Thứ 2, 23/12/2024 | English | Vietnamese
01:44:00 PM GMT+7Thứ 2, 09/09/2024
Theo Chủ tịch Hội DKVN, cần sớm ban hành cơ chế, chính sách làm cơ sở thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 41-NQ/TW và kết luận 76-KL/TW về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam.
Nhận định Nghị quyết số 41-NQ/TW và Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị là định hướng hết sức quan trọng, mang tính chiến lược dài hạn cho sự phát triển bền vững của ngành Dầu khí Việt Nam (ngành DKVN) nói chung và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) nói riêng, TS Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam (Hội DKVN) cho rằng cần rà soát, sớm hoàn thiện, ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật phù hợp làm cơ sở để thực hiện một cách đầy đủ, thắng lợi các định hướng chiến lược này.
Qua gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ban hành ngày 23/7/2015 về Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 (Nghị quyết số 41-NQ/TW), ngành DKVN, trong đó Petrovietnam là nòng cốt, đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược đề ra, trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, then chốt, hoàn chỉnh, đồng bộ, bao gồm tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tồn trữ, phân phối, dịch vụ và xuất nhập khẩu.
Hiện tại, các sản phẩm chủ lực của Petrovietnam như dầu thô, xăng dầu, khí thiên nhiên, khí hóa lỏng, điện, đạm… tham gia vào mọi hoạt động đời sống của đất nước với tỷ trọng lớn. Petrovietnam đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện tốt vai trò trụ cột trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như chỉ tiêu về gia tăng trữ lượng, sản lượng khai thác dầu khí và đầu tư ra nước ngoài, phát triển hóa dầu, nhất là hóa dầu từ khí chưa đạt mục tiêu đề ra; các dự án trọng điểm gặp rất nhiều vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ.
Một số nhiệm vụ của các bộ, ngành liên quan triển khai chậm hoặc chưa triển khai. Mặc dù thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành đã quan tâm, có chính sách, hướng dẫn cơ chế nhằm tạo điều kiện phát triển cho ngành DKVN nói chung và Petrovietnam nói riêng, nhưng một số chính sách vẫn còn đang trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo và chưa được ban hành/thực hiện đầy đủ theo chủ trương, yêu cầu tại Nghị quyết số 41-NQ/TW.
TS. Nguyễn Quốc Thập – Chủ tịch Hội DKVN nhận định, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 41-NQ/TW cần phải tháo gỡ những vướng mắc và có cơ chế đặc thù cho ngành DKVN và Petrovietnam phát triển; việc phân cấp, phân quyền ở một số nội dung/lĩnh vực cần phù hợp; một số luật liên quan tránh chồng chéo; đảm bảo nguồn vốn cho thực hiện tìm kiếm, thăm dò và đầu tư phát triển các dự án quan trọng. Tháo gỡ những bất cập trong thu hút đầu tư nước ngoài và đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí. Việc phân công, phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương cần đồng bộ, thống nhất không gây cản trở trong việc triển khai các dự án.
*Những bước thay đổi của ngành năng lượng
10 năm qua, ngành năng lượng nói chung và ngành DKVN nói riêng đã trải qua nhiều biến động và có sự thay đổi đáng kể. Việc thay đổi đến từ nhiều nguyên nhân. Đó là tình hình chính trị thế giới bất ổn, khủng hoảng từ đại dịch Covid-19, kéo theo sự biến động lớn và khó đoán định của thị trường năng lượng; kinh tế thế giới đối mặt với nhiều thách thức, hầu hết các nền kinh tế đều có mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng do tổng cầu suy giảm...
Cùng với đó, các động lực tăng trưởng truyền thống của kinh tế thế giới tiếp tục gặp khó khăn. Đặc biệt, chuyển dịch năng lượng (CDNL) diễn ra nhanh chóng trên toàn cầu đã và đang ảnh hưởng, làm thay đổi nhanh chóng thị trường năng lượng thế giới, cũng như xu thế phát triển, hoạt động của các doanh nghiệp năng lượng nói chung và dầu khí nói riêng.
Theo báo cáo của Petrovietnam năm 2023, do việc ưu tiên huy động điện từ năng lượng tái tạo (NLTT) dẫn đến giảm nhu cầu khí cho phát điện, khiến hoạt động khai thác và tiêu thụ khí bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, do tác động bởi kinh tế vĩ mô dẫn đến nhu cầu tiêu dùng tăng trưởng thấp ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu huy động điện từ các nhà máy điện của Tập đoàn. Điều này tác động tiêu cực đến hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) trong lĩnh vực điện, khí, đặc biệt tại các nhà máy điện khí - là thị trường chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu hoạt động kinh doanh khí của Petrovietnam. Nếu như năm 2019, tỷ trọng điện khí của Petrovietnam trong cơ cấu điện của Việt Nam là 18,6%, thì đến năm 2023 chỉ đạt khoảng 9,8%.
