Thứ 7, 28/12/2024 | English | Vietnamese
10:51:00 AM GMT+7Thứ 6, 27/12/2024
Số lượng tài khoản chưa cập nhật thông tin sinh trắc học vẫn còn nhiều, buộc các ngân hàng và ví điện tử phải tăng tốc hỗ trợ khách hàng hoàn tất cập nhật trước ngày 1/1/2025.
Thông tư 17/2024/TT-NHNN và Thông tư 18/2024/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định, bắt đầu từ ngày 1/1/2025, chủ tài khoản ngân hàng chưa xác thực sinh trắc học sẽ không thể thực hiện một số giao dịch điện tử như rút tiền, chuyển khoản và thanh toán thẻ online.
Theo thống kê mới nhất của Vụ Thanh toán, NHNN, tính đến ngày 13/12, đã có 66,6 triệu khách hàng cá nhân của các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán được đối chiếu sinh trắc học. Tuy nhiên, so với con số khoảng 180 triệu tài khoản ngân hàng thì rõ ràng số lượng tài khoản chưa xác thực sinh trắc học vẫn còn rất nhiều.
Chỉ còn mấy ngày là đến hạn, các ngân hàng, ví điện tử hiện đang “chạy đua” yêu cầu khách hàng cập nhập thông tin sinh trắc học. Hàng loạt ngân hàng liên tục đưa ra các thông báo, khuyến cáo khách hàng kiểm tra thời hạn làm lại giấy tờ tùy thân và hoàn tất việc cập nhật thông tin sinh trắc học theo đúng quy định.
Nhiều ngân hàng đã gia tăng thời gian hoạt động, mở cửa cả cuối tuần tại các chi nhánh để phục vụ người dân tốt hơn. Đáng chú ý, một số ngân hàng như MB còn bổ sung thêm “kênh” cập nhật sinh trắc học khi phối hợp với F88, cho phép khách hàng dễ dàng cập nhật thông tin sinh trắc học ngay tại các điểm giao dịch của F88. Hay như MoMo hợp tác Bộ Công An giúp người dùng xác thực trắc sinh học ngay trên ứng dụng VNeID.
Bên cạnh đó, các ngân hàng và ví điện tử cũng “mạnh tay” tung ra các chương trình khuyến mãi, tặng quà, tặng điểm thưởng, bốc thăm trúng thưởng nhằm thúc đẩy, khuyến khích người dân cập nhật thông tin sinh trắc học trước thời hạn.
Ghi nhận tại nhiều ngân hàng, mặc dù số lượng khách hàng đến cập nhật sinh trắc học tăng lên đáng kể nhưng không có tình trạng quá tải. Các ngân hàng đều đã bố trí nhân viên cũng như trang bị sẵn thiết bị để hỗ trợ người dân gặp sự cố trong quá trình xác thực.
Chia sẻ với VietnamFinance, chị Nguyễn Chi, nhân viên tại một ngân hàng thương mại lớn cho biết, những ngày gần đây, số lượng người dân đến quầy giao dịch nhờ hỗ trợ cập nhật thông tin sinh trắc học. Phần lớn những người đến quầy giao dịch chủ yếu ở độ tuổi trung niên, không rành về công nghệ hoặc những người gặp khó khăn trong xác thực sinh trắc học.
Phản hồi về quy trình cập nhật thông tin sinh trắc học, đa số khách hàng nhận thấy các bước thực hiện khá dễ dàng và không mất quá nhiều thời gian. Một số trường hợp xảy ra trục trục chẳng hạn như app không đọc được thông tin NFC hay không nhận diện được căn cước công dân mẫu mới nhưng cũng đã nhanh chóng được hỗ trợ bởi các nhân viên ngân hàng.
Đại diện Techcombank cho biết: “Ngân hàng đang tích cực nhắc khách hàng hoàn tất quy định của NHNN về việc cập nhật sinh trắc học nhằm đảm bảo giao dịch liền mạch, thuận tiện và an toàn. Toàn bộ hệ thống đang nỗ lực “ra quân” và nhắc nhở, hỗ trợ khách hàng liên tục trên nhiều kênh truyền thông. Ngân hàng cũng tối ưu hóa quy trình và tăng cường các điểm hỗ trợ trên toàn quốc để khách hàng dễ dàng hoàn thành cập nhật giấy tờ tùy thân và đăng ký sinh trắc học”.
Trong khi đó, tại SHB, ông Chu Lâm Thái, Phó Giám đốc Khối Công nghệ thông tin cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, số lượng khách hàng đã thực hiện xác thực sinh trắc học đạt khoảng 90% so với tổng số khách hàng cần thực hiện giao dịch. “SHB đặt mục tiêu đến trước ngày 1/1/2025 tất cả các khách hàng trên kênh online đều được cập nhật sinh trắc học để không ảnh hưởng đến giao dịch của khách hàng", ông Thái chia sẻ.
