VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 5, 09/01/2025 | English | Vietnamese

Trang chủVăn bản pháp luậtThông tư 43/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn xử lý lỗ phát sinh từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm doanh nghiệp nhà nước chính thức chuyển thành công ty cổ phần

Thông tin chi tiết

Thông tư 43/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn xử lý lỗ phát sinh từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm doanh nghiệp nhà nước chính thức chuyển thành công ty cổ phần

Số/Ký hiệu
43/2004/TT-BTC
Cơ quan ban hành
Bộ Tài chính
Loại văn bản
Thông tư
Người ký
Lê Thị Băng Tâm
Ngày ban hành
20/05/2004
Ngày hiệu lực
16/06/2004
Ngày hết hiệu lực
Hiệu lực văn bản
Còn hiệu lực
Tệp đính kèm

Xem chi tiết văn bản

BỘ TÀI CHÍNH

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

-----

 

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Số :  43/2004/TT-BTC

 

------------------

 

 

Hà Nội, ngày 20 tháng 5 năm 2004

 

 

THÔNG TƯ

Hướng dẫn xử lý lỗ phát sinh từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến

thời điểm doanh nghiệp nhà nước chính thức chuyển thành công ty cổ phần 

 

 

            Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 280/VPCP-ĐMDN ngày 15/01/2004 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý khoản lỗ kinh doanh phát sinh từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm chuyển sang công ty cổ phần đối với doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hoá như sau:

 

I. ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP ĐANG THỰC HIỆN CỔ PHẦN HOÁ

           

            1. Giám đốc doanh nghiệp nhà nước và Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (gọi tắt là Ban Đổi mới tại doanh nghiệp) phải khẩn trương hoàn thành phương án chuyển đổi trong thời hạn tối đa 6 tháng kể từ ngày được phê duyệt phương án  cổ phần hoá. Trong quá trình thực hiện phương án cổ phần hoá (doanh nghiệp chưa đăng ký kinh doanh chuyển thành công ty cổ phần) nếu từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm lập báo cáo tài chính quý hoặc năm doanh nghiệp có phát sinh lỗ kinh doanh thì: Giám đốc doanh nghiệp và Ban đổi mới tại doanh nghiệp phải xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm tập thể, cá nhân; xử lý bồi thường vật chất (nếu do nguyên nhân chủ quan), đồng thời phối hợp với cơ quan tài chính, ngân hàng thương mại xem xét điều kiện, làm thủ tục xoá nợ đọng thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước, lãi vay ngân hàng chưa thanh toán để xử lý khoản lỗ còn lại (nếu có) như quy định tại Thông tư số 85/2002/TT-BTC ngày 26/9/2002 của Bộ Tài chính và Thông tư số 05/2003/TT-NHNN ngày 24/2/2003 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

 

2. Sau khi đã xử lý như quy định tại điểm 1 mà vẫn còn lỗ thì Giám đốc doanh nghiệp và Ban đổi mới tại doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định cổ phần hoá để xem xét, xử lý như sau:

 

            2.1. Trường hợp doanh nghiệp có số lỗ nhỏ hơn giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và không thuộc đối tượng Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối: Thực hiện điều chỉnh phương án cổ phần hoá trên cơ sở điều chỉnh giảm giá trị phần vốn của Nhà nước dự kiến góp tại doanh nghiệp tương ứng với số lỗ còn lại, nếu không đủ thì  tiếp tục điều chỉnh giảm giá trị phần vốn Nhà nước dùng để thực hiện chính sách ưu đãi về giá bán cổ phần và phương án bán cổ phần ưu đãi.

 

            2.2. Trường hợp doanh nghiệp có số lỗ nhỏ hơn giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhưng thuộc đối tượng Nhà nước cần nắm giữ cổ phần chi phối: Điều chỉnh phương án cổ phần hoá theo hướng điều chỉnh giảm quy mô vốn điều lệ và phương án bán cổ phần ưu đãi cho người lao động, người sản xuất, cung cấp nguyên liệu trên cơ sở đảm bảo tỷ lệ cổ phần nhà nước nắm giữ đủ để thực hiện quyền chi phối.

 

            2.3. Trường hợp doanh nghiệp có số lỗ bằng hoặc lớn hơn giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì chuyển sang hình thức sắp xếp khác như giao, bán hoặc phá sản doanh nghiệp.

