Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/1/2019. Sau 6 năm thực thi, CPTPP được đánh giá là một trong những Hiệp định mang lại hiệu quả cao cho hàng Việt xuất khẩu vào thị trường này.
Cùng với 11 quốc gia thành viên ban đầu, CPTPP chính thức có hiệu lực với Vương quốc Anh kể từ ngày 15/12/2024 cơ hội và thách thức tiếp tục mở ra cho Việt Nam trong năm 2025 cũng như 12 nền kinh tế thành viên của khối thương mại chiếm 15% tổng GDP thế giới và dân số hơn 500 triệu người.
Khẳng định chỗ đứng trên thị trường
Năm 2024, mặc dù nhiều biến động về kinh tế thế giới, song hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam vào thị trường CPTPP vẫn đạt mức tăng trưởng khá.
Tổng hợp thông tin tình hình hợp tác, giao thương của Việt Nam với thị trường thành viên CPTPP của Trung tâm Thông tin công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho thấy trong năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam với thị trường CPTPP ước đạt 102,1 tỷ USD, tăng 6,8% so với năm 2023, chiếm 13,1% tỷ trọng trên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chung.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong thời gian qua, tăng trưởng thương mại của Việt Nam vào các nước như Canada, Peru, Mexico khi tham gia hiệp định CPTPP đã đạt được mức tăng rất cao.
Điểm nhấn là từng ngành hàng, lĩnh vực xuất khẩu vào các thị trường trong khối CPTPP đã có mức tăng trưởng ngoạn mục, năm sau cao hơn năm trước và nhiều nhóm hàng có tỷ lệ sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi CPTPP khá cao. Đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng hiệu quả ưu đãi từ CPTPP tại các thị trường khu vực châu Mỹ như Canada, Mexico và Peru - những nước lần đầu tiên có quan hệ hiệp định thương mại với Việt Nam từ CPTPP.
Bà Võ Thị Hồng Anh, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết kể từ khi hiệp định CPTPP đi vào hiệu lực cho tới nay, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: điện thoại, hàng điện tử, thủy sản, đồ gỗ… đã dần dần khẳng định được chỗ đứng tại thị trường các nước CPTPP này.
Chỉ tính riêng mặt hàng tôm, hiện Việt Nam đang là nhà cung cấp khoảng 35% tôm cho thị trường Canada, hay mặt hàng cá tra hiện tại Mexico cũng đang là một trong ba thị trường xuất khẩu lớn nhất về mặt hàng cá tra của Việt Nam…
Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin, thị phần của thủy sản Việt Nam trên các thị trường này tăng cho thấy thế mạnh cạnh tranh của sản phẩm thủy sản Việt Nam đã được hỗ trợ rất nhiều từ hiệp định CPTPP.
Đơn cử, tại Canada, thị phần của Việt Nam đã tăng từ 7-8% giai đoạn trước lên tới 10%, trong đó riêng mặt hàng tôm là thị phần của tôm Việt Nam đã tăng từ 18% lên 25% và tôm Việt Nam đứng số 1 tại Canada. Hoặc tại Australia, mặt hàng tôm của Việt Nam cũng chiếm thị phần áp đảo là 70%, tăng gấp đôi so với giai đoạn trước khi Việt Nam tham gia vào CPTPP…
Còn theo bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hạt điều vàng cho biết doanh nghiệp đã định hướng tới 1 số thị trường trong khối CPTPP và hiện nay sản phẩm hạt điều của Công ty đã xuất khẩu vào Australia, Nhật Bản, Brunei, Anh quốc…
Trong khi đó, lĩnh vực nông sản thực phẩm, dệt may, da giày, các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã tận dụng khá tốt ưu đãi từ CPTPP để gia tăng xuất khẩu và khẳng định chất lượng, ưu thế của hàng Việt tại thị trường này.
Ông Lưu Vạn Khang, Tham tán thương mại Mexico bày tỏ sự vui mừng khi nhìn thấy những sản phẩm của Việt Nam như quần áo, giày dép, bàn ghế, đồ nhựa… được bán tại các trung tâm siêu thị lớn của Mexico. Các sản phẩm thực phẩm như cá, bún, miến, phở, bánh đa nem… đã được bán tại các siêu thị lớn, nhỏ tại thị trường này, đặc biệt nhiều người tiêu dùng đánh giá hàng của Việt Nam có chất lượng tốt, đồ ăn của Việt Nam rất ngon…
Thích ứng để tiến sâu trong chuỗi giá trị
Trong năm 2024, xuất khẩu nhiều mặt hàng sang thị trường thành viên Hiệp định CPTPP ghi nhận tốc độ tăng trưởng tích cực, trong đó, CPTPP tiếp tục là động lực quan trọng giúp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này.
