Thứ 2, 06/01/2025 | English | Vietnamese
12:21:00 PM GMT+7Thứ 4, 04/09/2024
Nửa đầu năm 2024 đã chứng kiến sự hồi sinh mạnh mẽ của ngành phân bón, mặc dù bức tranh tổng thể vẫn mang sắc thái phân hóa rõ rệt. Trong khi một số doanh nghiệp đạt được sự bứt phá ấn tượng nhờ vào chiến lược tối ưu hóa và kiểm soát chi phí hiệu quả, những doanh nghiệp khác vẫn phải vật lộn với nhiều thách thức trong việc duy trì doanh thu và lợi nhuận.
Theo thống kê của VietnamFinance, kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, có tới 11 trong tổng số 14 doanh nghiệp đạt kết quả cao hơn so với cùng kỳ. Nổi bật là Công ty Cổ phần Phân lân Ninh Bình (HNX: NFC), Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền (HoSE: BFC) và Công ty Cổ phần Phân lân Nung chảy Văn Điển (HoSE: VAF) với sự tăng trưởng vượt trội so với phần còn lại, lần lượt ở mức 48%, 32% và 22%. Đáng chú ý, cả ba doanh nghiệp này đều là thành viên của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem). Trong khi đó, doanh thu của nhóm doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chủ yếu tăng trong khoảng 4-10%.
Tuy nhiên, “họ PVN” lại có phần vượt trội hơn về khả năng kiếm tiền khi doanh thu thuần nửa đầu năm của các thành viên đều đạt trên 1.000 tỷ đồng. Cụ thể, dù chỉ tăng 4% so với cùng kỳ song doanh thu thuần của Tổng Công ty Cổ phần Phân bón và Hoá chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, HoSE: DPM) lên tới 7.255 tỷ đồng. Một “gã khổng lồ” khác là Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, HoSE: DCM) cũng mang về tới 6.607 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 10%. Ngay cả Công ty Cổ phần Phân bón và Hoá chất Dầu khí Tây Nam Bộ (HNX: PSW), dù đi lùi 11% so với cùng kỳ nhưng doanh thu của doanh nghiệp này vẫn đạt 1.303 tỷ đồng.
Ngược lại, tại “nhà Vinachem”, ngoài Công ty Cổ phần Phân bón Miền Nam (HoSE: SFG), ngay cả hai doanh nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận hàng đầu như Phân lân Văn Điển, Phân lân Ninh Bình cũng chưa đạt được mốc doanh thu nghìn tỷ.
Còn nếu xét theo mặt hàng, không khó để nhận ra, tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp sản xuất phân lân, phân NPK, phân DAP có phần vượt trội so với nhóm phân ure. Thực tế, cả ba doanh nghiệp dẫn đầu về xuất khẩu phân lân hiện nay là Phân lân Văn Điển, Phân bón Miền Nam và Phân lân Ninh Bình đều ghi nhận tăng trưởng doanh thu ở mức hai chữ số.
Hay như trường hợp của Phân bón Bình Điền, là “á quân” tăng trưởng, “ông trùm” xuất khẩu NPK mang về tới 4.856 tỷ đồng trong nửa đầu năm, chỉ xếp sau hai “gã khổng lồ” Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau. Một “đại gia” NPK khác, Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao, cũng ghi nhận doanh thu ấn tượng ở mức 2.049 tỷ đồng. Dù doanh thu giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này lại tăng 28%, minh chứng cho hiệu quả của hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Ở chiều ngược lại, tại nhóm ure, doanh thu của Đạm Phú Mỹ và các doanh nghiệp họ PVN khác chỉ tăng 4-6%. Thậm chí, một cái tên “có số có má” là Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (UPCoM: DHB) cũng phải chấp nhận “cài số lùi” cùng với Phân bón và Hoá chất Dầu khí Tây Nam Bộ, phản ánh những thách thức mà nhóm này đang phải đối mặt khi thị trường phân ure nội địa đã bão hoà.
Tuy nhiên, vẫn có ngoại lệ đáng chú ý. Đạm Cà Mau, đại diện duy nhất của nhóm ure, ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu hai chữ số trong nửa đầu năm. Đây là kết quả từ chiến lược mở rộng sang thị trường NPK của doanh nghiệp này. Báo cáo tài chính quý II/2024 của Đạm Cà Mau cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, mảng NPK đã tăng trưởng ấn tượng 68% cho mảng này, vượt trội so với mức tăng khiêm tốn 1,5% của mảng chủ lực ure.
Cũng theo thống kê của VietnamFinance, kết thúc 6 tháng đầu năm, có 7 trong tổng số 14 doanh nghiệp sản xuất phân bón niêm yết trên sàn chứng khoán ghi nhận tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận. Tại nhóm này, mặc dù tăng trưởng doanh thu đa phần chỉ ở mức khá nhưng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp lại có sự bứt phá mạnh mẽ.