 

II. ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP ĐÃ CỔ PHẦN HOÁ

VÀ ĐĂNG KÝ KINH DOANH THEO LUẬT DOANH NGHIỆP

 

            Sau khi cổ phần hoá và đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp phải thực hiện quyết toán tài chính tại thời điểm được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để bàn giao cho công ty cổ phần. Nếu có phát sinh lỗ từ thời điểm định giá đến thời điểm được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giám đốc doanh nghiệp và Ban đổi mới tại doanh nghiệp phải xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm tập thể, cá nhân, báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định cổ phần hoá để kiểm tra, xử lý trách nhiệm bồi thường vật chất (nếu do nguyên nhân chủ quan), số lỗ còn lại (sau khi xử lý trách nhiệm bồi thường vật chất) của doanh nghiệp được xử lý như sau:

           

1. Đối với doanh nghiệp không thuộc đối tượng Nhà nước cần nắm giữ cổ phần chi phối:

 

            1.1. Nếu số lỗ ít hơn số tiền thu từ bán phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, được Quỹ hỗ trợ sắp xếp và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước (Quỹ sắp xếp doanh nghiệp) hoàn trả một phần số tiền thu đã nộp quỹ để bù đắp.

 

            1.2. Nếu số lỗ lớn hơn số tiền thu từ bán phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhưng nhỏ hơn giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp ở thời điểm trước khi cổ phần hoá thì :

 

            - Được Quỹ sắp xếp doanh nghiệp cấp lại toàn bộ số tiền thu từ bán phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

 

            - Số lỗ còn lại (chênh lệch giữa số lỗ đề nghị xử lý với số tiền được Quỹ hoàn trả) doanh nghiệp phải báo cáo cơ quan quyết định cổ phần hoá để xem xét, quyết định việc điều chỉnh giảm phần vốn Nhà nước góp tại doanh nghiệp và số lượng cổ phần bán ưu đãi giảm giá (nếu vốn Nhà nước góp tại công ty cổ phần ít hơn số lỗ còn lại); đồng thời triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường để quyết định phát hành thêm cổ phiếu bù đắp số cổ phần Nhà nước giảm hoặc điều chỉnh quy mô và cơ cấu vốn điều lệ, bầu lại Hội đồng quản trị và điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

 

            1.3. Nếu số lỗ lớn hơn hoặc bằng giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp ở thời điểm trước khi cổ phần hoá:

 

 - Được Quỹ sắp xếp doanh nghiệp cấp lại số tiền đã nộp do bán phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;

 

 - Điều chỉnh giảm hết phần vốn Nhà nước góp tại doanh nghiệp và thu hồi giá trị phần vốn Nhà nước đã dùng để thực hiện ưu đãi giảm giá và ưu đãi chậm trả để giảm lỗ.

 

 Trường hợp đã giảm hết vốn Nhà nước tham gia nhưng vẫn còn lỗ thì công ty phải triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường để thông báo về thực trạng doanh nghiệp và biểu quyết các vấn đề liên quan đến sự tồn tại của doanh nghiệp theo hướng :

            + Chấp nhận kế thừa khoản lỗ còn lại và tiếp tục hoạt động;

            + Thực hiện bán doanh nghiệp với điều kiện bên mua kế thừa nợ và lỗ;

            + Tuyên bố phá sản công ty, thanh lý tài sản để thanh toán nợ cho các chủ nợ và trả lại tiền góp cho các cổ đông.

 

            2. Đối với doanh nghiệp thuộc đối tượng nhà nước cần nắm giữ cổ phần chi phối thì được sử dụng nguồn Quỹ sắp xếp doanh nghiệp để bù đắp, duy trì tỷ lệ phần vốn nhà nước góp trong công ty cổ phần.

           

III. TRÌNH TỰ VÀ THỦ TỤC

 

1. Để có căn cứ kiểm tra và kịp thời xử lý lỗ, doanh nghiệp phải chủ động xây dựng phương án xử lý (theo quy định tại Mục I và Mục II của Thông tư này) và lập hồ sơ đề nghị xử lý lỗ báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định cổ phần hoá, Bộ Tài chính (đối với doanh nghiệp trực thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổng công ty nhà nước có số lỗ làm giảm giá trị vốn Nhà nước tại doanh nghiệp từ 500 triệu đồng trở lên), tổng công ty nhà nước (nếu doanh nghiệp là thành viên tổng công ty) và cơ quan quản lý quỹ sắp xếp doanh nghiệp.

