Năm 2024, chính sách tài khóa vẫn tiếp tục đóng vai trò tích cực trong hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ảnh tư liệu. |
ÔNG TRẦN THANH QUYẾT - GIÁM ĐỐC ĐIỀU HÀNH PHÒNG THƯƠNG MẠI Ý TẠI VIỆT NAM (ICHAM): Sự quyết liệt trong cải cách của ngành Tài chính hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp
Từ năm 2023 đến nửa đầu năm 2024, các doanh nghiệp nói chung đang phải cố gắng vượt khó trong bối cảnh chung là suy giảm kinh tế thế giới nên sự phục hồi của các doanh nghiệp dù đã tốt hơn năm trước nhưng vẫn còn chậm. Tuy nhiên, từ phía các cơ quan ban ngành, đặc biệt là ngành Tài chính, chúng tôi ghi nhận sự quyết liệt trong các cải cách chính sách, từ hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp cho tới cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi số… Tôi đánh giá cao những động thái tích cực về mặt chuyển đổi số của ngành Tài chính. Ngành Tài chính đã tiếp tục đẩy nhanh, đẩy mạnh các hoạt động liên quan tới chuyển đổi số để tối ưu hóa quy trình. Chẳng hạn như việc triển khai một số giải pháp công nghệ trong quản lý thuế, hải quan để giảm thiểu các quy trình, qua đó giúp doanh nghiệp giảm thiểu giấy tờ, tiết kiệm thời gian và chi phí tuân thủ, tăng cường hiệu quả kinh doanh nói chung, đồng thời nâng cao tính minh bạch trong hoạt động quản lý của ngành. Những cải thiện về tài chính trong môi trường kinh doanh cũng giúp đảm bảo tính minh bạch của thị trường, là một cam kết của Việt Nam nói chung cho cộng đồng kinh tế thế giới cũng như trực tiếp các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam, xây dựng niềm tin cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại thị trường Việt Nam. Ngoài ra, một số giải pháp giúp tăng cường trải nghiệm của khách hàng như các dịch vụ tài chính số, thanh toán điện tử cũng giúp doanh nghiệp tiếp cận và quản lý tài chính một cách nhanh chóng, thuận tiện hơn, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường. Thảo Miên (ghi) |
TS. ANDREA COPPOLA - CHUYÊN GIA KINH TẾ TRƯỞNG CỦA WB TẠI VIỆT NAM: Cam kết về kỷ luật tài khóa giúp Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng
Giai đoạn 2020 - 2024, Chính phủ đã áp dụng một loạt các biện pháp tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua nhiều cú sốc. Một số biện pháp tài khóa đã có tác động mạnh mẽ, trong đó phải kể đến các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp về thuế đã giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng. Song song đó, để tăng cường tác động của gói đầu tư công, các cơ quan chức năng đã đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, đến hết tháng 12 đã giải ngân được 580 nghìn tỷ đồng (tăng 33,3% so với năm 2022). Nhờ đó, tiến độ thực hiện năm 2023 được cải thiện. Việc sửa đổi Luật Đầu tư công, trong đó có cải cách quản lý đầu tư công, giúp cải thiện hơn nữa tiến độ thực hiện trong thời gian tới. Có thể thấy, ứng phó với một số cuộc khủng hoảng, Bộ Tài chính đã theo dõi chặt chẽ tình hình và chủ động đề xuất các biện pháp để tăng cường tác động của các chính sách tài khóa. Để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, bao gồm cả trong dài hạn, điều quan trọng là phải tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Nhờ cam kết của chính quyền về kỷ luật tài khóa, nợ công và nợ được Chính phủ bảo lãnh đã giảm từ 55% GDP năm 2016 xuống còn khoảng 36% GDP năm 2023. Kết quả, hiện nay Việt Nam có không gian tài khóa để tài trợ cho các dự án đầu tư quan trọng của quốc gia và khu vực, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hà My (ghi) |
