VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 6, 18/10/2024 | English | Vietnamese

Trang chủTin tổng hợpTăng thuế VAT: DN lo khó bán hàng, chuyên gia nói 'vẫn còn thấp'

Tăng thuế VAT: DN lo khó bán hàng, chuyên gia nói 'vẫn còn thấp'

01:49:00 PM GMT+7Thứ 5, 17/10/2024

Trước đề nghị tăng thuế VAT 10% lên 12%, đa phần các doanh nghiệp đều lo ngại tình trạng khó bán hàng, kinh doanh sẽ tiếp tục ế ẩm. Trong khi đó, có ý kiến cho rằng thuế VAT của Việt Nam hiện nay vẫn còn thấp, lẽ ra phải tăng thuế từ lâu.

Tại Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề xuất tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng từ mức 10% lên 11% vào 1/1/2028 và lên mức 12% vào 1/1/2030. Theo ước tính của cơ quan này, việc tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng từ mức 10% lên mức 12% dự báo tác động tăng thu ngân sách khoảng 43.400 tỷ đồng.

Đề xuất tăng thuế VAT: Doanh nghiệp lo khó bán hàng, chuyên gia nói “vẫn còn thấp”

Doanh nghiệp lo khó bán hàng

Bình luận về đề xuất tăng thuế VAT, trao đổi với Đầu tư Tài chính, ông Hoàng Quang Lâm, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần sản xuất và Thương mại Hoàng Vượng, cho rằng hiện tại tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đang rất chậm, doanh nghiệp đang rất khó bán hàng.

“Tôi hiểu là mức đóng thuế VAT 12% sẽ được áp dụng theo lộ trình, nhưng vấn đề đặt ra hiện nay là tình hình doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung đang rất khó khăn và không biết khó khăn đến bao giờ. Nếu như đề xuất này được thông qua với đúng lộ trình như đã đề xuất ở trên, nhưng tới lúc đó, mức độ phục hồi của nền kinh tế không được cải thiện, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp vẫn khó khăn sẽ đẩy doanh nghiệp vào tình cảnh khó khăn càng thêm khó khăn bởi khi thuế VAT cao, khách hàng sẽ giảm mua hàng”, ông Lâm than thở.

Ông Lâm cũng nói rằng hiện nay, để khuyến khích và hỗ trợ khách hàng, công ty ông đã hỗ trợ, thậm chí nhiều lần “chịu” tiền thuế VAT cho khách hàng.

“Chúng tôi làm vậy chỉ với mong khách hàng sẽ tiếp tục mua hàng và sử dụng dịch vụ của chúng tôi. Chỉ có như vậy, doanh nghiệp mới có thể cầm cự được qua thời điểm khó khăn này nên nếu tăng thuế, doanh nghiệp sẽ tăng gánh nặng”, ông Lâm cho hay.

Không đồng tình với đề xuất tăng thuế VAT lên 12%, đại diện một doanh nghiệp khẳng định việc tăng thuế VAT sẽ đẩy chi phí đầu vào của sản phẩm tăng. “Khi giá nguyên liệu đầu vào tăng, giá bán sản phẩm cũng sẽ tăng. Điều này sẽ khiến người tiêu dùng chịu thiệt hại cuối cùng. Cùng với đó, việc tăng thuế cũng sẽ không kích thích được tiêu dùng nội bởi khi kinh tế đã khó khăn người tiêu dùng vốn đã thắt lưng buộc bụng, nay còn thắt chặt chi tiêu hơn. Việc người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu cũng sẽ làm ảnh hưởng tới tình hình kinh doanh của doanh nghiệp”, đại diện doanh nghiệp này nói.

Thuế VAT ở Việt Nam “vẫn còn thấp”

Trao đổi với Đầu tư Tài chính về đề xuất tăng thuế VAT, ông Nguyễn Bích Lâm, chuyên gia kinh tế khẳng định không nên tăng thuế VAT ở thời điểm hiện tại bởi nếu tăng thuế sẽ không kích cầu được tiêu dùng.

“Thời điểm hiện tại, để tốt cho cả nền kinh tế, tốt cho cả người dân và doanh nghiệp, tôi cho rằng chúng ta nên thực hiện chính sách tài khoá nghịch chu kỳ, tức là thực hiện thắt chặt (giảm chi tiêu, tăng thuế) khi nền kinh tế ở thời kỳ thuận lợi, và thực hiện mở rộng (tăng chi tiêu, giảm thuế) khi nền kinh tế ở thời kỳ khó khăn”, ông Nguyễn Bích Lâm nói.

