Thứ 4, 15/01/2025 | English | Vietnamese
11:03:00 AM GMT+7Thứ 6, 13/09/2024
Việc huy động và phân bổ hiệu quả nguồn lực tài chính trong và ngoài nước, từ các khu vực khác nhau trong nền kinh tế là rất quan trọng và cấp thiết nhằm đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng xanh, hướng đến phát triển bền vững.
Ngày 10/9 tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức Diễn đàn “Hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Thúc đẩy dòng vốn xanh” nhằm cung cấp thông tin chính sách, cũng như các điều kiện hỗ trợ cụ thể từ cơ quan quản lý nhà nước cho nỗ lực thúc đẩy dòng vốn xanh, tiến tới hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam. Chương trình có sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank).
Toàn cảnh Diễn đàn |
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo Đỗ Thị Phương Lan cho biết, Việt Nam cần nguồn lực lớn để đạt mục tiêu tăng trưởng xanh và thực hiện cam kết phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Ước tính, Việt Nam cần khoảng 330-370 tỷ USD cho đến 2050, trong đó riêng nhu cầu tài chính đến 2030 là khoảng 68,75 tỷ USD.
Bà Đỗ Thị Phương Lan cũng nêu rõ, các nguồn lực tài chính thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Việt Nam đã được xác định trong Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 (Quyết định số 882/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/7/2022) bao gồm: Nguồn lực từ ngân sách nhà nước (như: ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, chính sách ưu đãi về thuế); nguồn lực từ khu vực tư nhân (như: tín dụng xanh, trái phiếu doanh nghiệp xanh; thu từ trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon…); nguồn lực từ hỗ trợ quốc tế (ODA, vốn hỗ trợ và vay ưu đãi cho tăng trưởng xanh); và nguồn cộng đồng xã hội khác (vốn huy động công - tư cho các dự án xanh, các quỹ trong nước nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu).
Ông Lê Hoàng Lân - Vụ Tài chính, tiền tệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày tham luận tại Diễn đàn |
Chia sẻ tại diễn đàn, đại diện Vụ Tài chính, tiền tệ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ông Lê Hoàng Lân khẳng định, Việt Nam đang đặt ra những mục tiêu rất cao, đó là đến năm 2050 giảm phát thải ròng carbon bằng 0; quy mô nền kinh tế xanh từ 6,7 tỷ USD năm 2020 lên đến 300 tỷ USD trong tổng GDP quốc gia vào năm 2050. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam cần nhiều bước đi đột phá, đặc biệt thu hút sự đồng hành của khu vực kinh tế tư nhân. Xanh hóa nền kinh tế là chặng đường chuyển đổi tư duy và chính sách toàn diện, cần có lộ trình cụ thể và huy động đủ các nguồn lực. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, từ nay đến năm 2040, Việt Nam cần khối lượng vốn đầu tư khoảng 370 tỷ USD để đáp ứng với yêu cầu tăng trưởng xanh, trong đó vai trò đóng góp của khu vực doanh nghiệp tư nhân là hết sức quan trọng.
Ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV |
Chia sẻ tại diễn đàn, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị một số nhóm giải pháp chính. Cụ thể, kiến nghị gắn kết các chiến lược, kế hoạch phát triển xanh và tài chính xanh với quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, Chính phủ sớm ban hành Danh mục “phân loại xanh” (Danh mục xanh/Green Taxonomy), trong đó nên có xác định lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên và tổ chức thẩm định/xác nhận đủ tiêu chuẩn xanh.
TS Cấn Văn Lực cũng kiến nghị có cơ chế, tiêu chí, phương thức đo lường/kiểm kê mức độ phát thải khí nhà kính của các lĩnh vực, ngành nghề, đối tượng khác nhau để có định hướng chính sách điều tiết phù hợp. Ngoài ra cần có thêm hỗ trợ tài chính, như thuế, phí, lãi suất, cho các sản phẩm, dịch vụ “xanh”; nghiên cứu thành lập “Quỹ chuyển đổi xanh”, “Quỹ đầu tư mạo hiểm xanh”, “Quỹ tăng trưởng xanh”.
TS Cấn Văn Lực cũng đề xuất thành lập thị trường tín chỉ Carbon; tăng cường hợp tác quốc tế trong việc ban hành tiêu chí, chuẩn mực và huy động nguồn lực. Ngoài ra, cần đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tham gia quá trình xanh hóa, tăng cường giáo dục tài chính./.
10:51:00 AM GMT+7Thứ 4, 15/01/2025
10:50:00 AM GMT+7Thứ 4, 15/01/2025
10:49:00 AM GMT+7Thứ 4, 15/01/2025
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global