Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung |
Dự toán thu cao trong bối cảnh còn khó khăn
Năm 2025 dự báo kinh tế trong nước vẫn đối mặt với những thuận lợi, khó khăn đan xen, trong đó những thách thức có thể nhiều hơn. Ở trong nước, kinh tế được dự báo duy trì xu hướng tích cực các tháng cuối năm 2024. Nhiều tổ chức quốc tế lớn có nhận định tích cực về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam năm 2025. Tuy nhiên, những thách thức từ nội tại nền kinh tế đặt ra vẫn còn ngổn ngang.
Bộ Tài chính vừa có báo cáo trình Chính phủ trình Quốc hội quyết định dự toán thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2025. Trong đó, dự toán thu NSNN thực hiện trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2024 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Theo đó, Bộ Tài chính dự toán thu NSNN năm 2025 là 1.966,8 nghìn tỷ đồng, tăng 15,6% so với dự toán năm 2024 và tăng 5% so với ước thực hiện năm 2024, đạt tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 16%GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 12,8% GDP.
Dự toán thu ngân sách nhà nước được xây dựng ở mức tích cực Nhìn chung, dự toán thu ngân sách nhà nước được xây dựng ở mức tích cực trong bối dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2025 ở mức cao, thu từ ba khu vực sản xuất kinh doanh đều tăng so với ước thực hiện năm 2024... PGS-TS Trần Hoàng Ngân - ĐBQH đoàn TP.Hồ Chí Minh |
Trong tổng thu ngân sách, thu nội địa vẫn là nguồn thu chủ đạo. Bộ Tài chính dự toán thu nội địa khoảng 1.668,3 nghìn tỷ đồng, tăng 95,6 nghìn tỷ đồng so với ước thực hiện năm 2024, chiếm 85% tổng thu cân đối NSNN. Dự toán thu dầu thô là 53,2 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2024, giảm 6,1 nghìn tỷ đồng so với ước thực hiện năm 2024, chiếm 2,7% tổng thu cân đối NSNN; trên cơ sở sản lượng khai thác khoảng 8 triệu tấn, giá dầu dự toán khoảng 75 - 80 USD/thùng.
Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2025 dự toán khoảng 235 nghìn tỷ đồng, tăng 31 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2024 và tương đương ước thực hiện năm 2024, chiếm 12,1% tổng thu cân đối NSNN. Trong đó: dự toán thu là 411 nghìn tỷ đồng và dự toán chi hoàn thuế giá trị gia tăng là 176 nghìn tỷ đồng.
Dự toán thu NSNN năm 2025 theo Bộ Tài chính là mức tích cực, cao hơn năm trước, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài nước còn đan xen rủi ro, thách thức, đòi hỏi các cấp các ngành phải quyết tâm cao thực hiện nhiệm vụ thu NSNN ngay từ những tháng đầu năm.
Tiếp tục kéo giảm bội chi, nợ công
Năm 2025 là năm cuối thực hiện cả giai đoạn, Bộ Tài chính xác định chi NSNN theo nguyên tắc, bố trí chi đầu tư phát triển ở mức tích cực, đảm bảo tổng chi đầu tư phát triển lớn hơn bội chi NSNN và phù hợp với khả năng cân đối NSNN. Đồng thời, bố trí chi trả lãi đầy đủ, đúng hạn, dự phòng, dự trữ quốc gia ở mức hợp lý để xử lý kịp thời các nhiệm vụ cấp bách phát sinh. Bố trí đủ chi trả tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội khác tính theo mức đã điều chỉnh từ ngày 1/7/2024.
Đối với chi thường xuyên, Bộ Tài chính quán triệt nguyên tắc triệt để tiết kiệm, ưu tiên các chế độ, chính sách đã ban hành, các nhiệm vụ thực sự quan trọng, cấp thiết. Theo đó, dự toán tổng chi NSNN năm 2025 khoảng 2.548,9 nghìn tỷ đồng (đã bao gồm số sử dụng từ nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của ngân sách trung ương và nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương còn dư đến hết năm 2024 chuyển sang để bố trí dự toán năm 2025 của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương).
