VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 2, 25/11/2024 | English | Vietnamese

Trang chủTin tổng hợpMua trước trả sau: Sắm đồ không chờ đủ tiền, nguy cơ bong bóng nợ tiêu dùng

Mua trước trả sau: Sắm đồ không chờ đủ tiền, nguy cơ bong bóng nợ tiêu dùng

10:03:00 AM GMT+7Thứ 2, 02/09/2024

Theo chuyên gia, việc sử dụng Mua trước trả sau (BNPL) không kèm theo các kế hoạch tài chính rõ ràng có thể dẫn đến sự gia tăng nợ tiêu dùng, từ đó hình thành bong bóng nợ.

Mua trước trả sau: Nguy cơ bong bóng nợ tiêu dùng

Sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ Mua trước trả sau (Buy now Pay later - BNPL) đã tạo ra một bước ngoặt quan trọng trong cách thức mua sắm của người tiêu dùng trên toàn thế giới. Trước đây, việc mua sắm thường bị hạn chế bởi khả năng tài chính tức thời của cá nhân. Tuy nhiên, với BNPL, người tiêu dùng có thể dễ dàng mua sắm ngay lập tức và chia nhỏ khoản thanh toán thành nhiều đợt, điều này không chỉ thay đổi cách người tiêu dùng tiếp cận việc mua sắm, mà còn thúc đẩy một lối sống tiêu dùng mới.

Người tiêu dùng giờ đây trở nên tự tin hơn và sẵn sàng hơn trong việc thực hiện các giao dịch lớn qua mua trước trả sau, trong khi trước đây có xu hướng trì hoãn mua sắm những mặt hàng có giá trị cao hoặc chờ đến khi có đủ tiền mặt.

Sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng này một mặt giúp thúc đẩy doanh số cho các nhà bán hàng, mặt khác lại có thể làm gia tăng áp lực tài chính cho người tiêu dùng nếu không kiểm soát được. Người tiêu dùng thường bị thu hút bởi khả năng thanh toán linh hoạt và số tiền trả trước thấp, dẫn đến việc chi tiêu vượt quá khả năng tài chính thực tế của mình.

Anh Đỗ Thanh Hùng (ngụ tại quận 7, TP. HCM) cho biết việc mua sắm trên các sàn thương mại điện tử, hay bất kỳ sản phẩm dịch vụ nào ngoài sàn điện tử mà chấp nhận thanh toán số, anh đều có thể thực hiện giao dịch qua BNPL. Việc lạm dụng BNPL khiến các khoản thu nhập mỗi tháng của anh Đ.T.H đều dành phần lớn cho việc trả nợ cho các khoản đã tiêu dùng.

“Đôi lúc tôi cảm thấy nghiện cảm giác mua sắm qua BNPL, vì phần tiền mà tôi phải trả ban đầu rất thấp, các khoản tiền chia nhỏ phải trả mỗi tháng cũng không quá cao, khiến tôi khá chủ quan và thoải mái hơn trong tiêu dùng. Tuy nhiên tích tiểu thành đại, tổng số tiền tôi phải trả mỗi tháng cho các dịch vụ BNPL trở nên khá lớn và ngoài tầm kiểm soát”, anh Hùng cho biết.

Việc sử dụng BNPL không chỉ dừng lại ở việc thực hiện một hoặc hai giao dịch lớn, mà có thể lan rộng sang nhiều giao dịch nhỏ lẻ khác, khiến người tiêu dùng không nhận ra tổng số tiền phải trả hàng tháng đã vượt quá khả năng chi trả.

TS Phạm Nguyễn Anh Huy, Giảng viên Cấp cao ngành Tài chính, Đại học RMIT Việt Nam, cảnh báo rằng việc sử dụng BNPL mà không có kế hoạch tài chính rõ ràng có thể dẫn đến sự gia tăng nợ tiêu dùng, từ đó hình thành bong bóng nợ. BNPL, với sự hấp dẫn khi cho phép người tiêu dùng mua sắm mà không cần phải trả ngay toàn bộ chi phí, đã khiến nhiều người chi tiêu vượt quá khả năng tài chính, dẫn đến việc khó khăn trong thanh toán các khoản nợ khi đến hạn.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng có thể có nhiều khoản vay BNPL từ các nhà cung cấp khác nhau với các kỳ hạn và số dư khác nhau. Điều này không chỉ gây khó khăn trong việc quản lý tài chính cá nhân mà còn làm tăng nguy cơ bỏ lỡ các khoản thanh toán, dẫn đến việc phải chịu phí phạt và tạo ra một vòng xoáy nợ nần.

