VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 4, 15/01/2025 | English | Vietnamese

Trang chủDoanh nghiệpChuyên gia UOB: Việt Nam nên chú trọng vào lợi thế riêng biệt để thu hút FDI

Chuyên gia UOB: Việt Nam nên chú trọng vào lợi thế riêng biệt để thu hút FDI

03:21:00 PM GMT+7Thứ 3, 14/01/2025

Chuyên gia UOB gợi ý, Chính phủ cần phải đầu tư vào "phần cứng" như cơ sở hạ tầng, và "phần mềm" như số hóa và các lĩnh vực khác mà Chính phủ cần đóng vai trò dẫn dắt.

Tại buổi chia sẻ về "Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2025" mới đây do Ngân hàng UOB (Singapore) tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia của ngân hàng này đã đưa ra một số dự báo về kinh tế Việt Nam cũng như sức hút đối với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

FDI vào ASEAN sẽ tiếp tục tăng

Ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu của UOB, dự báo, ASEAN vẫn sẽ tiếp tục hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài từ nay đến năm 2030.

Dòng vốn FDI vào khu vực ASEAN sẽ tiếp tục tăng trong vòng 5 năm tới, đạt 374 tỷ USD vào năm 2030. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm của vốn FDI đổ vào khu vực là 6,9% trong giai đoạn 2024-2030, chậm hơn so với mức 8,8% trong giai đoạn 2015-2019.

Ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu của UOB. Ảnh: Minh Tuấn

Trên thế giới, ASEAN là điểm đến hấp dẫn thứ hai, chỉ sau Mỹ, về thu hút FDI, khi nhận 226,3 tỷ USD trong năm 2023, tăng 1,2% so với năm 2022. Còn trong nội khối, Singapore thu hút nhiều vốn FDI nhất, kế đến là Indonesia, Việt Nam, Malaysia, Philippines và Thái Lan.

Một số yếu tố thúc đẩy FDI vào khu vực hơn 600 triệu dân này bao gồm: sự chuyển dịch chuỗi cung ứng đến ASEAN do căng thẳng Mỹ-Trung; giá trị gia tăng tại chỗ cải thiện; và xu hướng phân tán rủi ro cũng như khả năng chống chịu rủi ro của khu vực tốt.

Tuy thế, chuyên gia UOB chỉ ra một số rủi ro đối với dòng vốn FDI. Thứ nhất, thuế quan mới hoặc mạnh hơn có thể làm gián đoạn dòng thương mại và đầu tư toàn cầu và ở ASEAN.

Thứ hai, ASEAN có thể trở thành mục tiêu áp thuế quan của Mỹ do nền kinh tế số 1 thế giới có thâm hụt thương mại lớn với ASEAN nói chung và một số nước như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Malaysia nói riêng. Thứ ba, sự giảm tốc tăng trưởng kinh tế tại Mỹ và Trung Quốc có thể làm giảm xuất khẩu của ASEAN, bởi đó là 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của khu vực.

Lợi thế lao động giá rẻ không kéo dài mãi

Trả lời câu hỏi của Nhadautu.vn về triển vọng thu hút FDI của Việt Nam trong những năm tới trong bối cảnh vốn FDI đăng ký năm 2024 giảm 3% so với năm 2023, ông Suan Teck Kin cho biết, khi các nước trong khu vực đều cạnh tranh thu hút FDI, mỗi nước cần đánh giá lại các lợi thế đặc biệt riêng có.

Không phải nước nào cũng cạnh tranh trong các lĩnh vực giống nhau. Trong khi Indonesia tập trung thu hút FDI vào các ngành như khai thác tài nguyên thiên nhiên, còn Việt Nam lại thiên về thu hút vốn ngoại vào ngành chế biến và sản xuất công nghiệp.

"Dù Indonesia có thu hút nhiều vốn hơn, nhưng lại ở một cuộc chơi khác. Do đó, tôi không cho rằng họ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp (với Việt Nam)", ông Suan Teck Kin nhấn mạnh.

Một lợi thế khác mà Việt Nam có là Đồng Việt Nam liên tục giảm giá trong những năm gần đây, ở mức ổn định, và điều này có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Nhưng điều này có thể khiến chính quyền Trump 2.0 khó chịu và sử dụng các biện pháp phòng vệ. Do đó, các công ty xuất khẩu cần tính đến việc đa dạng hóa sản phẩm, thị trường và tiến xa hơn trong chuỗi giá trị, ông Suan Teck Kin gợi ý.

Ông Suan Teck Kin đặt câu hỏi: Liệu Việt Nam có thể duy trì những lợi thế này trong bao lâu? Đâu là các ngành tiếp tục có sức cạnh tranh?

Vị chuyên gia UOB gợi ý, Chính phủ cần phải đầu tư vào "phần cứng" như cơ sở hạ tầng, và "phần mềm" như số hóa và các lĩnh vực khác mà Chính phủ cần đóng vai trò dẫn dắt, nhằm đảm bảo rằng Việt Nam tiếp tục cạnh tranh và có năng suất cao, bởi lợi thế giá lao động thấp sẽ không kéo dài mãi và các nước khác cũng tăng sức đua.

Cụ thể, chuyên gia UOB gợi ý một số lĩnh vực cần cải thiện như cơ sở hạ tầng, nguồn cung nước sạch, cung ứng điện ổn định, giữ giá điện đủ cạnh tranh nhưng không cần rẻ đến mức trợ cấp. Ngoài ra, giáo dục và đào tạo, y tế, giao thông cũng cần được tập trung đầu tư để người lao động có đủ sức khỏe và có năng suất cao.

"Trong vòng 3-5 năm tới, tôi cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút vốn FDI. Nhưng về lâu dài, Việt Nam cần tăng tính cạnh tranh và cải thiện năng suất lao động hơn nữa", ông Suan Teck Kin nêu.

Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối thị trường tiền tệ của UOB Việt Nam. Ảnh: Minh Tuấn

Bổ sung thêm, ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối thị trường tiền tệ của UOB Việt Nam, Việt Nam cần hành động để giảm bớt thủ tục hành chính, nhằm nhanh chóng đưa vốn FDI đăng ký vào hoạt động, bởi nhiều dự án lớn, tiêu biểu trong lĩnh vực bất động sản, mất nhiều năm mới giải ngân được.

Ông Quang ghi nhận rằng, trong một số lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên thu hút đầu tư, tốc độ triển khai dự án rất nhanh, nhất là dự án xây dựng nhà máy sản xuất đồ chơi trị giá 1 tỷ USD của Tập đoàn Lego tại Bình Dương.

"Nếu chúng ta thay đổi thể chế và cách tiếp cận kêu gọi đầu tư, rút ngắn khoảng thời gian từ phê duyệt đến triển khai dự án, thì mức giảm 5-10% vốn FDI đăng ký không quá đáng ngại khi nhà đầu tư có thể giải ngân vốn chỉ trong vòng 1 năm kể từ khi đăng ký", ông Quang nói.

TheoMinh Tuấn (Tạp chí điện tử Nhà đầu tư)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global