ÔNG NGUYỄN BÁ HÙNG - CHUYÊN GIA KINH TẾ TRƯỞNG CỦA ADB TẠI VIỆT NAM: Chính sách tài khóa tiếp tục là bệ đỡ cho phát triển Nhìn từ góc độ chính sách, có thể thấy, chính sách tài khóa của Việt Nam thời gian qua là tương đối linh hoạt và thích ứng được với hoàn cảnh của nền kinh tế. Việc điều hành chính sách cũng tương đối mạch lạc. Tức là khi nền kinh tế cần có kích thích, kích cầu nội địa thì chính sách tài khóa đã kịp thời nhận diện để đưa ra các biện pháp, chi tiêu Chính phủ phù hợp với nhu cầu kích cầu nội địa. Chính sách tài khóa mở rộng là phù hợp với giai đoạn vừa qua, phù hợp với hoàn cảnh của nền kinh tế và tạo điều kiện duy trì được tăng trưởng của nền kinh tế. Trong đó, đẩy mạnh đầu tư công vào các dự án về hạ tầng tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào các dự án này, tạo công ăn việc làm và thúc đẩy tăng trưởng. Bên cạnh đó, một số khoản chi hỗ trợ cho những người lao động thu nhập thấp hoặc các gia đình ở diện nghèo, cận nghèo là các khoản chi ngân sách phù hợp, vừa đáp ứng được yếu tố kinh tế, vừa đáp ứng được yếu tố xã hội. Trong bối cảnh không gian chính sách tiền tệ hạn chế, chi tiêu tài khóa và đầu tư sẽ là chìa khóa tăng trưởng trong năm 2024. Vị thế tài khóa thuận lợi, với thâm hụt ngân sách không đáng kể và tỷ lệ nợ công trên GDP thấp, mang lại đủ không gian tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng. Năm 2024, chính sách tài khóa vẫn tiếp tục đóng vai trò tích cực trong hỗ trợ tăng trưởng, trong đó đầu tư công là động lực chính và giữ vai trò chủ đạo trong thực hiện chính sách tài khóa. Hà My (ghi) |
Nguồn: Tổng cục Hải quan. Đồ họa: Phương Anh |
BÀ NGUYỄN THỊ CÚC – CHỦ TỊCH HỘI TƯ VẤN THUẾ VIỆT NAM: Chuyển đổi số đem lại lợi ích cho người dân, xã hội
Liên tục 7 năm, Bộ Tài chính luôn dẫn đầu trong xếp hạng về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (chỉ số ICT Index). Về xếp hạng theo chỉ số đánh giá chuyển đổi số DTI, Bộ Tài chính đứng top 2 trong số các bộ, ngành cung cấp dịch vụ công. Những kết quả tích cực trong chuyển đổi số của ngành Tài chính đã được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao. Đặc biệt, các lĩnh vực thuế, hải quan, luôn tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số với các kết quả ấn tượng như: Hệ thống khai thuế điện tử được triển khai tại 63/63 tỉnh thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc; trên 99% doanh nghiệp sử dụng khai, nộp và hoàn thuế điện tử. Trong lĩnh vực hải quan, 250 thủ tục hành chính được thực hiện qua cơ chế một cửa quốc gia. Ngành cũng đã phát triển tốt hệ thống kiểm tra kết nối Internet ứng dụng trong quá trình kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu. Theo kế hoạch, ngành Hải quan sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về hải quan hiện đại, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, phù hợp với với các cam kết quốc tế, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Dự kiến đến năm 2025, ngành Hải quan phấn đấu 100% thủ tục hải quan được số hóa và thực hiện bằng phương thức điện tử; 95% các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan được chuyển sang dạng dữ liệu số (đến năm 2030 phấn đấu chỉ tiêu đạt 100%); 100% hồ sơ nghiệp vụ kiểm soát hải quan cơ bản được chuyển sang dữ liệu điện tử, tiến tới số hóa... Với kết quả đạt được và kế hoạch chuyển đổi số, kỳ vọng trong thời gian tới mã số công dân sẽ được sử dụng trong việc thực hiện các thủ tục liên quan đến thuế và hải quan. Mã số công dân sẽ gắn suốt đời với công dân, dùng cho cả thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội… Đó chính là số hóa, vừa có lợi cho người dân, xã hội, hướng tới chính phủ điện tử. Đỗ Doãn (ghi) |
LS. TRỊNH HỮU THỊNH - PHÓ VIỆN TRƯỞNG - VIỆN NGHIÊN CỨU TIN HỌC VÀ KINH TẾ ỨNG DỤNG (IIB): Cải cách giúp thúc đẩy thanh toán không tiền mặt
