VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Chủ nhật, 24/11/2024 | English | Vietnamese

Trang chủTin tổng hợpBổ sung thêm 2 luật vào dự án luật sửa 7 luật trong lĩnh vực tài chính

Bổ sung thêm 2 luật vào dự án luật sửa 7 luật trong lĩnh vực tài chính

11:46:00 AM GMT+7Thứ 4, 20/11/2024

Sáng 19/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN); Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ Quốc gia.

Sửa đổi tên gọi của dự thảo luật

Theo báo cáo của Ủy ban Tài chính, Ngân sách (UBTCNS), trong quá trình giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, một số nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Kiểm toán độc lập liên quan đến các quy định Luật Xử lý vi phạm hành chính; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế liên quan đến các quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Bổ sung thêm 2 luật vào dự án luật sửa 7 luật trong lĩnh vực tài chính
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo.

Theo đó, Thường trực UBTCNS, Thường trực Ủy ban Kinh tế, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo thống nhất trình UBTVQH báo cáo Quốc hội xem xét bổ sung nội dung sửa đổi 2 Luật trên và sửa đổi tên gọi của dự thảo Luật này là “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật NSNN, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính”.

Trong quá trình góp ý sửa Luật Chứng khoán, có 2 nội dung còn có ý kiến nhiều chiều, đó là về: báo cáo về vốn điều lệ và việc ngân hàng thương mại tham gia làm thành viên bù trừ, thanh toán giao dịch cho các chứng khoán giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán.

Các cơ quan đã trao đổi, thống nhất quy định về 2 nội dung này tại dự thảo Luật theo hướng quy định trong luật mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định cụ thể bảo đảm tính khả thi.

Về các nội dung cụ thể, trong quá trình thẩm tra nội dung sửa đổi, bổ sung dự án Luật và ý kiến của đại biểu Quốc hội có nhiều nội dung có ý kiến khác nhau. Cơ quan thẩm tra, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan đã thảo luận, cơ bản thống nhất nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo các Luật Kế toán, Luật Chứng khoán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Dự trữ quốc gia.

Đối với Luật NSNN, đa số ý kiến đề nghị không sửa đổi, bổ sung khoản 10 Điều 8 Luật NSNN về việc bổ sung quy định các chương trình, dự án ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn (KHĐTCTH). Nhiều ý kiến đề nghị làm rõ “những dự án nằm ngoài KHĐTCTH nhưng được triển khai theo Luật NSNN”…

Thường trực UBTCNS và cơ quan soạn thảo thống nhất sửa đổi điều này theo hướng giữ nguyên quy định hiện hành đối với thẩm quyền phân bổ nguồn dự phòng ngân sách trung ương (NSTW) hằng năm và bổ sung quy định: “UBTVQH xem xét, quyết định phân bổ số tăng thu, tiết kiệm chi NSTW hằng năm cho các chương trình, dự án, nhiệm vụ chưa có trong KHĐTCTH” hoặc quy định “Chính phủ trình UBTVQH bổ sung KHĐTCTH đối với các chương trình, dự án, công trình sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi hằng năm”.

Về khoản 10a Điều 8 Luật NSNN về chi đầu tư công, chi thường xuyên thực hiện một số nhiệm vụ, dự án, nhiều ý kiến nhất trí bổ sung quy định này, tuy nhiên đề nghị thu hẹp phạm vi nhiệm vụ sử dụng chi thường xuyên; hoặc giao Chính phủ hướng dẫn cụ thể và chịu trách nhiệm bảo đảm cơ cấu chi NSNN. Một số ý kiến đề nghị không bổ sung quy định này…

Sau khi thảo luận, các cơ quan thống nhất phương án giải trình, tiếp thu nhất trí bổ sung quy định này theo hướng: “Chi NSNN (bao gồm cả nguồn chi đầu tư công, chi thường xuyên) được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan và theo quy định của Chính phủ”.

Bổ sung quy định để địa phương tiếp nhận, xử lý hiệu quả tài sản công

Tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, dự thảo bổ sung hình thức xử lý tài sản công tại cơ quan nhà nước “chuyển giao về địa phương quản lý”. Một số ý kiến nhất trí theo đề xuất của Chính phủ; một số ý kiến cho rằng không cần sửa đổi các điều, khoản này vì thực tế đang triển khai thực hiện và không có vướng mắc.

Đa số ý kiến Thường trực UBTCNS và cơ quan soạn thảo nhất trí bổ sung quy định này để làm cơ sở địa phương tiếp nhận, xử lý hiệu quả tài sản công là nhà, đất dôi dư, tạo nguồn thu cho NSNN, bổ sung nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế xã hội, giúp gắn trách nhiệm quản lý với sử dụng, khai thác tài sản công.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên UBTVQH đã góp ý về nhiều vấn đề liên quan đến tên gọi, hiệu lực thi hành luật, các nội dung còn ý kiến khác nhau và tính thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản pháp luật.

Về nội dung liên quan đến chi thường xuyên và chi đầu tư công ở Luật NSNN, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, khi đã thống nhất thì nên có giải trình phù hợp để đại biểu đồng thuận. Bởi đây là vấn đề mà trong quá trình thực hiện pháp luật đã nảy sinh vướng mắc, không thể tháo gỡ được nếu không có quy định đặc thù.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cân nhắc về quy định về sắp xếp lại nhà, đất theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công của DNNN tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Bổ sung thêm 2 luật vào dự án luật sửa 7 luật trong lĩnh vực tài chính

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã làm rõ thêm về nhiều vấn đề được các thành viên UBTVQH và báo cáo thẩm tra đề cập.

Theo Phó Thủ tướng, việc nới các quy định về sắp xếp tài sản công theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP là nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, thay vì phải xin ý kiến nhiều lần thì nay sẽ chỉ xin ý kiến một lần. Còn lại, việc sắp xếp vẫn phải thực hiện chặt chẽ theo quy định.

Tương tự về phân cấp, phân quyền trong quản lý, sử dụng tài sản công, Phó Thủ tướng cũng khẳng định việc này không phải là “buông”, mà là giảm thủ tục hành chính. Theo đó, các địa phương, bộ, ngành được phân cấp, phân quyền để quản lý tài sản chặt chẽ, theo đúng quy định pháp luật.

Với các ý kiến về quy định với các chương trình, dự án ngoài KHĐTCTH, Phó Thủ tướng giải thích KHĐTCTH được lập ra với mục đích đảm bảo cân đối tài khóa, không để tình trạng đầu tư vượt khả năng như trước đây. Đến nay, KHĐTCTH đã giải quyết được vấn đề này, tuy nhiên trong điều hành từng năm có các nguồn tăng thu, tiết kiệm chi nên cần bổ sung quy định này, theo Luật NSNN. Việc thực hiện chi các chương trình, dự án này vẫn phải tuân thủ đầy đủ các thủ tục theo quy định về đầu tư công./.

TheoDương An (Thời báo Tài chính)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global