Sở hữu tốc độ tăng trưởng vượt trội nhất là Công ty Cổ phần DAP – Vinachem (UPCoM: DDV). Nửa đầu năm 2024, doanh nghiệp báo lãi sau thuế lợi nhuận sau thuế 90 tỷ đồng, gấp hơn 90 lần cùng kỳ, qua đó hoàn thành 90% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Sự “bùng nổ” này đến từ việc sản lượng bán hàng tăng mạnh trong quý II, trong khi giá nguyên liệu giảm.
Kế đến là Phân bón Bình Điền. Nửa đầu năm 2024, doanh nghiệp báo lãi sau thuế 264 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần cùng kỳ. Mức lợi nhuận này vượt xa giai đoạn 2021-2022, thời điểm ngành phân bón hưởng lợi từ cơn sốt hàng hóa toàn cầu. Theo báo cáo tài chính của doanh nghiệp, kết quả nói trên có được chủ yếu là nhờ giá vốn hàng bán tăng chậm hơn mức tăng của doanh thu, giúp lợi nhuận gộp tăng mạnh. So với kế hoạch lợi nhuận cả năm, doanh nghiệp này đã vượt 55%.
Một doanh nghiệp khác cũng để lại ấn tượng mạnh mẽ là Đạm Cà Mau. Nhờ sự bứt phá trong quý II, cũng là quý đầu tiên hợp nhất kết quả kinh doanh với Công ty TNHH Phân bón Hàn - Việt (KVF), lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm của doanh nghiệp này tăng 69% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 915 tỷ đồng. Với kết quả này, Đạm Cà Mau “chễm chệ” tại vị trí quán quân lợi nhuận. Còn so với mục tiêu mang về 795 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2024, doanh nghiệp này đã vượt 16%, dù mới đi được nửa chặng đường.
Tương tự, với quý II lãi kỷ lục, mặc dù chưa thể tối ưu chi phí, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm của Phân lân Ninh Bình vẫn tăng mạnh, ở mức 42%, đạt 27 tỷ đồng. Theo đó, doanh nghiệp này chỉ còn cách kế hoạch lợi nhuận cả năm 0,4%.
Kế đến là Đạm Phú Mỹ, với tăng trưởng ở mức 37%, doanh nghiệp mang về 503 tỷ đồng lãi sau thuế, chỉ xếp sau Đạm Cà Mau, qua đó hoàn thành 93% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Công ty Cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí Miền Trung (HNX: PCE) là một trường hợp tương tự Đạm Cà Mau. Dù doanh thu tăng chậm, lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm vẫn bứt phá với mức tăng 31%, đạt 17 tỷ đồng.
Trái lại, ở trường hợp của Công ty Cổ phần Phân bón Quốc tế Âu Việt (UPCoM: AVG), mặc dù doanh thu 6 tháng đầu năm cao hơn 18% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này chỉ tăng 9%. Báo cáo tài chính của Phân bón Quốc tế Âu Việt cho thấy, sự gia tăng chi phí bán hàng là một trong những yếu tố chính dẫn đến sự chênh lệch này.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp vẫn thành công cải thiện lợi nhuận, bất chấp doanh thu đi lùi. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy nỗ lực quản lý chi phí cũng như sự xuất hiện các yếu tố thuận lợi khác trong nửa đầu năm 2024.
Điển hình là Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao. Nửa đầu năm 2024, nhờ giá vốn giảm, doanh thu tài chính tăng, chi phí tài chính được tiết giảm mạnh mẽ, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này tăng tới 83% so với cùng kỳ, đạt 120 tỷ đồng, qua đó vượt 10% chỉ tiêu cả năm.
Hay như Công ty Cổ phần Phân bón và Hoá chất Dầu khí Tây Nam Bộ (HNX: PSW), nhờ giá vốn hàng bán và chi phí tài chính giảm mạnh, cùng nỗ lực giữ các khoản chi phí khác tăng chậm, doanh nghiệp báo lãi 1,1 tỷ đồng, tăng 2,75 lần so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, bức tranh lợi nhuận ngành phân bón bán niên 2024 lại không hoàn toàn là màu hồng.
Trái ngược với các “ông lớn” cùng ngành, mặc dù mang về hàng nghìn tỷ doanh thu Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc, UPCoM: DHB) vẫn tiếp tục báo lỗ trong nửa đầu năm 2024. Trong bối cảnh chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao và áp lực cạnh tranh mạnh mẽ khi thị trường ure bão hoà, nỗ lực cắt giảm chi phí, tối ưu hoá sản xuất của Đạm Hà Bắc chỉ có thể giúp doanh nghiệp này giảm lỗ so với cùng kỳ mà chưa thể đảo ngược tình thế. Thêm vào đó, diễn biến thời tiết thất thường trong 6 tháng đầu năm, đặc biệt là sét đánh nhiều lần làm đứt đường dây truyền tải điện đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp này.