Đánh giá cả Trung tâm Công nghiệp và Thương mại cho thấy cơ cấu mặt hàng xuất khẩu sang các thị trường thành viên CPTPP trong năm qua tập trung nhiều ở nhóm công nghiệp chế biến chế tạo với 6 mặt hàng dẫn đầu đều thuộc nhóm này, bao gồm: máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; hàng dệt may; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; phương tiện vận tải và phụ tùng và giày dép các loại. Đây cũng là những nhóm hàng đem lại động lực tăng trưởng lớn nhất trong xuất khẩu hàng hóa sang thị trường CPTPP.
Bởi tính riêng nhóm 6 mặt hàng đã chiếm 59% tỷ trọng trên tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. So với năm 2023, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này đều tăng trưởng, trong đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 5,7 tỷ USD, tăng 30,9% so với năm trước và chiếm 10,3% tỷ trọng, cao hơn so với mức tỷ trọng 8,7% trong năm 2023.
Mặc dù vậy, vẫn còn khá nhiều ngành hàng vẫn đang xuất khẩu thô, với một tỷ lệ rất nhỏ vào thị trường CPTPP. Ông Lê Phú Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Malasia thông tin trong những năm gần đây các mặt hàng như gạo, càphê, hạt điều của Việt Nam đã gia tăng mạnh mẽ. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam xuất khẩu vào Malaysia dạng thô còn cao, như gạo loại 5% tấm, càphê hạt…
Có thể thấy, tiềm năng xuất khẩu vào thị trường CPTPP với khoảng 500 triệu dân là rất lớn. Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên ( Bộ Công Thương), dư địa để hàng Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào các thị trường CPTPP, nhất là khu vực châu Mỹ như Canada, Mexico và Peru vô cùng lớn, bởi có những mặt hàng, Việt Nam chỉ chiếm khoảng 3-5% thị phần tại các thị trường.
Nhiều mặt hàng xuất sang CPTPP được cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi cũng chỉ chiếm khoảng 5% tổng kim ngạch xuất khẩu sang khối này. Việc CPTPP có hiệu lực từ cuối năm 2024 với Vương Quốc Anh mở ra thị trường xuất khẩu lớn cho hàng Việt tại thị trường này cũng như các thị trường mà Anh đã có FTA.
Ông Ngô Chung Khanh đánh giá, việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP sẽ tạo thêm thị trường cho Việt Nam vì trong quá trình đàm phán CPTPP, Bộ Công Thương đã đạt được thỏa thuận mở thêm cam kết, mở thêm tiếp cận thị trường cho Việt Nam ngoài các FTA song phương đã có, đặc biệt là ngành thủy sản đã có được thuận lợi rất lớn khi cam kết về việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP chính thức có hiệu lực.
“Đây chính là một trong những điểm sáng của hiệp định CPTPP và hiện có thêm một số nền kinh tế đang xin gia nhập CPTPP như, Costa Rica, Ecuador, Uruguay... đã cho thấy vai trò của CPTPP ngày càng lớn mạnh và chắc chắn sẽ tạo ra thêm những động lực mới cho các doanh nghiệp, cho các nhà đầu tư quan tâm hơn đến các thành viên CPTPP, đặc biệt là Việt Nam,” ông Ngô Chung Khanh nói.
Các chuyên gia cũng nhận định, hiệp định CPTPP đem lại cơ hội xuất khẩu hàng hóa bởi thị trường được mở rộng. Nhưng CPTPP là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, đòi hỏi nỗ lực không ngừng của doanh nghiệp Việt trong việc đáp ứng các yêu cầu của thị trường.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhấn mạnh, CPTPP là một FTA tạo ra sự đổi mới và bứt phá cho sự phát triển và hội nhập của nền kinh tế Việt Nam trên toàn cầu, trong đó có ngành dệt may. CPTPP đã cho ngành dệt may Việt Nam cơ hội tiếp cận các thị trường mới như Canada, Australia, New Zealand…, đồng thời cũng giúp các doanh nghiệp dệt may Việt Nam thích ứng với cách thức mua hàng của các nhà nhập khẩu trong khối kinh tế này.
Ngoài ra, CPTPP đặt ra yêu cầu về chứng nhận xuất xứ, giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản xuất từ nguyên liệu đầu vào. Xanh hóa là điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam làm chủ cuộc chơi trong CPTPP và đây chắc chắn không phải chỉ là đòi hỏi từ thị trường CPTPP mà của tất cả các thị trường xuất khẩu của Việt Nam./.