Thứ 5, 26/12/2024 | English | Vietnamese
10:55:00 PM GMT+7Thứ 7, 07/12/2024
Động lực hàng đầu cho sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới là khơi dậy sự hứng khởi và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, khơi mở cơ hội đầu tư.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, Đại hội XIV của Đảng sẽ đánh dấu sự mở đầu kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam, kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh, kỷ nguyên thịnh vượng, với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao, mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc; xây dựng thành công một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hiện thực hoá khát vọng hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu theo di nguyện thiêng liêng của Hồ Chủ Tịch.
Tổng Bí thư Tô Lâm. Ảnh: TTXVN |
Những nền tảng vững chắc cho tăng trưởng
Theo Tổng cục Thống kê, đến nay cơ bản kinh tế nước ta đã phục hồi và đạt được mức tăng trưởng như giai đoạn trước dịch Covid-19, nhất là các chỉ số về sản xuất công nghiệp, dịch vụ thương mại và xuất nhập khẩu. Quy mô nền kinh tế đứng thứ 35 thế giới và thuộc nhóm 20 nước có quy mô thương mại hàng đầu thế giới, với xuất siêu 8 năm liên tiếp; bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia được kiểm soát tốt và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín thế giới tiếp tục duy trì tín nhiệm quốc gia của Việt Nam với triển vọng “ổn định”. Đến tháng 10/2024, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao chính thức với 194 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc; được 73 nước công nhận nền kinh tế thị trường; đã ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do (CPTPP, EVFTA, RCEP,..,) với trên 60 quốc gia, đối tác lớn trên toàn cầu; đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả các nước Uỷ viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ngay từ năm 2021 đã được xếp hạng là nền kinh tế có mức "tự do trung bình" (Moderately Free), đứng thứ 17/40 quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đứng thứ 90/184 nền kinh tế trên thế giới theo bảng xếp hạng về Chỉ số tự do kinh tế năm 2021 (Index of Economic Freedom 2021, của Heritage Foundation (Mỹ).
Đồng thời, được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) – cơ quan chuyên môn của Liên Hợp Quốc, xếp thứ 44, tức nằm trong khoảng nhóm nước “tin cậy” (từ khoảng 42 đến 47) về sở hữu trí tuệ. Xếp hạng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam có mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới tính từ năm 2019 đến nay (74%). Năm 2024 tăng thêm 1 bậc, xếp thứ 32/100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới, đạt 431 tỷ USD trong bảng xếp hạng của hãng Brand Finance, công ty định giá thương hiệu và tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới có trụ sở tại Anh.
Bên cạnh đó, Việt Nam lọt vào nhóm 20 nước dẫn đầu thế giới về thu hút FDI (với lũy kế đến nay có hơn 40,8 nghìn dự án đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký khoảng 487 tỷ USD). Việt Nam đang từng bước trở thành một trung tâm sản xuất, nằm trong chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu của nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Samsung, LG, Intel, Apple, GE, Foxconn…. Theo khảo sát của JETRO (Nhật Bản), trong hai năm 2024-2025 hơn 60% công ty Nhật Bản tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh do coi Việt Nam là điểm phát triển kinh doanh hấp dẫn nhất trong ASEAN.
Đặc biệt, Việt Nam luôn giữ được sự ổn định chung của hệ thống chính trị, sự đoàn kết dân tộc và đồng thuận cao trong xã hội và không ngừng thu hẹp khoảng cách với các nước khu vực, củng cố uy tín và cải thiện vị thế quốc tế.
Sự phát triển ấn tượng của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận:
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Việt Nam là đại diện Đông Nam Á duy nhất lọt vào top 10 với dự báo tăng trưởng 6,4% từ năm 2024 đến 2029 và sẽ trải qua một giai đoạn tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, đặt đất nước vào hàng ngũ các nền kinh tế mới nổi có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy phát triển kinh tế trong khu vực và trên thế giới.
Theo WB, Việt Nam được đánh giá là ngôi sao kinh tế toàn cầu, với tốc độ tăng GDP bình quân đầu người hàng năm là 5,3% trong 30 năm qua (năm 1990 – 2021), nhanh hơn bất cứ nền kinh tế nào trong khu vực, ngoại trừ Trung Quốc. Năm 2024 Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Báo cáo e-Conomy SEA 2023 dự báo tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam đạt 20%/năm trong giai đoạn 2023-2025.
