Thứ 5, 03/04/2025 | English | Vietnamese
09:55:00 AM GMT+7Thứ 3, 01/04/2025
Bối cảnh ngành hàng không đang quá tải, đường biển chưa phát triển mạnh… là cơ hội để phát triển du lịch bằng đường sắt. Tuy nhiên, du lịch đường sắt của Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng còn nhiều hạn chế.
Tại Hội thảo "Liên kết phát triển sản phẩm du lịch Bình Định và kết nối sản phẩm du lịch đường sắt Đà Nẵng, Khánh Hòa" được tổ chức vào ngày 31/3, ông Hà Trọng Thắng, Phó Tổng Giám đốc CTCP Vận tải Đường sắt cho hay, phát triển du lịch bằng đường sắt là một lĩnh vực đầy tiềm năng nhưng chưa được khai thác đúng mức.
Theo đó, tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua nhiều tỉnh, thành với những danh lam thắng cảnh nổi tiếng là một lợi thế lớn để phát triển các sản phẩm du lịch liên vùng. Vì vậy, việc kết nối Bình Định, Đà Nẵng và Khánh Hòa bằng đường sắt sẽ tạo ra một hành trình du lịch hấp dẫn, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng.
Ông Thắng cho rằng, hiện, tuyến đường sắt Quy Nhơn - Diêu Trì dài 10km là tuyến đường nhánh hàng ngày chỉ tổ chức chạy 1 đôi tàu khách SE29, SE30 (Sài Gòn - Quy Nhơn), do đó năng lực chạy tàu còn dư thừa, rất phù hợp với tổ chức khai thác tàu du lịch.
CTCP Vận tải Đường sắt đề nghị tỉnh Bình Định và các đơn vị lữ hành nghiên cứu phương án tổ chức chạy hàng ngày từ 2 - 3 đôi tàu du lịch giữa Quy Nhơn đến Diêu Trì; đồng thời, dọc đường có các điểm tàu chạy chậm và dừng dọc đường để khách check in, chụp ảnh.
Về phương án lâu dài, doanh nghiệp này sẵn sàng cung cấp toa xe hiện đang vận dụng chạy tàu trên tuyến đường sắt quốc gia để các đơn vị lữ hành thiết kế, cải tạo nội thất cho phù hợp với nhu cầu của khách du lịch và định hướng của doanh nghiệp du lịch.
Cùng với đó, CTCP Vận tải Đường sắt có chính sách ưu đãi với Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Định để xây dựng các tour trọn gói kết hợp tàu hỏa với du lịch biển, du lịch văn hóa tại Bình Định. Đơn vị cũng sẵn sàng liên kết với các doanh nghiệp lữ hành cải thiện chất lượng toa xe, xây dựng dịch vụ chuyên nghiệp, không gian giải trí, tiện ích; phát triển tàu du lịch chuyên biệt với thiết kế nội thất sang trọng, mang đặc trưng văn hóa Bình Định.
"Hiện, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch chạy tàu hè năm 2025, trong đó tuyến Sài Gòn - Quy Nhơn tổ chức chạy thường xuyên đôi tàu SE30/SE29…", ông Thắng thông tin.
Trong khi đó, ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhìn nhận, hiện, ngành hàng không đang gặp khó khăn khi số lượng tàu bay không nhiều, giá vé còn cao… Đây là cơ hội cho đường sắt phát triển.
Ông Giang cho rằng, CTCP Vận tải Đường sắt phải có cam kết rõ ràng đối với cước phí vận chuyển để có giá tour hợp lý. "Các anh cam kết với các công ty lữ hành khi bán tour về Bình Định thì giá được giảm bao nhiêu so với giá công bố. Còn hôm nay thế này, ngày mai thế khác thì rất khó", ông Giang nhấn mạnh.
Về tour du lịch bằng tàu hỏa từ ga Diêu Trì đến Quy Nhơn, ông Giang nhấn mạnh phải có sự hỗ trợ, chia sẻ từ các bên. Nếu doanh nghiệp quyết tâm làm, UBND tỉnh sẵn sàng hỗ trợ đường hoa từ Diêu Trì về Quy Nhơn.
