VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 5, 26/12/2024 | English | Vietnamese

Trang chủDoanh nghiệpCông nghiệp bán dẫn, chip điện tử - 'mạch máu' của nền kinh tế hiện đại

Công nghiệp bán dẫn, chip điện tử - 'mạch máu' của nền kinh tế hiện đại

10:08:00 AM GMT+7Thứ 2, 02/12/2024

Đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) cho biết, công nghiệp bán dẫn và chip điện tử được xem như mạch máu của nền kinh tế hiện đại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Sáng 30/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số (CNS).

Đa số các đại biểu tán thành về dự án luật và kỳ vọng tạo ra khuôn khổ pháp lý để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số ở nước ta.

Tham gia ý kiến, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) quan tâm tới chính sách phát triển công nghiệp CNS. Từ đó, đại biểu đề nghị bổ sung ở khoản 7 Điều 5, phát triển công nghiệp CNS theo hướng hiện đại, đổi mới, sáng tạo, bền vững và theo một mô hình kinh tế tuần hoàn, nhằm để giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, nhằm đáp ứng yêu cầu và phù hợp với thực tiễn.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang. Ảnh: QH

Cần ưu đãi vượt trội cho doanh nghiệp CNS

Về nguồn nhân lực công nghệ số, đại biểu, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về chính sách phát triển nguồn nhân lực CNS, chế độ ưu đãi đối với người hoạt động chuyên trách trong lĩnh vực CNS.

Về thu hút nguồn nhân lực CNS chất lượng cao, đại biểu Sang đề nghị bổ sung những chính sách ưu đãi khác về điều kiện sinh hoạt, điều kiện làm việc, nghiên cứu, điều kiện học tập để nâng cao bắt kịp với xu thế phát triển của lĩnh vực công nghiệp CNS.

Về bảo vệ người sử dụng sản phẩm, dịch vụ CNS thử nghiệm, khoản 6 Điều 56, đại biểu đề nghị phải thực hiện biện pháp mua bảo hiểm nhân thọ trước khi tiến hành quá trình thử nghiệm theo quy định của pháp luật kinh doanh bảo hiểm, bồi thường thiệt hại, phương án khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật dân sự trong quá trình thử nghiệm và khi kết thúc thử nghiệm.

Đại biểu Tráng A Tủa (đoàn Điện Biên) thì cho rằng, nên bổ sung quy định rõ vai trò của khu vực tư nhân, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp FDI trong việc đầu tư và chuyển giao CNS. Ví dụ, khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm thúc đẩy quá trình nghiên cứu, chuyển giao và làm chủ CNS.

Các đại biểu Quốc hội tham gia phiên họp. Ảnh: QH

Chưa hết, đại biểu đề nghị bổ sung yêu cầu minh bạch và cơ chế quản lý rủi ro trong thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ hội tụ CNS để đảm bảo không gây tác động tiêu cực đến thị trường hoặc người tiêu dùng. Yêu cầu các hạ tầng CNS cần hướng đến tiêu chuẩn xanh và tiết kiệm năng lượng.

Về phát triển doanh nghiệp CNS, nam đại biểu đề nghị bổ sung chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp khởi nghiệp CNS. Ví dụ như ưu đãi tài chính, tiếp cận quỹ hỗ trợ hoặc cơ chế bảo lãnh tín dụng...

Tham gia tranh luận, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) nêu, các doanh nghiệp CNS chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với các công nghệ mới.

Do đó, đại biểu bày tỏ, cần có những cơ chế khuyến khích, ưu đãi có tính vượt trội, có trọng tâm, trọng điểm, vừa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo tính khả thi, vừa thực sự góp phần tạo ra sự đột phá về CNTT.

Một vấn đề nữa, công nghiệp CNS là một ngành cần sử dụng nhiều tài nguyên hóa chất và tác động rất lớn đến môi trường. Do đó, đại biểu lưu ý, bổ sung các quy định cụ thể về xử lý thu hồi các sản phẩm bị đào thải trong công nghiệp CNS và buộc các doanh nghiệp sản xuất CNS phải chấp hành nghiêm các quy định về môi trường, sử dụng năng lượng xanh, sạch, đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng, an ninh về nguồn nước, tài nguyên thiên nhiên, góp phần phát triển bền vững công nghiệp CNS.