Tuy nhiên, các ngân hàng cũng đưa ra khuyến cáo, để đảm bảo an toàn và bảo mật khách hàng chỉ cập nhật dữ liệu sinh trắc học và giấy tờ tùy thân qua ứng dụng ngân hàng số hoặc tại các chi nhánh/phòng giao dịch, không cập nhật qua bất kỳ trang web hay ứng dụng nào khác.
Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng Giám đốc ABBANK khuyến cáo: “Ngân hàng không yêu cầu khách hàng cung cấp OTP, mật khẩu, số thẻ, mã khóa bảo mật… qua điện thoại hoặc qua đường link lạ. Vậy nên, khách hàng cần cảnh giác tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, mã OTP... cho người lạ để tránh trường hợp mạo danh, lừa đảo”.
Theo thống kê mới nhất của Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia, từ 28/11 đến 14/12, cứ 220 người dùng thì có 1 người là nạn nhân của lừa đảo trực tuyến, tương đương tỷ lệ 0,45%. Ước tính tổng thiệt hại do các vụ lừa đảo trực tuyến gây ra trong năm 2024 lên tới 18.900 tỷ đồng.
Trước thách thức hiện tại, công nghệ sinh trắc học đang được kỳ vọng tạo nên bước đột phá, không chỉ nâng cao mức độ bảo mật trong giao dịch ngân hàng mà còn hiệu quả trong việc ngăn chặn lừa đảo trực tuyến và tối ưu hóa sự minh bạch của hệ thống tài khoản.
Sinh trắc học (Biometric) là phương pháp nhận diện và xác minh thông qua các đặc điểm sinh học như khuôn mặt, vân tay, mống mắt hay giọng nói – những thông tin “độc bản” và khó sao chép. Tuy nhiên, hiện các ngân hàng chủ yếu sử dụng nhận diện khuôn mặt, do dữ liệu về mống mắt và giọng nói chưa được thu thập và lưu trữ.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng Giám đốc ABBANK việc cập nhật dữ liệu sinh trắc học là một quy định quan trọng nhằm tăng cường bảo mật, đảm bảo an toàn cho khách hàng trong các giao dịch tài chính, đồng thời tránh rủi ro cho cả khách hàng và ngân hàng.
Trong khi đó, đại diện Techcombank cho rằng, việc xác thực định danh khách hàng bằng giấy tờ tùy thân còn hiệu lực và cập nhật sinh trắc học góp phần làm lành mạnh hóa các không gian giao dịch trên mạng.
“Không chỉ người cao tuổi, mà những bạn trẻ, thậm chí khách hàng đang trong độ tuổi lao động vốn nhanh nhạy với các thiết bị điện tử thông minh cũng đều là những đối tượng dễ bị tội phạm công nghệ tấn công. Do đó, đây là bước quan trọng trong việc bảo vệ khách hàng trước những rủi ro an ninh ngày càng phức tạp”, đại diện Techcombank nói.
Trên thực tế, NHNN đã bắt đầu triển khai xác thực sinh trắc học đối với một số giao dịch nhất định từ ngày 1/7/2023 với Quyết định số 2345/QĐ-NHNN. Sau thời gian áp dụng, việc áp dụng sinh trắc học trong giao dịch ngân hàng đã cho thấy những hiệu quả rõ nét.
Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, báo cáo từ các tổ chức tín dụng, sau khi thực hiện xác thực sinh trắc học từ đầu tháng 7/2024, số lượng các vụ lừa đảo đã giảm đến 50% so với trước đây. Đồng thời, số lượng tài khoản nhận tiền lừa đảo cũng giảm trên 70% so với trung bình các tháng đầu năm 2024. Đặc biệt, tại một số tổ chức tín dụng đã không phát sinh vụ việc lừa đảo sau đó.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng, tại Công điện 139/CĐ-TTg ngày 23/12/2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN:
- Nghiên cứu, đề xuất lộ trình kiểm tra, đối chiếu yếu tố sinh trắc học đối với các tài khoản thanh toán, ví điện tử thực hiện giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử;
- Bổ sung quy định về việc kiểm tra, đối chiếu yếu tố sinh trắc học khi mở tài khoản mới, thay đổi thông tin về giấy tờ tùy thân, số điện thoại nhận mã OTP, thiết bị thực hiện giao dịch Mobile banking và rút tiền trực tiếp tại quầy giao dịch;
- Nghiên cứu, ban hành quy trình rà soát, nhận diện, giám sát tài khoản doanh nghiệp, các giao dịch nghi vấn sử dụng hoạt động phạm tội (Hoàn thành trong quý I/2025).
10:55:00 AM GMT+7Thứ 6, 27/12/2024
10:53:00 AM GMT+7Thứ 6, 27/12/2024
10:46:00 AM GMT+7Thứ 6, 27/12/2024
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global