Ngày 26/5/2024, tạp chí du lịch Travel+Leisure của Mỹ đã công bố lựa chọn Việt Nam là một trong 8 quốc gia đáng sống có chi phí phải chăng dành cho những người về hưu. Việt Nam có chi phí sinh hoạt thấp hơn khoảng 59,3% so với ở Mỹ và giá thuê nhà thấp hơn khoảng 78,5% tùy thuộc vào địa điểm.
Chia sẻ với báo “Thế giới và Việt Nam” của Bộ Ngoại giao nhân dịp Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra vào ngày 18 và 19/11/2024 tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil) theo lời mời của Tổng thống Brazil, Đại sứ Brazil tại Việt Nam Marco Farani bày tỏ: Tôi đã làm việc tại Việt Nam với tư cách Đại sứ Brazil được một năm rưỡi. Nhưng 10 năm trước, tôi đã cùng gia đình đến Việt Nam du lịch. Khi trở lại Việt Nam lần này, tôi rất ngạc nhiên vì thấy một Việt Nam hoàn toàn mới, một Việt Nam phát triển hơn rất nhiều…
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz, nhân chuyến tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Rio de Janeiro, Brazil. Ảnh: TTXVN |
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Việt Nam sẽ trải qua một giai đoạn tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và là đại diện Đông Nam Á duy nhất lọt vào top 10 các nền kinh tế mới nổi có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với dự báo tăng trưởng 6,4% từ năm 2024 đến 2029…
Mới đây, tại buổi tiếp Thủ tướng với Trưởng đoàn và các thành viên đoàn công tác của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đang có chuyến công tác đánh giá định kỳ tại Việt Nam chiều 15/11/2024, ông Trưởng đoàn Paulo Medas khẳng định: IMF luôn sẵn sàng ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam và ghi nhận những thành tựu phát triển rất ấn tượng của Việt Nam trong những năm qua, vượt qua nhiều cú sốc khác nhau. Năm 2024, Việt Nam là một trong những nước tăng trưởng cao nhất thế giới, xuất khẩu mạnh, thu hút đầu tư nước ngoài tốt; tiếp tục chủ động ứng phó với những rủi ro từ bên ngoài; tăng cường năng lực, sự ổn định và lành mạnh của hệ thống ngân hàng, thị trường vốn; tiếp tục cải cách để tăng năng suất, duy trì tăng trưởng lâu dài, bền vững và kiểm soát tốt các rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư…
Cảm ơn sự đánh giá cao của IMF, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Việt Nam luôn theo dõi sát tình hình thế giới, phản ứng chính sách phù hợp, ưu tiên cho tăng trưởng, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nghiên cứu giảm lãi suất cho vay, phát hành trái phiếu để thực hiện các công trình hạ tầng chiến lược, miễn giảm thuế, phí, lệ phí… cho doanh nghiệp, điều hành tỷ giá phù hợp, kiểm soát tốt lạm phát, bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm và năng lượng, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, phát triển thị trường vốn, xây dựng các trung tâm tài chính… Đồng thời, Việt Nam tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng nhanh, bền vững dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động, đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực, tháo gỡ các vướng mắc về thể chế để huy động nguồn lực phát triển, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn trong những thập kỷ tới, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả…
Phát triển doanh nghiệp - động lực của kỷ nguyên mới
Những thành tựu vĩ đại đạt được sau 40 năm đổi mới cùng với thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại đem đến thời cơ, thuận lợi mới, nhưng cũng xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức mới.
Bởi vậy, động lực chủ yếu của kỷ nguyên mới là sự đoàn kết, nhất trí, ý Đảng hòa quyện với lòng dân trong khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, thịnh vượng, chung sức đồng lòng, phát huy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và ứng dụng khoa học công nghệ 4.0 vào tất cả các lĩnh vực phát triển và quản lý đời sống vĩ mô và vi mô…
Đặc biệt, động lực hàng đầu cho sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới là khơi dậy sự hứng khởi và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp. Nổi bật là khơi mở động lực và cơ hội đầu tư, niềm tin chính sách, niềm tin thị trường và trách nhiệm xã hội, khát vọng cống hiến, khẳng định mình, bản lĩnh và sự tự tin, an tâm của mỗi cá nhân, cũng như toàn thể cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt khi được cả hệ thống chính trị đồng hành tiếp sức, không ngừng hoàn thiện thể chế phát triển, nâng cao năng lực và hiệu quả phản ứng chính sách và phản ứng thị trường, tăng cường năng lực quản lý và quản trị vĩ mô và vi mô theo hướng hiện đại và hội nhập. Xây dựng đội ngũ doanh nhân ngày càng trưởng thành, lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hoá kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, có tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng cống hiến, thượng tôn pháp luật. Nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực và thế giới, có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt; có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn...