Công nghiệp bán dẫn, chip điện tử là mạch máu của nền kinh tế hiện đại

Cho ý kiến, đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) cho rằng, đây là dự án luật khó, đặc thù và rất mới, mới không chỉ ở Việt Nam mà mới ở nhiều nước trên thế giới. Ngay ở các nước có nền công nghiệp CNTT phát triển như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Mỹ và EU thì các quy định cũng đang ở giai đoạn nghiên cứu, vừa mới được ban hành hoặc đã ban hành nhưng có hiệu lực theo từng lộ trình phát triển. Điển hình như luật về AI của EU, đạo luật CHIPS của Mỹ.

Theo đại biểu, doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay chiếm tỷ lệ lớn trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, sử dụng gần 1/2 tổng số lao động và đóng góp gần 40% GDP hằng năm. Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam được đánh giá cao về tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực chế tạo điện, điện tử và CNTT.

Đại biểu Trần Thị Vân. Ảnh: QH

Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung các chính sách đặc thù phát triển doanh nghiệp CNS nhỏ và vừa. Trong đó, cần quy định cụ thể các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thông tin, cắt giảm thủ tục hành chính, thủ tục cấp phép, quy trình đo lường, kiểm định; hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn giá rẻ thông qua việc xem xét hỗ trợ bảo lãnh hoặc được bảo lãnh từ các ngân hàng.

Đồng thời, cần có những chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp CNS trong nước đảm bảo cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài. Chính phủ cần tăng chi tiêu công để đặt hàng các doanh nghiệp số trong nước, tạo động lực thúc đẩy phát triển doanh nghiệp CNS, sản phẩm, dịch vụ CNS made in Việt Nam. Ví dụ, Mỹ đã từng chi 60 triệu USD đặt hàng hãng BAE Systems để sản xuất chip của máy bay, vệ tinh.

Về công nghiệp bán dẫn, công nghiệp bán dẫn và chip điện tử, đại biểu cho rằng đây là mạch máu của nền kinh tế hiện đại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Đại biểu dẫn chứng, tháng 10/2023, Tập đoàn Amkor đã khánh thành nhà máy bán dẫn lớn nhất thế giới tại Bắc Ninh với tổng số vốn đầu tư là 1,6 tỷ USD, nâng tổng số vốn đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam lên đến 6,16 tỷ USD vào cuối năm 2024. Điều này vừa giúp Việt Nam phục hồi nền kinh tế sau đại dịch và vừa nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu từ khâu đóng gói, kiểm thử đến thiết kế và chế tạo chip bán dẫn.

Để hoàn thành mục tiêu trong chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 của Thủ tướng, nữ đại biểu đoàn Bắc Ninh đề nghị có các chính sách làm đòn bẩy, đảm bảo đủ nguồn nhân lực kỹ thuật cao và hệ sinh thái công nghiệp hoàn chỉnh với cơ sở hạ tầng công nghệ và dịch vụ phụ trợ đồng bộ, đảm bảo cho ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam phát triển.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các quốc gia có nền công nghiệp bán dẫn phát triển đã chi các khoản đầu tư khổng lồ để hỗ trợ ngành công nghiệp này. Đơn cử như là Mỹ đã từng chi 53 tỷ USD, Trung Quốc là 47,5 tỷ USD, Hàn Quốc là 19 tỷ USD, Tây Ban Nha 13 tỷ USD và Nhật Bản là 10 tỷ USD.

Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: QH

Giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu kỹ và tiếp thu tối đa để hoàn thiện dự thảo luật.

Theo Bộ trưởng, công nghiệp CNS là một ngành kinh tế kỹ thuật rất năng động, rất lớn và rất quan trọng của đất nước. Công nghệ thông tin là xử lý thông tin, còn CNS xử lý dữ liệu.

Công nghệ số xử lý dữ liệu, sinh ra giá trị mới, tạo ra sự phát triển cho đất nước. Công nghệ số không chỉ xử lý dữ liệu mà CNS còn sinh ra dữ liệu, tạo ra chuyển đổi số, tạo ra một không gian sinh tồn mới là không gian số, tạo ra cách thức, mô hình vận hành mới, tạo ra cách mạng số, tạo ra cách mạng chuyển đổi số. Đây là điều quan trọng nhất và căn bản nhất.

Vì vậy, Bộ trưởng nhấn mạnh, CNS là động lực chính của phát triển, của chuyển đổi số, là lực lượng sản xuất cơ bản trong kỷ nguyên mớí. Dự thảo luật đã quy định các chính sách hỗ trợ phát triển, đảm bảo an ninh quốc gia cho ngành công nghiệp chiến lược với nhiều chính sách tốt nhất.

TheoVũ Phạm (Tạp chí điện tử Nhà đầu tư)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global