Đánh giá về thực trạng này, TS. Nguyễn Quốc Thập nhận định: trong bối cảnh hiện nay, cách nhìn nhận và định hướng hoạt động năng lượng và dầu khí của nước ta trong giai đoạn tới là hết sức quan trọng, để từ đó hoàn thiện các cơ sở hành lang pháp lý và tạo động lực cho các doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững, phù hợp với xu thế chung của nền kinh tế thế giới, phù hợp và đáp ứng được nhu cầu về năng lượng của nền kinh tế đất nước, cũng như bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Trước thực tế này, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo, ban hành, sửa đổi các cơ sở hành lang pháp lý để đáp ứng, cũng như tạo điều kiện cho hoạt động của các doanh nghiệp. Mới đây nhất, ngày 24/4/2024 Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 76-KL/TW về tình hình thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và một số định hướng cho giai đoạn mới (Kết luận số 76-KL/TW).
*Chiến lược phát triển dài hạn
Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị đã mở ra một số định hướng phát triển Petrovietnam trở thành tập đoàn công nghiệp - năng lượng quốc gia gắn với phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động trong các lĩnh vực năng lượng truyền thống; tham gia chuỗi giá trị năng lượng mới, NLTT... Đây là định hướng mang tính chiến lược dài hạn cho sự phát triển bền vững của ngành DKVN nói chung và Petrovietnam nói riêng và phù hợp với xu thế trong chuỗi giá trị của thị trường năng lượng trên thế giới. Điều này vừa mở ra cơ hội phát triển, đồng thời mở rộng các lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn ra ngoài lĩnh vực năng lượng truyền thống. Để phát triển ngành NLTT, năng lượng mới, Petrovietnam được đánh giá có nhiều thuận lợi đến từ hai góc độ: từ bên ngoài và từ nội tại bên trong.
Thuận lợi từ bên ngoài là tình hình chính trị của Việt Nam luôn được duy trì ổn định; hệ thống quy phạm pháp luật, đặc biệt là các cơ chế chính sách về phát triển NLTT, năng lượng mới ngày càng được hoàn thiện hơn theo hướng tạo cơ sở pháp lý, giảm bớt thủ tục, tháo gỡ khó khăn, rào cản, nút thắt để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Đặc biệt, Kết luận số 76-KL/TW mở ra định hướng chiến lược phát triển mới cho ngành Dầu khí một cách cụ thể hơn. Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động và phát triển, Petrovietnam luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, kịp thời của Đảng và Chính phủ, sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ban ngành, các tổ chức đoàn thể Trung ương và các địa phương liên quan…
Về thuận lợi từ nội lực, kinh nghiệm đã được tích lũy sau 49 năm hoạt động tính từ ngày thành lập (9/1975) và 9 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW là những tiền đề và cơ sở quan trọng để Petrovietnam trở thành tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước, có tổng tài sản hợp nhất tại thời điểm ngày 31/12/2023 đạt 1.018,2 nghìn tỉ đồng, lớn nhất cả nước. Đồng thời, Petrovietnam hiện có bộ cơ sở dữ liệu và đội ngũ chuyên gia hiểu biết sâu rộng về khí tượng, thủy văn và hải dương học thông qua các công trình dầu khí ngoài khơi và làm chủ công nghệ công trình ngoài khơi từ thiết kế, xây lắp, vận hành (bao gồm cả điện gió ngoài khơi).
Bên cạnh đó, công tác quản trị doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua đã được Petrovietnam đặc biệt chú trọng, bám sát chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, phù hợp với xu thế phát triển chung. Trong đó, công tác chuyển đổi số được tập trung triển khai đồng bộ; các quy trình quản trị doanh nghiệp, quản lý nội bộ được nâng cao; đội ngũ cán bộ và công nhân kỹ thuật được đào tạo chuyên nghiệp, tích lũy nhiều kinh nghiệm, năng lực từ thực tế quản lý và vận hành các dự án/công trình lớn, công nghệ cao. Khả năng làm chủ công nghệ, tự chủ trong công tác vận hành bảo dưỡng, tối ưu hóa vận hành và tối ưu hóa chi phí sản xuất của Petrovietnam ngày càng được nâng cao…
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì những khó khăn và thách thức luôn nảy sinh trong giai đoạn phát triển mới. Đó là các vấn đề về thị trường; xây dựng hạ tầng dầu khí, hạ tầng năng lượng; thu hút, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; hợp tác quốc tế; chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững ngành DKVN, nhất là khi Petrovietnam giữ vai trò hạt nhân với tư cách là tập đoàn công nghiệp - năng lượng quốc gia.
*Để Nghị quyết sớm đi vào thực tế
Để Nghị quyết số 41-NQ/TW và Kết luận số 76-KL/TW nhanh chóng được triển khai thuận lợi trong thực tế, theo Hội DKVN, các điều kiện và giải pháp cần được triển khai, thực hiện một cách đồng bộ và tích cực theo hai hướng, từ phía các bộ, ban ngành, Chính phủ và Quốc hội và từ phía Petrovietnam.