Thực tế thế giới và trong nước cho thấy, tạo hứng khởi và niềm tin doanh nghiệp, đẩy mạnh tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh trên cơ sở khai thác các thành quả kinh tế thị tường, cách mạng khoa học công nghệ, hiện đại hóa cơ cấu và thể chế quản lý là cách thức phát triển chung của mọi quốc gia.
Với tinh thần đó, sự hứng khởi và niềm tin doanh nghiệp tuỳ thuộc tỷ lệ thuận với sự tôn trọng, bảo hộ pháp lý, sự thuận lợi và giảm thiểu mọi chi phí kinh doanh và tuân thủ, sự đầy đủ và thông suốt, minh bạch của thông tin, các dịch vụ đầu tư và sự cạnh tranh lành mạnh thị trường; sẽ được củng cố cùng với quá trình đẩy mạnh hoàn thiện thể chế và đồng bộ giải pháp tạo môi trường đầu tư cởi mở, thân thiện và phục vụ thuận lợi, an toàn, bình đẳng, giảm thiểu mọi chi phí cơ hội cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến, đột phá trong một số lĩnh vực mới, có lợi thế, tiềm năng. Đồng thời, mở rộng quy mô, nâng cao sức cạnh tranh, năng lực sản xuất, phát triển mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; mở rộng dân chủ hoá xã hội để đội ngũ doanh nhân có đại diện tham gia trong các cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức hợp pháp khác có liên quan; mở rộng, hoàn thiện cơ chế đối thoại, tham vấn của các cơ quan dân cử, cơ quan quản lý nhà nước với đội ngũ doanh nhân trong quá trình xây dựng, hoạch định, tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, pháp luật, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; ngăn ngừa từ sớm từ xa và xử lý kịp thời, nghiêm khắc mọi hành vi cản trở, tham nhũng, tiêu cực đối với doanh nhân, doanh nghiệp; tăng cường thực chất hoạt động giám sát thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến doanh nhân, doanh nghiệp.
Đồng thời, tập trung tinh gọn bộ máy và nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp; nâng cao chất lượng, tinh thần trách nhiệm và kỷ cương công vụ, khắc phục tình trạng né tránh, sợ trách nhiệm; tăng cường phân cấp quản lý và sự phối hợp giữa và ngay trong nội bộ các cơ quan, cấp, ngành và địa phương theo tinh thần trên - dưới đồng lòng, dọc - ngang thông suốt, đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ thời gian và mục tiêu, kết quả nhiệm vụ được giao, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, bảo đảm quyền đầu tư, kinh doanh của người dân, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế; tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân, giải quyết kịp thời các vướng mắc, khiếu nại, kiến nghị của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh; xoá bỏ các rào cản chính sách, các biện pháp hành chính can thiệp trực tiếp vào thị trường và sản xuất kinh doanh, sự chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu ổn định, nhất quán và các biểu hiện lợi ích cục bộ trong xây dựng và thực thi chính sách, xoá bỏ sự bất bình đẳng trong tiếp cận và tạo bước đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nguồn lực xã hội; đảm bảo hài hoà lợi ích và sự gắn kết các mục tiêu ngắn hạn, trung và dài hạn.
Ngoài ra, mạnh dạn chủ động nghiên cứu và tiếp tục cho thực hiện thí điểm hoặc cho phép áp dụng đại trà sau thí điểm ở một số địa phương về một số cơ chế, chính sách có tính đột phá phù hợp để khơi thông và giải phóng các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao năng lực phân tích, dự báo, nhất là dự báo chiến lược... Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và thực thi pháp luật. Nghiên cứu xây dựng chế độ KPI trong doanh nghiệp khi triển khai chủ trương xây dựng vị trí việc làm và tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ cho từng vị trí công tác, cho từng bộ, từng địa phương trong hệ thống chính trị, gắn trách nhiệm chính trị và thực hiện chế độ thưởng phạt rất nặng, thậm chí đưa vào bộ luật hình sự đối với những cán bộ làm chậm tiến độ giải quyết công việc. Lấy việc hoàn thành nhiệm vụ KPI làm tiêu chí để đề bạt, cất nhắc cán bộ. Manh dạn lựa chọn các lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc vào bộ máy quản lý Nhà nước hoặc tham gia tổ tư vấn cho Chính phủ. Lựa chọn 10-15 công ty bao gồm các công ty nhà nước và tư nhân xây dựng mô hình tập đoàn kinh tế mạnh mang tầm vóc quốc gia và khu vực.
