Sáng 29/11 tại Thái Bình, Trung ương (T.Ư) Đoàn đã tổ chức Diễn đàn Thanh niên phát triển kinh tế xanh, bền vững với chủ đề “Vai trò đoàn viên, thanh niên đưa nền kinh tế nông nghiệp phát triển xanh, bền vững”. Chương trình có sự tham dự của anh Ngô Văn Cương - Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đoàn.
Anh Ngô Văn Cương - Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đoàn phát biểu tại Diễn đàn |
Nguồn vốn chuyển đổi hạn chế, chi phí đầu tư cao và thiếu sự hỗ trợ kỹ thuật đang là rào cản lớn
Phát biểu khai mạc, anh Ngô Văn Cương nhấn mạnh rằng, phát triển nông nghiệp xanh không chỉ là một xu hướng tất yếu mà còn là yêu cầu bắt buộc trong hội nhập quốc tế. Theo anh Cương, nền nông nghiệp xanh hướng đến sản xuất thân thiện với môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và tận dụng các quy luật tự nhiên để phát triển bền vững.
"Trong những năm qua, T.Ư Đoàn đã đồng hành cùng thanh niên cả nước trong phát triển nông nghiệp hữu cơ, áp dụng quy trình sản xuất bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên và nâng cao giá trị sản phẩm", anh Ngô Văn Cương chia sẻ.
Đặc biệt, T.Ư Đoàn đã tổ chức các buổi tập huấn khởi nghiệp với sản phẩm tái chế, sản phẩm hữu cơ sử dụng công nghệ vi sinh cho 7.500 đoàn viên trên toàn quốc, đồng thời thành lập 700 đội tình nguyện ứng dụng công nghệ sinh học bảo vệ môi trường với hơn 14.500 đội viên.
Tại diễn đàn, TS. Võ Trung Âu - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Giải pháp Bền vững Quốc gia, chỉ ra những khó khăn trong hành trình phát triển nông nghiệp xanh. Nguồn vốn chuyển đổi hạn chế, chi phí đầu tư cao và thiếu sự hỗ trợ kỹ thuật đang là rào cản lớn.
TS. Võ Trung Âu đề xuất các mô hình nông nghiệp bền vững như nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, hay nông nghiệp sinh thái. "Canh tác không cày xới, duy trì độ phì nhiêu của đất và giảm phát thải khí nhà kính sẽ là những bước đột phá. Ngoài ra, cần phát triển hệ thống tưới tiết kiệm nước, sử dụng năng lượng tái tạo và quản lý chất thải hiệu quả", ông chia sẻ.
Bên cạnh đó, ThS. Nguyễn Quốc Cường - Trưởng phòng kinh doanh Công ty CP Birdnest KYC, đã truyền cảm hứng về sự thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp. "Nông nghiệp xanh là câu chuyện cân bằng giữa lợi nhuận và trách nhiệm với môi trường. Với các bạn trẻ khởi nghiệp, khi nguồn vốn còn hạn chế, hãy tận dụng công nghệ và nền tảng miễn phí để khởi đầu", anh nói.
Ông Cường cho biết, nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam chưa tiếp cận được khách quốc tế, do không có thông tin truy xuất nguồn gốc, xuất xứ. Trong khi đó, có những sản phẩm nếu như có thông tin đầy đủ, tối ưu hóa chuỗi cung ứng, nhất là thông tin truy xuất nguồn gốc thì sẽ đội giá thành lên rất lớn.
"Cần tiêu chuẩn hóa sản phẩm nông nghiệp, không thể mua ở khắp mọi nơi bán cho khách hàng mà không rõ nguồn gốc. Hiện phần lớn, nông sản của Việt Nam khó truy xuất nguồn gốc", ông Cường nhấn mạnh.
Các diễn giả tham gia Tọa đàm |
Phát triển nông nghiệp xanh: Cần có sự chung tay
Ông Võ Trung Âu cho rằng, việc áp dụng công nghệ phải cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế, khả năng và hoàn cảnh sản xuất, kinh doanh cụ thể.
Đồng tình, chị Mai Thị Tươi - phó chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Thái Bình - thừa nhận để có được nền nông nghiệp xanh và bền vững, nhất thiết phải có sự chung tay mới làm được.
Chị Tươi nói quan trọng nhất là chuỗi giá trị nông nghiệp trong mô hình ấy từ những nhà cung cấp đầu vào, người trực tiếp sản xuất, chăn nuôi, cơ sở chế biến và cuối cùng là nơi tiêu thụ. Mỗi khâu trong chuỗi ấy đều cần phải thay đổi nhận thức mới có được chuỗi nông nghiệp xanh và bền vững.
"Ngay từ khâu trực tiếp sản xuất, các bạn khi chọn ứng dụng công nghệ nào cần phải phù hợp với tiêu chuẩn tại thị trường mình hướng đến để đảm bảo chuyện đầu ra của sản phẩm", chị Tươi chia sẻ.
Chị Mai Thị Tươi nhấn mạnh: "Doanh nghiệp cung ứng đầu vào cần chọn các sản phẩm như phân bón hữu cơ hoặc phân bón bổ sung vi sinh vật. Trong khi đó, khâu sản xuất và chế biến phải tuân thủ các tiêu chuẩn nông nghiệp xanh. Vai trò của thanh niên là cầu nối, đảm bảo sự liên thông về thông tin, công nghệ và kiến thức mới".
Diễn đàn không chỉ là nơi trao đổi, chia sẻ mà còn là sân chơi để các thanh niên làm kinh tế giỏi gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm. Anh Ngô Văn Cương kỳ vọng, các đoàn viên tham gia diễn đàn và những thanh niên nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2024, sẽ trở thành những “hạt nhân” trong phát triển kinh tế nông nghiệp xanh tại địa phương.
Những sáng kiến được chia sẻ tại diễn đàn, như phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp cân bằng carbon, đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm hay ứng dụng công nghệ sinh học, đều nhấn mạnh vai trò tiên phong của thanh niên trong việc thay đổi nhận thức và thúc đẩy hành động vì môi trường. “Phát triển nông nghiệp xanh không chỉ là một lựa chọn, mà là trách nhiệm của thế hệ trẻ để bảo vệ tương lai”, anh Ngô Văn Cương khẳng định./.
---------
Tối 29/11, tại Quảng trường Bác Hồ với nông dân (phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Liên hoan thanh niên nông thôn toàn quốc và trao Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XIX, năm 2024. Liên hoan Thanh niên nông thôn toàn quốc và trao Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XIX, năm 2024, có sự tham gia của đơn vị quảng cáo truyền thông Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank)./.