Chủ nhật, 22/12/2024 | English | Vietnamese
09:56:00 AM GMT+7Thứ 2, 07/10/2024
ESG từ lâu đã là bộ chỉ số tiêu chuẩn của toàn cầu cho mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, tại Việt Nam các DN đang khá lúng túng trong việc thực hành ESG do nhiều vướng mắc về pháp lý, kinh nghiệm… Các chuyên gia cho rằng, nếu bây giờ không làm, 10 năm nữa DN Việt sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh
“Buộc phải thực hành sớm, từ yêu cầu thị trường”
Đó là chia sẻ của ông Vũ Thanh Tùng, Trưởng phòng Phát triển Kinh doanh, Công ty Cổ phần Xây dựng Vilai Việt tại Tọa đàm “Thực hành ESG trong doanh nghiệp: Xây lợi thế vững bền - Tạo tương lai thịnh vượng" mới đây.
Ông Tùng kể, đặc thù đối tác của công ty là các doanh nghiệp FDI đến từ Singapore, Đài Loan, Nhật Bản, Úc…khi vào Việt Nam đều đặt chung một câu hỏi: Công ty đã có báo cáo ESG hay chưa?
“Yêu cầu từ các đối tác, thị trường khiến chúng tôi từ năm 2022 đã phải tìm hiểu xem ESG là gì, tiêu chuẩn của nó ra sao, triển khai như thế nào”, ông Tùng nói thêm.
Theo ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT, Công ty Cổ phần Shinec, chính sức ép đến từ các nhà đầu tư quốc tế, khiến cho các DN Việt phải chuyển mình, để nâng cao tính cạnh tranh. Ngày từ thời điểm triển khai xây dựng khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, công ty đã theo đuổi mục tiêu KCN sinh thái cộng với đảm bảo an sinh xã hội. Môi trường là vấn đề được DN đặt lên hàng đầu, sau đó đến đời sống xã hội là những người công nhân, người lao động và cuối cùng là một hệ thống quản trị, vận hành khu công nghiệp được đầu tư đồng bộ, hoàn toàn trực tuyến.
“Quốc tế họ đã quan tâm và thực hành ESG từ rất lâu rồi, chúng tôi phải tìm hiểu xem các tiêu chuẩn của họ là gì về cả môi trường, xã hội, quản trị để trong quá trình trao đổi đàm phán, đưa ra được các tiêu chí thuyết phục đối tác ”, ông Điệp nhấn mạnh.
Không chỉ đòi hỏi từ đối tác quốc tế, các DN có thị trường tại Việt Nam cũng đang dần quan tâm đến phát triển bền vững, và bắt đầu thực hành ESG.
Bà Nguyễn Hải Bình, Tổng Giám đốc, Công ty Cổ phần Tập đoàn STP giãi bày, sau thiệt hại nặng nề của cơn bão số 3 (Yagi), đặc biệt là người dân nuôi biển ở Quảng Ninh, Hải Phòng, mất trắng toàn bộ tài sản gây dựng bao lâu nay. Là người con của biển Hải Phòng, thấu hiểu điều đó, bà Bình rất mong muốn phát triển bền vững nghề nuôi trồng thuỷ sản và hạ tầng nông nghiệp bền vững trên biển.
Bà Bình ví dụ, DN đang sản xuất phao HDPE và hệ thống hạ tầng lồng nuôi cá thay thế cho các lồng tre, gỗ cho bà con nuôi biển Vân Đồn, Cẩm Phả, vừa rồi đã bị cơn bão thổi bay. Loại lồng mới này có thể sử dụng được 10 năm, bảo vệ cho thuỷ hải sản.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho biết, rất ấn tượng với các DN đã thực hành ESG trong chuỗi chương trình hỗ trợ của IPSC – Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam.
Ví dụ như đi vào KCN Nam Cầu Kiền, cảm giác như đi vào một khu “công viên”, người dân Hải Phòng được vào đó vui chơi giải trí. Đặc biệt hơn nữa, tại đây có một chuỗi cộng sinh mà chúng ta nhắc đến rất nhiều trong kinh tế tuần hoàn của nhựa, điện tử, và thép.
Còn với câu chuyện của ông Thanh Tùng, bà Hải Bình, đều là các DN đã đang và sắp tới hội nhập quốc tế, nhưng thách thức của chúng ta là thiếu rất nhiều kiến thức, hiểu biết luật pháp quốc tế.