 

2. Hồ sơ đề nghị xử lý lỗ phát sinh của doanh nghiệp cổ phần hoá bao gồm:

 

- Công văn đề nghị xử lý lỗ của doanh nghiệp và tổng công ty nhà nước (nếu doanh nghiệp là thành viên tổng công ty).

- Báo cáo tài chính từ thời điểm xác định giá trị đến thời điểm kết thúc quý hoặc năm có phát sinh lỗ (đối với doanh nghiệp đang thực hiện cổ phần hoá). Báo cáo tài chính từ thời điểm định giá đến thời điểm được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (đối với doanh nghiệp đã hoàn thành cổ phần hoá).

 

Đối với doanh nghiệp cổ phần hoá là thành viên tổng công ty thì báo cáo tài chính phải có ý kiến thẩm định của Tổng công ty

 

- Biên bản xác định nguyên nhân lỗ, trách nhiệm tập thể, cá nhân và phương án xử lý lỗ của doanh nghiệp.

 

- Quyết định công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá và Quyết định phê duyệt phương án cổ phần hoá của cơ quan có thẩm quyền.

 

- Hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá.

 

3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền quyết định cổ phần hoá có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, xác định nguyên nhân lỗ tại doanh nghiệp và phối hợp với cơ quan quản lý quỹ sắp xếp doanh nghiệp để xử lý theo chế độ hiện hành và quy định tại Thông tư này.

 

Đối với các doanh nghiệp nhà nước là thành viên của tổng công ty nhà nước thực hiện cổ phần hoá thì tổng công ty có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quyết định cổ phần hoá kiểm tra và xử lý lỗ của doanh nghiệp thành viên.

           

Đối với doanh nghiệp cổ phần hoá có khoản lỗ phát sinh từ 500 triệu đồng trở lên thì phải có ý kiến thoả thuận bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Tài chính trước khi xử lý.

 

4.Việc sử dụng nguồn Quỹ sắp xếp doanh nghiệp để xử lý các khoản lỗ phát sinh từ thời điểm định giá đến thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần đối với các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá được thực hiện như  sau:

 

            4.1. Doanh nghiệp thuộc đối tượng nộp tiền thu từ bán phần vốn nhà nước về Quỹ  nào thì Quỹ đó chịu trách nhiệm phối hợp với cơ quan quyết định cổ phần hoá và Bộ Tài chính để xử lý theo các quy định trên.

 

4.2. Trường hợp Quỹ sắp xếp doanh nghiệp các Tổng công ty và các địa phương không có đủ nguồn để bù đắp: Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Hội đồng quản trị Tổng công ty nhà nước báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính để thực hiện điều hoà Quỹ như quy định tại Quyết định số 174/2002/QĐ-TTg ngày 02/12/2002 của Thủ tướng Chính phủ.

 

 

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

 

2. Cơ quan có thẩm quyền quyết định cổ phần hoá có trách nhiệm phối hợp với cơ quan tài chính doanh nghiệp và cơ quan quản lý quỹ sắp xếp doanh nghiệp hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hoá xử lý khoản lỗ phát sinh từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm chuyển sang công ty cổ phần theo quy định của  thông tư này.

 

            3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.

 

 

 

KT.BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Nơi nhận :

Thứ trưởng

- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

 

- Văn phòng Chính phủ;

 

- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;

 

- Văn phòng Chủ tịch nước;

Đã ký

- Văn phòng Quốc hội;

 

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,

 

  cơ quan thuộc Chính phủ;

 

- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;

    Lê Thị Băng Tâm

- Toà án nhân dân tối cao;

 

- Viện KSND tối cao;

 

- Sở Tài chính, Cục thuế các tỉnh,

 

  TP trực thuộc TW;

 

- Các Tổng công ty Nhà nước;

 

- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);

 

- Công báo;

 

- Các đơn vị thuộc Bộ;

 

- Lưu : VP (2), Vụ Pháp chế, Cục TCDN (3)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Văn bản liên quan

Số/Ký hiệu
Ngày ban hành
Trích yếu
Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global