Thuế VAT ở Việt Nam “vẫn còn thấp”.

Giải thích rõ hơn, ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh tiêu dùng trong nước đang là một trong hai trụ cột chính của tăng trưởng nên nếu tăng thuế, cầu tiêu dùng trong nước yếu đi, động lực tăng trưởng có thể vì thế mà giảm sút.

Nêu quan điểm trái ngược, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng hiện nay so với các nước trên thế giới, mức thuế VAT ở Việt Nam vẫn còn ở mức thấp.

“Mức thuế VAT đánh trên giá trị gia tăng ở Việt Nam từ 5 đến 10%, mức bình quân chỉ khoảng 9,7%. Trong khi đó, trên thế giới hầu hết quốc gia duy trì mức thuế VAT từ 15 đến 20% và mức trung bình khoảng 16%. Do đó, đã đến lúc chúng ta thực hiện tăng thuế VAT để ngân sách có thêm nguồn thu”, ông Thịnh nói

Trước quan điểm cho rằng, thuế VAT sẽ tác động gián tiếp tới doanh nghiệp, làm ảnh hưởng tới tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ông Thịnh cho rằng thuế VAT là thuế gián thu, thu hộ cho nhà nước, thu vào người tiêu dùng chứ không thu cho người sản xuất nên nó không ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.

Về lâu dài, ông Thịnh cho rằng thuế VAT cần tiếp tục được tăng lên chứ không chỉ dừng lại ở mức 12% như đề xuất nói trên. Tuy nhiên, việc tăng thuế lên mức cao hơn phải từ từ và phù hợp với mức độ mở rộng của sản xuất và mức tăng thu của người dân. “Mức thuế 12% cũng vẫn là mức thuế VAT thấp so với các nước trên thế giới.”

Đồng quan điểm với ông Thịnh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, qua khảo sát tại Argentina và Chile vừa qua cho thấy hai nước này đánh thuế 19%, còn hiện nước ta đang đánh thuế ở mức 5 - 10%, đây là mức tương đối thấp, cần có lộ trình tăng thuế này cao hơn trong thời gian tới.

“Ủy ban Tài chính, Ngân sách đang đề nghị năm 2028 nâng lên 11%, năm 2030 nâng lên 12%, trong khi có những nước hiện đang áp dụng mức thuế 19% như trên. Theo tôi, Chính phủ cần đánh giá, tính toán, cân nhắc, có thể nâng lên 12-13-14% chứ không phải chỉ ở mức 11-12%”, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh lý giải: “Đây là định hướng và lộ trình, chứ chưa phải quy định thực hiện ngay. Nếu bây giờ chúng ta quy định ngay ở trong luật thì trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện có thể gây ra vướng mắc. Do đó, nên để cho Chính phủ có đề án tính toán, sớm báo cáo Quốc hội để có hướng xử lý vấn đề này trong thời gian tới theo quy định của Trung ương”.

Mức thuế suất phổ thông 10% của Việt Nam hiện nay là thấp so với các nước trong khu vực và thế giới, cần tạo ra dư địa để tăng thuế như nhiều nước đã làm để nâng cao hiệu quả thu ngân sách từ sau đại dịch.

Xu thế chính sách tài khóa giai đoạn hiện nay là tăng thuế gián thu đánh vào tiêu dùng một cách hợp lý để có điều kiện giảm thuế trực thu đánh vào đầu tư, góp phần giải quyết bài toán về số thu ngân sách, đồng thời khuyến khích đầu tư cho tăng trưởng, nhất là trong bối cảnh khó có thể ban hành sắc thuế mới như thuế tài sản trong giai đoạn trước mắt.

Do đó, việc sửa đổi Luật thuế Giá trị gia tăng lần này là cơ hội để thực hiện nhiệm vụ đã đặt ra qua nhiều giai đoạn và là nội dung cơ bản để triển khai định hướng mở rộng cơ sở thu.

Lộ trình tăng thuế như đã đề xuất ở trên không ảnh hưởng đến mục tiêu ổn định và tăng trưởng kinh tế trong thời gian 4-5 năm tới và bảo đảm sự rõ ràng, minh bạch để các doanh nghiệp có thể tính toán, hoạch định kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp. Cơ quan soạn thảo đề nghị không quy định lộ trình tăng thuế mà sẽ tiếp tục nghiên cứu để Chính phủ trình Quốc hội trong giai đoạn tiếp theo của chiến lược cải cách thuế. Nội dung này được thể hiện theo 2 phương án tại dự thảo luật.

Ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

TheoKỳ Thư (Tạp chí điện tử Đầu tư Tài chính)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global