Thứ 5, 26/12/2024 | English | Vietnamese
02:02:00 PM GMT+7Thứ 3, 01/10/2024
Bộ Xây dựng đang dự thảo Luật Cấp, Thoát nước nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ làm công cụ quản lý, phát triển cấp nước sạch, thoát nước mưa chống ngập và thu gom, xử lý nước thải từ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đầu tư xây dựng đến khai thác vận hành và trách nhiệm quản lý công trình cấp, thoát nước.
Theo Bộ Xây dựng, quá trình tổ chức triển khai thực hiện các quy định pháp luật về cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải đã phát sinh những tồn tại, hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện.
Pháp luật liên quan trực tiếp đến lĩnh vực cấp, thoát nước chưa tương xứng với vai trò, tầm quan trọng của dịch vụ cung cấp nước sạch và thoát nước, xử lý nước thải. Pháp luật quản lý lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải hiện chưa có luật chuyên ngành, đang thực hiện theo các Nghị định được ban hành từ 10-15 năm trước đây, nhiều nội dung trong Nghị định đã ban hành đến nay chưa đáp ứng với nhu cầu phát triển ngành cấp, thoát nước và đang bị chi phối bởi nhiều Luật có liên quan khác; đã và đang tác động trực tiếp đến quá trình đầu tư, vận hành; hạn chế việc nâng cao chất lượng dịch vụ và kiểm soát rủi ro.
Quy hoạch cấp, thoát nước chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, chất lượng dự báo còn hạn chế gây khó khăn cho việc định hướng, đầu tư xây dựng phát triển hệ thống cấp, thoát nước.
Hoạt động đầu tư phát triển cấp, thoát nước chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, đặc biệt là cấp nước, thu gom, xử lý nước thải vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo.
Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải chưa đầy đủ, khó khăn trong việc đánh giá tình hình, lập quy hoạch, định hướng, đầu tư và quản lý nhà nước.
Việc ban hành giá nước sạch gặp nhiều khó khăn; giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải còn thấp, hạn chế huy động nguồn lực đầu tư.
Một số quy định đặc thù của lĩnh vực cấp, thoát nước chưa thống nhất, hoặc chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn cần được rà soát bổ sung, điều chỉnh như: Quy định về quản lý, thu gom, tái sử dụng nước mưa, tái sử dụng nước thải, bùn thải, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, tận dụng thu hồi tài nguyên từ hệ thống cấp, thoát nước...
Do đó, việc ban hành Luật mới điều chỉnh về cấp, thoát nước là hết sức cần thiết, nhằm kịp thời thể chế hóa định hướng lãnh đạo của Đảng về bảo đảm cung cấp nước sạch an toàn, ổn định, kiểm soát ô nhiễm từ nước thải và chống ngập úng; làm công cụ pháp lý, quản lý nhà nước có hiệu lực, hiệu quả cao, đồng bộ, thống nhất, nhằm điều chỉnh toàn diện các hoạt động cấp nước sạch, thoát nước và xử lý nước thải.
Luật Cấp, Thoát nước sẽ là công cụ quan trọng nhằm tăng cường nguồn lực ngân sách và xã hội giúp chính quyền các địa phương quản lý, xây dựng, phát triển hệ thống cấp nước, thoát nước hiệu quả, bền vững phục vụ nhu cầu thiết yếu của con người, bảo vệ sức khỏe người dân, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế.
Theo Bộ Xây dựng, việc ban hành Luật Cấp, Thoát nước nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ làm công cụ quản lý, phát triển cấp nước sạch, thoát nước mưa chống ngập và thu gom, xử lý nước thải từ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đầu tư xây dựng đến khai thác vận hành và trách nhiệm quản lý công trình cấp, thoát nước.
Đồng thời, cung cấp nước sạch ổn định, bảo đảm quyền được tiếp cận nguồn nước sạch của người dân, thu gom và xử lý nước thải đồng bộ với mục đích bảo vệ môi trường, thoát nước mưa chống ngập gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ sức khỏe con người, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế; hướng tới mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Hướng tới quản lý phát triển cấp, thoát nước trên nền tảng công nghệ số, thống nhất cơ sở dữ liệu tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về cấp, thoát nước, giảm thiểu nhân lực quản lý, vận hành, chi phí đầu tư của nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa.
Kết hợp hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng nước, hộ thoát nước, của các tổ chức, cá nhân đầu tư, vận hành công trình cấp, thoát nước và nhà nước. Xây dựng cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực đầu tư và vận hành công trình cấp, thoát nước; hỗ trợ đầu tư công trình cấp, thoát nước nông thôn, các khu vực khó khăn về nguồn nước, dân cư phân tán.
Dự thảo Luật Cấp, Thoát nước gồm 08 Chương, bao gồm 75 Điều, bố cục như sau:
Chương I: Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 17).
Chương II: Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển cấp, thoát nước (từ Điều 18 đến Điều 29):
Chương III: Đầu tư phát triển hệ thống cấp, thoát nước (từ Điều 30 đến Điều 35):
Chương IV: Quản lý vận hành hệ thống cấp, thoát nước (từ Điều 36 đến Điều 50):
Chương V: Dịch vụ cấp, thoát nước (từ Điều 51 đến Điều 58):
Chương VI: Giá nước sạch và giá dịch vụ thoát nước (từ Điều 59 đến Điều 68):
Chương VII: Trách nhiệm quản lý nhà nước về cấp, thoát nước (từ Điều 69 đến Điều 72).
Chương VIII: Điều khoản thi hành (từ Điều 73 đến Điều 75).
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
11:25:00 AM GMT+7Thứ 5, 26/12/2024
11:18:00 AM GMT+7Thứ 5, 26/12/2024
10:45:00 AM GMT+7Thứ 5, 26/12/2024
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global