“Điều thôi thúc hơn cả đó là nâng tầm các DN Việt, quốc tế như thế nào chúng ta cũng phải như thế đó”, bà Thuỷ nhấn mạnh.
Làm thật ESG, nếu không muốn mất lợi thế
Theo bà Nguyễn Hải Bình, để thực hành được ESG tại doanh nghiệp, đội ngũ lãnh đạo phải thực sự là những “con người ESG”, phải làm gương. Và con đường phát triển xanh là nội thân từ bên trong, doanh nghiệp phải đánh giá được các chỉ số đang ở giai đoạn nào, đã làm được những gì, còn thiếu những tiêu chí nào. Từ đó, đưa ra được lựa chọn các bên liên quan “đồng màu, đồng chất” về các trọng số E, S, G.
“Có không ít DN đang “làm màu” ESG, đang “tẩy xanh”, hãy bắt đầu và làm thật”, bà Bình đưa ra lời khuyên.
Vị Chủ tịch HĐQT, Công ty Cổ phẩn Shinec cho rằng, con đường ESG của mỗi doanh nghiệp là một hành trình rất dài và khó khăn nhưng phải làm nếu không sẽ mất tính cạnh tranh, không còn lợi thế trên sân chơi quốc tế. Đầu tiên, cần xác định rõ mục tiêu của, định vụ được tầm nhìn của mình. Thứ hai, gỡ vướng về vấn đề chính sách bằng cách tiếp cận từ dưới lên bằng các thông tư, nghị định hướng dẫn. Tiếp theo, người đứng đầu cần truyền cảm hứng cho tất cả các nhân viên, thành viên của công ty cùng tham gia.
Ông Điệp kể, ở Shinec, không chỉ nhân viên, cảm hứng còn được truyền cho tất cả các doanh nghiệp FDI tham gia, Nam Cầu Kiền có các DN đến từ 7 quốc gia khác nhau. Nếu lãnh đạo tại Việt Nam không quyết được, sẽ trực tiếp email cho cấp cao hơn ở nước ngoài để thuyết phục. Bên cạnh đó, Shinec thành lập một câu lạc bộ tất các kỹ sư ở khu Nam Cầu Kiền, nếu bất kỳ một DN nào bị vướng mắc kỹ thuật, đã có đội ngũ kỹ sư hùng hậu tham gia xử lý vấn đề.
Ông Điệp ví dụ thêm việc trồng cây xanh, xây dựng cảnh quan khu công nghiệp, Shinec đã biến hoàn bộ hệ thống cây xanh thành cảnh quan văn hoá. Và mỗi một doanh nghiệp đóng góp cây xanh, trồng cây, tạo ra cả một hệ sinh thái cộng sinh mà trong đó tất cả mọi người đều cảm thấy vui.
“Giống như bác Võ Nguyên Giáp ngày xưa dùng chiến tranh nhân dân thắng giặc, tất cả mọi người, tất cả các nhà đầu tư FDI đều tham gia và họ đều vui vẻ”, ông Điệp phấn khởi nói.
Bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ cho biết, trong quá trình làm việc với các DN, hiện nay có 2 xu hướng ESG. Đầu tiên là các DN kinh doanh các lĩnh vực truyền thống ví dụ như xây dựng, công nghệ, điện tử…thì các công ty cũng đã thấy được bước chuyển mình của thị trường, của nhà mua quốc tế, của luật pháp. Do đó, không còn lựa chọn nào khác là phải tích hợp ESG vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thứ hai, là các doanh nghiệp mà ngay từ đầu chiến lược phát triển của họ đã gắn vào 2 cụm từ sinh thái và bền vững. Ví dụ như mô hình KCN sinh thái Nam Cầu Kiền, hay nhựa sinh thái cho nuôi trồng thuỷ hải sản trên biển của STP.
“Nếu 10 năm nữa, các công ty FDI rút khỏi Việt Nam vì đã hết các lợi thế mà chúng ta đang dùng để chào mời nhà đầu tư quốc tế như lao động giá rẻ, hỗ trợ thuế…thì DN của Việt Nam còn lại điều gì. Do đó, sớm thực hành ESG giúp các DN Việt chạm vào các yêu cầu của toàn cầu hoá, đáp ứng bài toán mới từ thị trường quốc tế”, bà Thuỷ nói thêm.
03:07:00 PM GMT+7Thứ 7, 21/12/2024
03:05:00 PM GMT+7Thứ 7, 21/12/2024
03:03:00 PM GMT+7Thứ 7, 21/12/2024
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global