Thứ 5, 03/04/2025 | English | Vietnamese
08:09:00 AM GMT+7Thứ 3, 01/04/2025
Một trong những nỗi khổ lớn nhất khiến doanh nghiệp tư nhân “chùn bước” là tình trạng cài cắm giấy phép con. Một số lĩnh vực, ngành nghề như y tế, giáo dục, xây dựng, bất động sản và sản xuất thực phẩm là những lĩnh vực có nhiều “giấy phép con” nhất.
Kết quả khảo sát “Thực trạng cung cấp/thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp năm 2024” do Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân phối hợp với một số đơn vị thực hiện vừa công bố mới đây cho thấy những bất cập lớn trong thực hiện thủ tục hành chính.
Cụ thể, có đến 44,4% doanh nghiệp đánh giá khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định pháp luật. Các doanh nghiệp phản ánh việc các cơ quan chức năng vẫn yêu cầu các giấy phép con và điều kiện kinh doanh. Điều này gây cản trở lớn cho các doanh nghiệp chưa có nhiều kinh nghiệm trong vận hành hoạt động và thực hiện thủ tục hành chính.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực hóa chất, xây dựng và thực phẩm cho biết họ gặp không ít khó khăn khi phải tuân thủ quy định từ nhiều cơ quan quản lý khác nhau, cùng với đó là những yêu cầu pháp lý không rõ ràng và thường xuyên thay đổi.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp nhỏ phản ánh rằng quy định về các giấy phép con và điều kiện kinh doanh là trở ngại lớn nhất khi bắt đầu hoạt động kinh doanh.
PGS.TS Ðặng Thị Huyền Anh, Phó Trưởng Khoa kinh tế, Học viện Ngân hàng thẳng thắn cho rằng, một trong những nỗi khổ lớn khiến doanh nghiệp tư nhân “chùn bước” là tình trạng cài cắm giấy phép con.
Vị chuyên gia này dẫn chứng, theo Báo cáo PCI 2023, trung bình doanh nghiệp tốn 6 - 12 tháng để hoàn thành các giấy phép cần thiết. Một số ngành như thực phẩm, y tế, xây dựng vẫn gặp tình trạng chồng chéo giấy phép. Sự tồn tại của giấy phép con” tạo ra rào cản gia nhập thị trường, tăng chi phí tuân thủ và giảm tính cạnh tranh.
Nhiều “giấy phép con” được ban hành dưới dạng thông tư, nghị định hoặc văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành, địa phương, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc nắm bắt và tuân thủ các quy định, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bên cạnh đó, điều kiện kinh doanh được quy định chung chung, thiếu rõ ràng, khó xác định; điều kiện kinh doanh lồng ghép và chứa đựng các giấy phép; điều kiện kinh doanh lồng ghép trong các quy chuẩn kĩ thuật; điều kiện kinh doanh thể hiện dưới hình thức chứng chỉ khá phổ biến...
“Một số lĩnh vực, ngành nghề như y tế, giáo dục, xây dựng, bất động sản và sản xuất thực phẩm là những lĩnh vực có nhiều “giấy phép con” nhất”, bà Huyền Anh cho biết.
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cũng chia sẻ thêm, đến nay, hệ thống pháp luật vẫn còn chồng chéo, vẫn tồn tại tình trạng luật chồng luật, quy định chồng chéo gây khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân.
Thực tế cho thấy, đa phần khu vực tư nhân là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí là siêu nhỏ với quy mô tài chính nhỏ, nội lực chưa mạnh, khả năng cạnh tranh yếu, hiệu quả hoạt động còn hạn chế. Trong khi đó, vẫn phải gánh rất nặng trên vai nhiều thủ tục hành chính phức tạp, tốn thời gian, nguồn lực và đội các chi phí lên cao.
Cũng theo PGS.TS Ðặng Thị Huyền Anh, để tháo gỡ những điểm nghẽn, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển, cần tiếp tục rà soát và bãi bỏ các “giấy phép con” không hợp lý, giảm thiểu các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 66, phê duyệt Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 và 2026.
Mục tiêu của Chương trình đó là năm 2025: Cắt giảm, đơn giản hoá ngay thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo đảm bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết; giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết của các thủ tục hành chính, 30% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.
100% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến, thông suốt, liền mạch, hiệu quả, bảo đảm minh bạch, giảm tối đa giấy tờ. 100% thủ tục hành chính được thực hiện không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh.
100% thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước và trong từng cơ quan hành chính nhà nước được rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, thời gian giải quyết, chi phí thực hiện và sửa đổi, hoàn thiện để phù hợp với việc thực hiện tinh gọn, sắp xếp bộ máy, đồng thời bảo đảm thông suốt, hiệu quả.
Ngoài ra, theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bên cạnh việc cắt giảm, cần đẩy mạnh giải pháp công nghệ trong cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng hệ thống dịch vụ công trực tuyến thống nhất trên cả nước. Đồng thời cần phải có cơ chế giám sát chặt chẽ và minh bạch về các kết quả cải cách của cơ quan hành chính và đo lường giá trị mà doanh nghiệp nhận được.
11:41:00 AM GMT+7Thứ 4, 02/04/2025
11:39:00 AM GMT+7Thứ 4, 02/04/2025
11:38:00 AM GMT+7Thứ 4, 02/04/2025
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global