Tương tự, cho chưa thể tối ưu chi phí, ngay cả các doanh nghiệp dẫn đầu về tăng trưởng doanh thu như Phân lân Văn Điển, Phân bón Miền Nam hay Công ty Cổ phần Phân bón và Hoá chất Dầu khí Đông Nam Bộ (HNX: PSE), Công ty Cổ phần Phân bón và Hoá chất Dầu khí Miền Bắc (HNX: PMB) đều “ngậm ngùi” báo lãi đi lùi.
Những diễn biến trái chiều nói trên đã phản ánh tình hình ứng phó của các doanh nghiệp trước những biến động của thị trường. Trong khi một số đơn vị đã nhanh chóng điều chỉnh chiến lược để vượt qua khó khăn, số khác vẫn đang vật lộn để tìm kiếm phương án tối ưu hóa chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Về triển vọng của ngành phân bón, các tổ chức tài chính nhận định, kết quả kinh doanh sẽ tăng trưởng tích cực trong nửa cuối năm 2024. Sự tăng trưởng này được hỗ trợ bởi nhu cầu sản xuất nông nghiệp tăng và giá phân bón ổn định ở mức cao.
Về nhu cầu sản xuất, FPTS dẫn số liệu từ World Bank cho hay, giá gạo (mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam) sẽ tăng 7,5% so với cùng kỳ, đạt mức 595 USD/tấn trong khi giá một số loại nông sản phổ biến trong nước khác như cà phê cũng sẽ tăng khoảng 32,2%. Theo đơn vị này, giá nông sản cao sẽ thúc đẩy người nông dân tăng diện tích gieo trồng, từ đó gia tăng nhu cầu sử dụng phân bón.
Cũng theo FPTS, sau những tháng đầu năm 2024 giảm mạnh, giá phân bón trên thị trường thế giới đã tăng trở lại từ cuối tháng 5, đầu tháng 6 do nguồn cung tại Ai Cập bị thắt chặt bởi thiếu khí đốt. Bên cạnh đó, tin tức Trung Quốc trì hoãn việc xuất khẩu phân bón trở lại đã hỗ trợ xu hướng tăng giá của mặt hàng này.
Tại ngày 15/8/2024, Trading Economics ghi nhận giá phân bón urê ở mức 311,5 USD/tấn, tăng 3,9% so với tuần trước và tăng 2,07% so với tháng trước, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái vẫn giảm xấp xỉ 13%. Theo VCBS, khi bước vào vụ Đông Xuân cuối quý III, áp lực về nguồn cung của thị trường ure sẽ đẩy giá bán dòng phân bón này tăng trở lại. Bên cạnh đó, công ty chứng khoán này cũng kỳ vọng nhu cầu ở các thị trường nhập khẩu sẽ cao hơn từ tháng 9 khi bước vào vụ mùa (lúa mì, ngô) của thế giới.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng kỳ vọng, việc đưa nhóm ngành phân bón quay lại diện chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) 5% có thể mang tới những diễn biến tươi sáng. Cần biết, dự thảo Luật Thuế VAT sửa đổi với việc đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT 5% dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 (diễn ra vào tháng 10/2024) và nếu được thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Hiện tại, giá phân bón trong nước cao hơn giá phân bón nhập khẩu một phần là do giá thành cao hơn khi các doanh nghiệp sản xuất phải chịu thêm chi phí VAT 10% (do không được khấu trừ).
Công ty Chứng khoán Dầu khí ước tính, nếu dự thảo này được thông qua, lợi nhuận nhóm doanh nghiệp phân bón sẽ tăng 30 - 50% nhờ được khấu trừ thuế đầu vào; đồng thời, giá bán phân bón nhập khẩu sẽ tăng thêm 5% do chịu thuế VAT. Điều này giúp gia tăng tính cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất phân bón nội địa.
Theo TS. Phùng Hà - Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, việc không phải chịu thuế VAT là một trong những nguyên nhân khiến phân bón giả, phân bón kém chất lượng được tiêu thụ tràn lan trên thị trường. Ông Hà cho rằng, để tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho ngành sản xuất phân bón trong nước duy trì, phát triển ổn định, đồng thời tạo sự công bằng giữa các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu, cần nhanh chóng đưa phân bón từ không chịu thuế VAT sang diện chịu thuế.
Về phía doanh nghiệp, ông Vũ Văn Bằng, Tổng giám đốc DAP – Vinachem cho hay, nếu tính thuế VAT 5%, nhà sản xuất sẽ giảm giá thành phân bón được khoảng 2,5% và doanh nghiệp sẽ ngay lập tức giảm giá bán 2 - 2,5% để cạnh tranh với hàng nhập ngoại.
10:23:00 AM GMT+7Thứ 2, 06/01/2025
10:18:00 AM GMT+7Thứ 2, 06/01/2025
10:17:00 AM GMT+7Thứ 2, 06/01/2025
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global