"Tuy nhiên, nếu tỉnh phải bỏ tiền ra sửa toa tàu cho ngành đường sắt thì không thể được, có muốn hỗ trợ cũng không được. Bởi, không có cơ chế nào ngân sách bỏ tiền cho doanh nghiệp. Tôi đề nghị, các khoản đó ngành đường sắt phải lo, còn Hiệp hội Du lịch tỉnh lo khách du lịch, tỉnh lo đường hoa, từ đó, khi kết hợp lại tạo thành sản phẩm nhằm tăng trải nghiệm cho du khách", ông Giang cho biết.
Theo ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam, hiện, hợp tác phát triển du lịch bằng đường sắt là tốt nhất trong bối cảnh ngành hàng không đang quá tải, đường biển chưa phát triển mạnh còn đường bộ thì quá tốn thời gian.
Vì vậy, cả 2 phía cũng cần có sự tính toán; trong đó, ngành du lịch thấy tiềm năng của đường sắt và đường sắt cũng phải thấy được du lịch là tiềm năng rất lớn để ngành này tồn tại, phát triển.
Với việc phát triển du lịch bằng đường sắt, ngành du lịch Quảng Nam xác định, sẽ lo hạ tầng từ nhà ga cho đến các điểm đến du lịch vệ tinh xung quanh các nhà ga đó.
Đáng chú ý, trong quy hoạch của Quảng Nam, tỉnh này và TP. Đà Nẵng sẽ xây dựng 1 tuyến đường sắt nội địa để phục vụ cho du lịch, nối từ Đà Nẵng đi vào tất cả các điểm du lịch ven biển và vào tới sân bay Chu Lai.
Đồng thời, ngành du lịch Quảng Nam đang đầu tư kết nối các tuyến giao thông ngang từ các điểm du lịch lên các ga như: Tam Kỳ, Trà Kiệu… Ngoài ra, xung quanh các ga trên, địa phương sẽ xây dựng các sản phẩm, điểm du lịch để phục vụ du khách. "Về lâu dài, ngành đường sắt phải có chiến lược, coi du lịch là "kho báu", một tiềm năng lớn. Ở chiều ngược lại, du lịch phải coi đường sắt là một lối ra", ông Hồng chia sẻ thêm.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, mặc dù có những tiềm năng và kết quả bước đầu nhưng nhìn chung, du lịch đường sắt của Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng còn nhiều hạn chế.
Cụ thể, cơ sở hạ tầng đường sắt chưa hiện đại, tốc độ tàu còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu di chuyển nhanh của khách du lịch; dịch vụ trên tàu chưa hấp dẫn; cần nâng cấp về chất lượng toa tàu, phục vụ ăn uống và giải trí; kết nối giữa nhà ga và các điểm du lịch chưa tốt, cần có hệ thống phương tiện trung chuyển hiệu quả.
"Nhìn ra các nước trên thế giới, chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm để phát triển thành công du lịch đường sắt. Pháp, Thụy Sĩ và nhiều nước châu Âu đã duy trì các tuyến đường sắt lâu đời phục vụ du lịch", ông Siêu nói.
Theo Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bình Định là một trong những địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch đường sắt, khi có vị trí chiến lược trên tuyến đường sắt Bắc - Nam; cảnh quan thiên nhiên phong phú và nhiều điểm du lịch hấp dẫn; có ga Diêu Trì - một trong những ga lớn nhất khu vực miền Trung, đóng vai trò quan trọng trong giao thông đường sắt; ga Quy Nhơn là một nhánh của tuyến đường sắt, thuận tiện cho du khách di chuyển vào trung tâm thành phố và đến các điểm du lịch ven biển…
Thời gian qua, Bình Định đã có những nỗ lực nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch đặc biệt tập trung sản phẩm du lịch đường sắt, đẩy mạnh thu hút khách du lịch bằng phương tiện tàu hỏa tạo đặc trưng riêng của tỉnh; đặc biệt là khách từ TP. HCM và các tỉnh trong khu vực miền Trung có tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua như Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa…
"Các cơ sở lưu trú, lữ hành, vận tải du lịch, nhà hàng, điểm đến của Bình Định đã có nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn thu hút khách du lịch đường sắt. Khách du lịch đến Bình Định lựa chọn phương tiện đường sắt qua các ga Diêu trì, ga Quy Nhơn, ga Phú Yên có xu hướng tăng cao", ông Siêu cho hay.
11:41:00 AM GMT+7Thứ 4, 02/04/2025
11:39:00 AM GMT+7Thứ 4, 02/04/2025
11:38:00 AM GMT+7Thứ 4, 02/04/2025
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global