Trước mắt, tiếp tập trung xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp một cách toàn diện và thực chất về cơ cấu nợ, giãn nợ vay cũ, tiếp tục cho vay mới; giảm và duy trì mức lãi suất cho vay thấp trong thời hạn cho vay đủ dài phù hợp theo chu kỳ kinh doanh; cải thiện điều kiện cho vay tín chấp, cho vay theo chuỗi cung ứng; rà soát và tiếp tục giảm các mức thuế và tiền nghĩa vụ tài chính, các khoản đóng quỹ và các chi phí tiếp cận dịch vụ công khác; phát triển các công cụ nợ, các dịch vụ mua bán nợ và thu hồi nợ trên thị trường vốn…; hoàn thiện pháp luật về chế độ sở hữu, khuyến khích phát triển mô hình cty cổ phần và cổ phần hoá các DNNN, tạo thuận lợi cho việc chuyển nhượng hoặc cho thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất; hỗ trợ tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn và nông nghiệp hàng hoá quy mô lớn, công nghệ cao, gắn với bảo đảm việc làm và thu nhập bền vững của nông dân…; xây dựng và triển khai Chương trình quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân và hỗ trợ pháp lý; trước hết liên quan các vấn đề mới, như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp, quản trị kinh doanh hiện đại, kiến thức pháp luật, kinh nghiệm thực tiễn, xu hướng kinh doanh mới và tham gia có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, các cam kết quốc tế của Việt Nam. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp phù hợp với loại hình, địa bàn, tính chất, quy mô hoạt động của doanh nghiệp; tạo điều kiện cho các tổ chức đại diện doanh nhân tham gia cung cấp một số dịch vụ công phù hợp; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, nâng cao và thống nhất nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, Nhân dân và xã hội về vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước…
Thúc đẩy những đổi mới về thể chế, tinh gọn bộ máy hướng đến Chính phủ hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, Trung ương, Chính phủ, Quốc hội tăng cường hoàn thiện thể chế, giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát và cải cách tối đa thủ tục hành chính; phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ hiệu quả” trong quy trình công tác, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể để khơi dậy sự hứng khởi và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp; củng cố và phát huy sự đoàn kết nhất trí, ý Đảng hòa quyện với lòng dân trong khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, thịnh vượng chung; sử dụng đồng bộ, linh hoạt và thành thạo các công cụ chính sách, sự tôn trọng, bảo hộ pháp lý, tạo thuận lợi và giảm thiểu mọi chi phí kinh doanh và tuân thủ, đảm bảo sự đầy đủ và thông suốt, minh bạch của thông tin, các dịch vụ đầu tư và sự cạnh tranh lành mạnh thị trường; tạo môi trường đầu tư cởi mở, thân thiện và phục vụ thuận lợi, an toàn, bình đẳng, giảm thiểu mọi chi phí cơ hội cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến, bảo đảm quyền đầu tư, kinh doanh của người dân, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế; tạo điều kiện thuận lợi và giải quyết kịp thời các vướng mắc, khiếu nại, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân trong đời sống kinh tế - xã hội.
Cuộc cách mạng tinh gọn về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tạo hứng khởi và niềm tin cho doanh nghiệp vừa là mục tiêu, nhiệm vụ, vừa là giải pháp tạo động lực thể chế quan trọng để mọi người dân Việt Nam, hàng trăm triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng tâm hiệp lực, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện và phát triển bền vững trong kỷ nguyên vươn mình, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, thịnh vượng, với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao (trên 12.050 USD/năm theo chuẩn hiện nay của thế giới).
11:25:00 AM GMT+7Thứ 5, 26/12/2024
11:18:00 AM GMT+7Thứ 5, 26/12/2024
10:45:00 AM GMT+7Thứ 5, 26/12/2024
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global