Tại Indonesia, theo Cơ quan Dịch vụ Tài chính Indonesia (OJK), với 19 nhà cung cấp dịch vụ, nợ tiêu dùng phát sinh thông qua các chương trình BNPL đã tăng lên 6.130 tỷ rupiah (382 triệu USD), tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước tính đến hết tháng 3/2024. Điều này đã tạo nên những lo ngại về rủi ro tài chính.

Còn tại Mỹ, báo cáo của Consumer Financial Protection Bureau (CFPB) cũng cho thấy người dùng BNPL có tỷ lệ nợ quá hạn cao hơn so với những người không sử dụng dịch vụ này, đặc biệt sau khi các gói kích thích kinh tế từ Chính phủ chấm dứt.

Theo TS Phạm Nguyễn Anh Huy, hậu quả của việc không kiểm soát tốt nợ BNPL không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Nếu một lượng lớn người tiêu dùng gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ BNPL, điều này có thể tạo ra hiệu ứng domino, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung. Sự gia tăng nợ tiêu dùng có thể làm giảm khả năng chi tiêu và đầu tư của người tiêu dùng, từ đó làm chậm tăng trưởng kinh tế.

Hạ điểm tín dụng

Ngoài những rủi ro liên quan đến việc gia tăng nợ tiêu dùng, một hệ quả khác khi không kiểm soát tốt nợ BNPL là ảnh hưởng tới điểm tín dụng cá nhân. Một số nhà cung cấp dịch vụ BNPL tại Việt Nam đã hợp tác với Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) để thiết lập lịch sử tín dụng của khách hàng khi sử dụng BNPL. Điều này có nghĩa là nếu người tiêu dùng không thể thanh toán đúng hạn, không chỉ phải đối mặt với vòng xoáy nợ nần, mà điểm tín dụng cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Điểm tín dụng thấp không chỉ gây khó khăn trong việc vay mượn sau này tại ngân hàng và các tổ chức tài chính mà còn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người tiêu dùng. Theo đó, điểm tín dụng thấp có thể dẫn đến lãi suất vay cao hơn cho người dân, hoặc thậm chí bị từ chối khoản vay tại các ngân hàng và tổ chức tài chính. Điều này không chỉ làm gia tăng tổng chi phí vay mà còn hạn chế cơ hội tiếp cận tài chính của người tiêu dùng trong tương lai.

Đặc biệt, ở một số quốc gia, điểm tín dụng thấp còn ảnh hưởng đến khả năng xin việc làm, xin Visa, việc tham gia các sản phẩm bảo hiểm,... bởi đây là một trong những thước đo đánh giá mức độ tin cậy và trách nhiệm tài chính của một cá nhân.

Các chuyên gia cho rằng, dù BNPL mang lại nhiều tiện ích và khả năng mua sắm dễ dàng hơn, nhưng cũng có thể trở thành một bẫy tài chính nếu không được sử dụng một cách thận trọng.

Theo TS Phạm Nguyễn Anh Huy, người tiêu dùng đặc biệt là giới trẻ cần có kế hoạch tài chính rõ ràng và chỉ nên sử dụng BNPL cho những nhu cầu thực sự cần thiết. Việc theo dõi kỹ lưỡng các khoản vay BNPL sẽ giúp người tiêu dùng nắm rõ tình hình tài chính của mình, tránh các khoản phạt không mong muốn và duy trì điểm tín dụng tốt để bảo đảm khả năng tiếp cận tài chính trong tương lai.

Bên cạnh đó, việc theo dõi các khoản vay BNPL cũng rất quan trọng vì việc này giúp người tiêu dùng có cái nhìn tổng quan về tình hình tài chính của mình và tránh bỏ lỡ các khoản thanh toán. Cuối cùng, người dùng nên nắm rõ các điều khoản và điều kiện của dịch vụ BNPL để tránh các khoản phí không mong muốn.

TheoHải Đường (Tạp chí điện tử Đầu tư Tài chính)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global