cơ sở quan trọng để khai thác tốt hơn tiềm năng và nhu cầu hoạt động thương mại giữa các địa phương của Việt Nam với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.
Thứ ba, với tỉnh Sơn Đông: Đây là tỉnh ven biển phía Đông Trung Quốc, có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc với GRDP xếp thứ 3, dân số xếp thứ 2 với 101,62 triệu người năm 2023. Bộ Công Thương xác định Sơn Đông là thị trường lớn, nhiều tiềm năng và là cầu nối quan trọng trong hợp tác kinh tế, thương mại và công nghiệp giữa Việt Nam và khu vực phía Bắc Trung Quốc.
Những năm gần đây, Bộ Công Thương đã liên tục tăng cường các hoạt động trao đổi và hợp tác với tỉnh Sơn Đông, trong đó, Bản ghi nhớ hợp tác được ký kết năm 2024 sẽ tạo nền tảng quan trọng để thúc đẩy kinh tế, thương mại giữa các địa phương của Việt Nam với tỉnh Sơn Đông.
Trong tổng thể hợp tác với Trung Quốc, Bộ Công Thương Việt Nam rất coi trọng vai trò của tỉnh Sơn Đông là địa phương đầu tàu trong phát triển kinh tế của Trung Quốc. Năm 2023, quy mô thương mại giữa Sơn Đông và Việt Nam đạt 10,9 tỷ USD; đứng thứ 8 trong số các địa phương Trung Quốc có quan hệ thương mại với Việt Nam và chiếm khoảng 4,8% tổng kim ngạch thương mại song phương Việt - Trung.
Thứ tư, với tỉnh Hải Nam: Đây là hòn đảo nằm ở phía Nam Trung Quốc, dân số thường trú năm 2023 khoảng 10,4 triệu người. Tuy quy mô dân số không lớn nhưng Hải Nam lại là “Cảng thương mại tự do” lớn nhất của Trung Quốc, được hưởng nhiều chính sách ưu đãi quan trọng của Chính phủ Trung Quốc.
Hải Nam áp dụng một số chính sách ưu việt như: miễn VISA cho công dân 59 quốc gia, thúc đẩy nhiều lĩnh vực như du lịch, thăm thân, vui chơi giải trí; mở rộng các chuyến bay thẳng từ các trung tâm lớn trong khu vực đến Hải Nam; xây dựng khu vực hải quan riêng với mục tiêu mở; thành lập các cửa khẩu, trạm kiểm soát, phần mềm chống buôn lậu, hàng giả... Đây là địa phương có vị trí địa lý rất gần với Việt Nam và dự kiến sẽ chính thức trở thành Khu ngoại quan trước năm 2025 với hàng hóa nhập khẩu vào Hải Nam đều được hưởng chính sách ưu đãi thuế 0%.
Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã nhận định tỉnh Hải Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong quan hệ thương mại giữa ASEAN với Trung Quốc nói chung và giữa Việt Nam với Trung Quốc nói riêng. Việc ký kết Bản ghi nhớ hợp tác năm 2024 giữa Bộ Công Thương với tỉnh Hải Nam đã thể hiện minh chứng rõ nét để Việt Nam khai thác thêm các cơ hội mới tại thị trường này.
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global