Dự toán bội chi NSNN năm 2025 là 471,5 nghìn tỷ đồng (khoảng 3,8%GDP), trong đó: Bội chi ngân sách trung ương là 443,1 nghìn tỷ đồng (khoảng 3,6%GDP), bội chi ngân sách địa phương là 28,4 nghìn tỷ đồng (khoảng 0,2%GDP). Đến cuối năm 2025, các chỉ tiêu về nợ công trong phạm vi được duyệt.
Để đạt các mục tiêu đề ra, Bộ Tài chính quán triệt thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về giữ vững nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế, xã hội.
Đồng thời, thực hiện nghiêm pháp luật về thu, quản lý thu NSNN, tập trung thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý thu NSNN, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất đảm bảo nguồn lực phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ Tài chính đề nghị các cấp, các ngành, đơn vị sử dụng ngân sách tiếp tục giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương tài chính. Thu đã khó thì chi tiêu tiết kiệm, hiệu quả “từng đồng ngân sách” lại càng khó hơn. Bộ Tài chính yêu cầu phải nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng NSNN gắn với các mục tiêu về tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển bền vững.
Phân cấp mạnh hơn cho địa phương Chi tiêu công đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, các chuyên gia kinh tế và đại biểu Quốc hội. Vào các kỳ họp cuối năm, Quốc hội lại cân nhắc quyết định dự toán NSNN của năm sau. Đồng thời với trình Chính phủ, trình Quốc hội, Bộ Tài chính thực hiện công khai bản dự toán NSNN năm sau cho công dân biết và tham gia ý kiến. Việc này đã được duy trì từ nhiều năm nay theo đúng quy định của Luật NSNN. Mới đây, trả lời phỏng vấn báo chí, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) nhận định, để quản lý NSNN trong thời gian tới tốt hơn, đảm bảo an toàn về nợ công, bội chi ngân sách, cũng như tăng các nguồn thu mang tính chủ động, Chính phủ cần sớm đề xuất Quốc hội sửa đổi một số điều của Luật NSNN để phù hợp với các luật hiện hành. Trong đó, việc sửa Luật NSNN theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho các địa phương để tạo tính chủ động trong thu - chi ngân sách, cũng như công tác dự báo tình hình ngân sách của năm 2025 đúng, trúng, sát với tình hình thế giới, tình hình trong nước. Thời gian tới, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, một trong những mũi nhọn ưu tiên đó là đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tập trung vào các dự án lớn, có sức lan tỏa vùng. Do đó, việc cân đối thu - chi NSNN là rất quan trọng, đảm bảo thu đúng thu đủ về ngân sách, chi tiết kiệm hiệu quả, dành nguồn lực cho các công trình quan trọng quốc gia như hệ thống đường cao tốc. Đặc biệt, theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, thời gian tới chuẩn bị nguồn vốn đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao cần nguồn vốn lớn, cần dự báo, phân tích kỹ hơn về tình hình nợ công, kiểm soát lạm phát để trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua có đầy đủ cơ sở thực tiễn, cùng với Chính phủ trong quá trình điều hành tài chính - NSNN đảm bảo linh hoạt, an toàn, bền vững. Phát biểu tại tổ, một số ý kiến đại biểu Quốc hội kiến nghị Chính phủ điều hành theo hướng hạn chế tối đa việc ban hành các chính sách có tác động giảm thu NSNN để đảm bảo huy động đủ nguồn ngân sách cho các nhiệm vụ chi quan trọng quốc gia. Đối với công tác điều hành ngân sách nhà nước 3 năm (2025-2027), theo nhận định của một số đại biểu Quốc hội, “đây là nhiệm vụ quan trọng, tác động trực tiếp đến kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như vấn đề nợ công và kiểm soát lạm phát”. Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ phân tích, rà soát kỹ ngân sách dành cho công tác cải cách tiền lương, đảm bảo nguồn chi hợp lý, đúng lộ trình đề ra. Cùng với đó, dự báo, phân tích nguồn thu, đặc biệt, có các chính sách nuôi dưỡng nguồn thu và dự báo tốt hơn. |