Theo TS. Nguyễn Quốc Thập, đối với các bộ, ban ngành, Chính phủ và Quốc hội, cần triển khai thể chế hóa các chủ trương, định hướng của Bộ Chính trị, tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho tất cả các cấp thực hiện để phát triển Petrovietnam nhanh, bền vững, đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với thể chế phát triển, nhất là thể chế kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới; phấn đấu đạt các mục tiêu cụ thể phát triển ngành DKVN theo đúng tinh thần, định hướng và mục tiêu tại Nghị quyết số 41-NQ/TW và Kết luận số 76-KL/TW; đồng thời nâng cao năng lực quản lý nhà nước, tăng cường phân cấp, phân quyền, song song với thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động trong lĩnh vực dầu khí, năng lượng.
Đối với Petrovietnam, cần rà soát và cập nhật Chiến lược phát triển theo đúng tinh thần Nghị quyết số 41-NQ/TW và Kết luận số 76-KL/TW. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng vào các giải pháp hay nêu bật các điều kiện cần và đủ để thực hiện các mục tiêu chiến lược theo từng lĩnh vực hoạt động và nâng cao hiệu quả của việc đồng bộ hay liên kết các chuỗi giá trị giữa các đơn vị thành viên.
Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu và nhiệm vụ chiến lược phát triển ngành DKVN theo Nghị quyết số 41-NQ/TW và Kết luận số 76-KL/TW, Hội DKVN với vai trò là Hội khoa học kỹ thuật chuyên ngành Dầu khí luôn đồng hành với quá trình triển khai thực hiện của Petrovietnam và các đơn vị ở tất cả các cấp độ, có một số đề xuất, kiến nghị cụ thể.
TS. Nguyễn Quốc Thập khẳng định, với những bài học kinh nghiệm sau quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW và được bổ sung bằng Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị, Petrovietnam hiện đang ở vào thời điểm thuận lợi nhất để nghiên cứu đề xuất, sửa đổi hoàn thiện một số các cơ sở pháp lý cho hoạt động của Tập đoàn.
Điều này nhằm tạo điều kiện để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 41-NQ/TW và Kết luận số 76-KL/TW; đồng thời phù hợp và thống nhất với các luật, văn bản hướng dẫn có liên quan, như việc sửa đổi Điều lệ tổ chức hoạt động và Quy chế tài chính của Tập đoàn, trong đó phân định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn thực thi các nhiệm vụ được giao, như xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch ngắn hạn và trung hạn của Tập đoàn và các đơn vị thành viên. Ngoài ra, việc tham khảo, nghiên cứu mô hình quản trị tiên tiến của các tập đoàn dầu khí nhà nước đã và đang đạt được những thành công nhất định trong hoạt động SXKD và phát triển bền vững, như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Malaysia (Petronas), cũng là điều cần thiết.
Về phía Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước, cần tiếp tục có chỉ đạo rà soát, sớm hoàn thiện, ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật phát triển ngành năng lượng làm cơ sở để thực hiện một cách đầy đủ, thắng lợi theo đúng mục tiêu, định hướng và nhiệm vụ Nghị quyết số 41-NQ/TW và Kết luận số 76-KL/TW đề ra.
Theo đánh giá của Hội DKVN, đây cũng là nhiệm vụ hết sức khó khăn và thách thức với các bộ, ban ngành vì khối lượng các nội dung, công việc cần thực hiện rà soát, cân nhắc và sửa đổi hoàn thiện cho phù hợp với tất cả các luật hiện hành, các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ trong chiến lược phát triển ngành Dầu khí tại Nghị quyết số 41-NQ/TW và Kết luận số 76-KL/TW là rất lớn, cần nhiều thời gian, cũng như sự đồng lòng, phối hợp của các bộ, ban ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan.
“Trước thực tế đó, chúng tôi kiến nghị thành lập một Tổ công tác hay Ban chỉ đạo liên Bộ do Phó Thủ tướng đứng đầu để có thể chỉ đạo tháo gỡ kịp thời khi có những ý kiến khác nhau hoặc báo cáo cấp thẩm quyền cao hơn để xem xét và xử lý. Thậm chí nâng cấp Nghị định của Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động cùng Quy chế tài chính của Petrovietnam tương đương với bộ luật do Quốc hội ban hành để bảo đảm đủ cơ sở pháp lý cho các bộ, ngành và Petrovietnam thực hiện tốt các mục tiêu, định hướng theo Nghị quyết số 41-NQ/TW và Kết luận số 76-KL/TW mà không bị xung đột với các bộ luật liên quan. Đây chính là đặc thù mà chúng ta đã từng đề cập tới trong tất cả các nghiên cứu và đề xuất.” - TS. Nguyễn Quốc Thập kiến nghị.
Đồng quan điểm để tạo thuận lợi cho ngành DKVN phát triển trong giai đoạn mới, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật; tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của các tập đoàn dầu khí nhà nước, TS Nguyễn Đức Hiển – Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Để các chủ trương, định hướng của Đảng về phát triển ngành dầu khí đi vào cuộc sống, cần đến sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy đảng cần nghiên cứu, nghiêm túc quát triệt đầy đủ, thực hiện triển khai đồng bộ từ thể chế hóa, xây dựng và tổ chức thực hiện các chiến lược, chương trình, kế hoạch liên quan, đồng thời với công tác giám sát, kiểm tra thực hiện kịp thời, hiệu quả.
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global