VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 6, 22/11/2024 | English | Vietnamese

Trang chủGóp ý chính sáchVCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực sức khỏe

VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực sức khỏe

09:00:00 AM GMT+7Thứ 5, 27/06/2024

Kính gửi: Bộ Y tế Trả lời Công văn số 3107/BYT-K2ĐT của Bộ Y tế về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực sức khỏe (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến ban đầu như sau:

  1. Học phí, học bổng đào tạo chuyên sâu đặc thù (Điều 6)

Điểm b khoản 1 Điều 6 Dự thảo quy định, cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập được quyền chủ động xây dựng mức học phí đối với học viên các khóa đào tạo để cấp văn bằng chuyên khoa, “có trách nhiệm công khai, giải trình với người học và xã hội về mức thu học phí”. Việc yêu cầu công khai mức học phí là hợp lý, tuy nhiên phải giải trình về mức thu học phí đề nghị cân nhắc lại. Bởi vì, cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập được quyền tự chủ trong xây dựng học phí. Xác định mức thu học phí bao nhiêu, tùy thuộc vào tình hình hoạt động cũng như chiến lược phát triển của cơ sở giáo dục. Mặt khác, người học hoặc xã hội cũng không có thông tin để xác định mức thu học phí đó là hợp lý hay không? Nếu không hợp lý, cũng không có cách thức nào để can thiệp hoặc tác động. do đó giải trình về mức thu học phí này là không cần thiết. Các học viên có quyền lựa chọn các cơ sở giáo dục công lập hoặc ngoài công lập để cho việc học dựa vào các mức học phí cũng như yếu tố khác, vì vậy các cơ sở giáo dục ngoài công lập sẽ phải xây dựng mức học phí phù hợp, cũng như các yếu tố về chất lượng giáo dục để thu hút học viên.

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định “giải trình với người học và xã hội”.

  1. Điều kiện mở ngành đào tạo bác sĩ chuyên khoa (Điều 15)

– Ý kiến đồng thuận của cơ quan quản lý nhà nước

Theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 15 Dự thảo, đối với ngành đào tạo thí điểm sẽ được xem xét mở ngành nếu đáp ứng một trong các điều kiện là “có ý kiến đồng thuận của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực ngành tương ứng”. Tuy nhiên, Dự thảo lại chưa có quy định về thủ tục để có được sự đồng thuận của cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan quản lý nhà nước là cơ quan nào? Điều này có thể gây khó khăn trên thực tế triển khai, đề nghị Ban soạn thảo hoặc bỏ quy định này hoặc quy định rõ ràng, cụ thể về thủ tục để cơ sở đào tạo có được sự đồng thuận của cơ quan quản lý nhà nước.

– Về kết thúc ngành đào tạo thí điểm

Đối với ngành đào tạo thí điểm, Dự thảo đang chưa có quy định, thời hạn thực hiện thí điểm là bao lâu? Sau khi kết thúc thời hạn thí điểm thì sẽ như thế nào (không tiến hành đào tạo nữa hay trở thành ngành đào tạo chính của cơ sở đào tạo? Căn cứ và/hoặc thủ tục để đánh giá việc đào tạo thí điểm này?). Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ vấn đề này tại Dự thảo.

  1. Thủ tục mở ngành đào tạo cấp văn bằng chuyên khoa (Điều 19)

– Phương thức thực hiện thủ tục

Dự thảo quy định về việc nộp hồ sơ đề nghị mở ngành đào tạo chuyên khoa nhưng chưa quy định rõ về phương thức gửi hồ sơ: trực tiếp hay gián tiếp (qua đường bưu điện), có thực hiện qua phương thức điện tử không? Trong bối cảnh, Chính phủ đang đẩy mạnh hoạt động cải cách thủ tục hành chính, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về các phương thức thực hiện thủ tục, trong đó có hình thức thực hiện qua phương thức điện tử.

– Cơ quan giải quyết thủ tục

Khoản 2 Điều 19 Dự thảo quy định “trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Y tế hoặc cơ quan được Bộ Y tế phân cấp, ủy quyền (sau đây gọi là cơ quan có thẩm quyền) kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ”. Quy định này là chưa rõ về cơ quan giải quyết thủ tục. Cơ sở đào tạo sẽ không biết trường hợp nào sẽ gửi cho Bộ Y tế, trường hợp nào sẽ gửi cho cơ quan được Bộ Y tế phân quyền, ủy quyền? Làm thế nào cơ sở đào tạo biết được cơ quan nào được Bộ Y tế phân quyền, ủy quyền?

Hiện nay, việc phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính đang được thúc đẩy mạnh mẽ, vì vậy, để đảm bảo tinh thần cải cách, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục mở ngành đào tạo cấp văn bằng chuyên khoa và quy định rõ cơ quan giải quyết thủ tục ngay trong Dự thảo.

  1. Quy định về chuyển tiếp (Điều 40)

Điểm b khoản 2 Điều 40 Dự thảo quy định: “các cơ sở đào tạo đã được giao nhiệm vụ đào tạo chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II, bác sĩ nội trú đáp ứng điều kiện mở ngành quy định tại Nghị định này được tuyển sinh, đào tạo chuyên khoa kể từ ngày Nghị định có hiệu lực”.

Theo quy định trên, kể từ ngày Nghị định có hiệu lực, cơ sở đào tạo đã được giao nhiệm vụ đáp ứng điều kiện sẽ tiếp tục được tuyển sinh, đào tạo. Nhưng làm thế nào để cơ sở đào tạo biết mình có đáp ứng điều kiện hay không?

Theo quy định tại Điều 20 Dự thảo, các cơ sở đào tạo đã được giao nhiệm vụ đào tạo chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II, bác sĩ nội trú đáp ứng điều kiện mở ngành quy định tại Nghị định này phải thực hiện thủ tục tự công bố đáp ứng điều kiện. Hồ sơ tự công bố gửi tới Bộ Y tế và sau thời gian xem xét, Bộ Y tế sẽ gửi thông báo về việc đáp ứng yêu cầu đào tạo cấp văn bằng chuyên khoa. Như vậy, văn bản thông báo của Bộ Y tế là văn bản xác nhận việc đáp ứng điều kiện của cơ sở đào tạo.

Về mặt nguyên tắc, cơ sở đào tạo đã được giao nhiệm vụ đáp ứng điều kiện chỉ được tiếp tục tuyển sinh và đào tạo khi có văn bản thông báo về đáp ứng yêu cầu đào tạo cấp văn bằng chuyên khoa của Bộ Y tế, và việc áp dụng thủ tục để có văn bản thông báo này phải thực hiện sau khi Nghị định có hiệu lực.

Để đảm bảo tính chính xác và thuận lợi khi áp dụng, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh quy định trên theo hướng, quy định một khoảng thời gian hợp lý kể từ khi Nghị định này có hiệu lực, các cơ sở đào tạo đã được giao nhiệm vụ đáp ứng điều kiện phải thực hiện thủ tục tự công bố đáp ứng yêu cầu đào tạo theo quy định tại Điều 20 Dự thảo.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực sức khỏe. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

Ấn phẩm

Các ấn phẩm, báo cáo chuyên sâu

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global