Vai trò đặc biệt quan trọng của phát triển nguồn nhân lực

Tham dự Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, viện nghiên cứu của các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ các bộ, ngành, các cơ sở đào tạo, các hiệp hội.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Lệ Thủy, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của phát triển nguồn nhân lực. “Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… đang diễn ra mạnh mẽ, cũng như hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, phát triển nguồn nhân lực sẽ tạo ra nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của quốc gia, nâng cao chất lượng chính sách xã hội nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới”, bà Nguyễn Lệ Thủy cho biết.

Định hướng phát triển nguồn nhân lực theo ngành, lĩnh vực quan trọng để xây dựng Chiến lược

Bà Nguyễn Lệ Thủy, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chủ trì Hội thảo. Ảnh: Nguyễn Thu Trang

Trên cơ sở Nghị quyết số 68/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao cho Viện Chiến lược phát triển chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai xây dựng Chiến lược phát triển nguồn nhân lực đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2025. Trong thời gian qua, Viện Chiến lược phát triển đã tổ chức hội thảo khung Đề án Chiến lược và đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp thiết thực.

Có thể thấy, việc xây dựng Đề án Chiến lược phát triển nguồn nhân lực đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần hình thành, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế, tạo nền tảng nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIV và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026-2030, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình vào năm 2030, nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045; đồng thời, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Phát triển nguồn nhân lực là điều kiện tiên quyết hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2050

Ông Phạm Mạnh Thùy, Trưởng ban Chiến lược phát triển nhân lực và xã hội, Viện Chiến lược phát triển trình bày Báo cáo đề dẫn Hội thảo. Theo đó, Đề cương Đề án Chiến lược gồm 3 phần chính: (i) Thực trạng phát triển nguồn nhân lực Việt Nam, trong đó gồm: Một số vấn đề chung về nguồn nhân lực, phát triển nguồn nhân lực; Kinh nghiệm quốc tế về phát triển nguồn nhân lực và một số bài học từ kinh nghiệm cho Việt Nam; Thực trạng phát triển nguồn nhân lực Việt Nam. (ii) Phương hướng phát triển nguồn nhân lực Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050, bao gồm: Bối cảnh và những xu thế lớn ảnh hưởng đến phát triển nguồn nhân lực; Dự báo về cung - cầu nguồn nhân lực; Quan điểm, mục tiêu phát triển nguồn nhân lực Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050; Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá của Chiến lược; Đề xuất Chương trình hành động (Nghị sự) nhằm thực hiện Chiến lược. (iii) Tổ chức thực hiện Chiến lược.

Định hướng phát triển nguồn nhân lực theo ngành, lĩnh vực quan trọng để xây dựng Chiến lược
Ông Phạm Mạnh Thùy, Trưởng ban Chiến lược phát triển nhân lực và xã hội, Viện Chiến lược phát triển, trình bày Báo cáo đề dẫn Hội thảo Ảnh: Nguyễn Thu Trang

Bàn về phát triển nguồn nhân lực trong tương lai, ông Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho rằng, cần xem xét lại quan niệm về nguồn nhân lực trên 4 góc độ: Một là, về quy mô (gắn liền với quy mô dân số, quy mô lực lượng lao động); Hai là, về chất lượng gồm: thể chất (tầm vóc, sức bền về thể chất…) và trí lực; Ba là, cơ cấu nguồn nhân lực; Bốn là, phù hợp với đặc thù, đặc điểm của quốc gia, của nền kinh tế.

Theo đó, tiêu chí cho sự phát triển nguồn nhân lực quốc gia sẽ gồm 4 nhóm: (1) Đảm bảo đáp ứng về quy mô nhân lực cho sự phát triển; (2) Cải thiện thể chất; (3) Đảm bảo kiến thức nền tảng; (4) Đảm bảo năng lực, kỹ năng phù hợp với xu thế phát triển.

Chia sẻ quan điểm về phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn sắp tới đến 2030, ông Nguyễn Văn Vịnh cho rằng, cần khẳng định đây là điều kiện tiên quyết để thực hiện cương lĩnh xây dựng và bảo vệ tổ quốc, hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào những năm 2050. Bên cạnh đó, phải đảm bảo đáp ứng cả về quy mô, chất lượng về thể chất và trí lực phù hợp với từng nhóm đối tượng; phải phù hợp với xu thế và tiến trình phát triển của thế giới; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh phải gắn liền với phát triển, nâng cao tiềm lực khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Mặt khác, đây là nhiệm vụ của toàn thể hệ thống chính trị, của toàn xã hội, trong đó, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

Về một số định hướng giải pháp phát triển và nhiệm vụ trọng tâm, ông Nguyễn Văn Vịnh cho rằng, cần thực hiện 8 nội dung sau: Một là, hoàn thiện môi trường thể chế cho phát triển nguồn nhân lực; Hai là, cải thiện thể chất nguồn nhân lực; Ba là, tập trung phát triển nguồn nhân lực đáp ứng cho nhu cầu phát triển; Bốn là, đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giáo dục, đào tạo gắn với phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; Năm là, phát triển các giá trị văn hóa, tinh thần trong phát triển nguồn nhân lực; Sáu là, đổi mới chính sách sử dụng nguồn nhân lực; Bảy là, huy động các nguồn nhân lực; Tám là, mở rộng hợp tác quốc tế, tạo thuận lợi đầu tư cho các trường kỹ thuật công nghệ lớn, có thương hiệu vào Việt Nam.

Để thực hiện mục tiêu tổng quát, cụ thể quốc gia đến 2030, tầm nhìn đến 2050

Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bàn về quan điểm của Đề án; mục tiêu tổng quát, cụ thể, nội dung của Đề án… Theo ông, cần xem xét mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể, các chỉ tiêu thực hiện về phát triển nguồn nhân lực về các nội dung để có một nguồn nhân lực đáp ứng về số lượng, chất lượng, cơ cấu độ tuổi, trình độ kỹ năng, ngành nghề, vùng miền, phân bổ địa lý… hợp lý và có phẩm chất nghề nghiệp và văn hóa truyền thống, văn minh, hiện đại nhằm thực hiện mục tiêu tổng quát, cụ thể quốc gia đến 2030, tầm nhìn đến 2050.

Bên cạnh đó, ông cho rằng, cần xem xét, xác định bổ sung hệ sinh thái phát triển nguồn nhân lực quốc gia và nội dung phát triển nguồn nhân lực quốc gia cho Đề án. Cụ thể: Thể chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực; Chuẩn hóa chất lượng nguồn nhân lực và khung phát triển nguồn nhân lực; Giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Quản trị hiệu suất nguồn nhân lực bằng đánh giá, theo dõi phát triển nguồn nhân lực; Công nhận, tuyển dụng, sử dụng hợp lý nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến đóng góp đã được các chuyên gia, đại biểu chia sẻ. Phó Viện trưởng Nguyễn Lệ Thủy đánh giá cao tất cả các ý kiến góp ý và cho rằng, các ý kiến rất là hữu ích đối với nhóm soạn thảo. Trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, các đại biểu tham dự Hội thảo hôm nay, Viện Chiến lược phát triển sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo đề cương Đề án Chiến lược phát triển nguồn nhân lực đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; sau đó, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai xây dựng Chiến lược này./.