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước (KBNN) và các đơn vị trực thuộc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong quản lý, điều hành ngành Tài chính. Giải pháp đó là tích cực hoàn thiện khung khổ pháp lý để thúc đẩy các giao dịch TTKDTM, tăng cường quy định các khoản thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) bắt buộc phải thanh toán qua tài khoản; thu hẹp dần các khoản được phép chi bằng tiền mặt. Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và KBNN đã không ngừng mở rộng phối hợp thu NSNN với các ngân hàng thương mại (NHTM). Kết quả là đã có hơn 99% giao dịch thu NSNN thực hiện theo các phương thức TTKDTM. Về chi NSNN, KBNN đã hoàn thành cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với tất cả các thủ tục hành chính và tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; đồng thời, triển khai trên diện rộng việc thanh toán tự động các khoản chi điện, nước, viễn thông theo văn bản ủy quyền của đơn vị sử dụng ngân sách (ĐVSDNS). Cơ quan thuế đã kết nối nộp thuế điện tử (NTĐT) với 57 NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và triển khai đa dạng các hình thức NTĐT. Người nộp thuế có thể thực hiện giao dịch NTĐT thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế (eTax, eTax mobile), nộp qua Tổ chức cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng về thuế T-VAN hoặc thực hiện giao dịch NTĐT qua các dịch vụ ngân hàng (như Internet Banking, Mobile Banking). Cơ quan thuế còn cung cấp thông tin nghĩa vụ thuế cho Cổng dịch vụ công quốc gia, nơi tập trung tiếp nhận, giải quyết tất cả các thủ tục hành chính thuế của người dân, doanh nghiệp để người nộp thuế, đặc biệt là cá nhân, có thể thực hiện nộp thuế sau khi đã thực hiện các thủ tục hành chính khác. Cải cách chuyển đổi số của ngành Tài chính đã hình thành thói quen của các đơn vị sử dụng ngân sách và đối tượng nộp thuế trong việc áp dụng các hình thức TTKDTM... Doãn Thiệu (ghi) |
TS. CẤN VĂN LỰC – THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG TƯ VẤN TÀI CHÍNH - TIỀN TỆ QUỐC GIA: Chính sách giảm thuế, phí góp phần kiểm soát lạm phát Tôi đánh giá cao hiệu quả điều hành của Bộ Tài chính trong việc xây dựng nền tài chính quốc gia an toàn và vững mạnh với kỷ luật ngân sách chặt chẽ, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo tính tự chủ, an toàn của nền tài chính công, tạo nền tảng, dư địa cần thiết cho việc thực hiện các chính sách tài chính mở rộng và hỗ trợ cho chính sách tiền tệ khi cần thiết. Về cơ bản, chính sách tài khóa đã được mở rộng và có trọng tâm, trọng điểm trong khoảng 4 năm vừa qua. Cụ thể năm 2024, bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều thách thức, cộng đồng doanh nghiệp “gồng mình” chống đỡ những khó khăn bủa vây, các chính sách tài khóa đã thực sự phát huy vai trò, thể hiện trách nhiệm là “bệ đỡ” vững chắc cho tăng trưởng kinh tế và sự phục hồi của doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng. Kết quả tăng trưởng kinh tế quý I và quý II/2024 cho thấy những khởi sắc. Kết quả này chứng tỏ các chính sách tài khóa mở rộng thời gian qua rất thiết thực và cần thiết trước những thách thức từ bên ngoài hay kể cả thách thức bên trong nội tại nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, chính sách tài khóa mở rộng phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ đã đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì ổn định vĩ mô. Cùng với chính sách tiền tệ linh hoạt, nới lỏng, kịp thời, hiệu quả với việc giảm lãi suất điều hành, ổn định tỷ giá và lạm phát, chính sách tài khóa thông qua giảm thuế, phí đã góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, góp phần kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Nếu các hoạt động tăng trưởng tiếp tục duy trì như hoạt động về xuất khẩu, về đầu tư, về tiêu dùng cộng với một số chính sách cả tài khoá lẫn tiền tệ thì những tháng cuối năm, nền kinh tế sẽ tiếp tục phục hồi tốt hơn, cả năm có thể sẽ đạt mức tăng trưởng từ 6 – 6,5% và vẫn có thể kiểm soát lạm phát được ở mức khoảng 4% trong năm nay. Tuy nhiên, muốn trung hạn và dài hơi hơn thì chúng ta cần đồng bộ nhiều chính sách khác, phải quyết liệt hơn cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế, đa dạng hoá thị trường, đa dạng hoá đối tác,… |