Mức tăng thu ngân sách nhà nước 2025 trên 15% là tích cực, phù hợp
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung

PV: Dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) 2025 vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua. Theo đó, số thu NSNN năm 2025 sẽ tăng 15,6% so với dự toán NSNN năm 2024. Theo các đại biểu Quốc hội, mức tăng trên 15% là tích cực, phù hợp. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Mức tăng thu ngân sách nhà nước năm 2025 trên 15% là tích cực, phù hợp

Ông Phạm Văn Long: Tôi đồng tình với đánh giá này của các đại biểu Quốc hội. Dự báo tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam sang năm dù có tích cực hơn những cũng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức nên mức dự toán này là cơ bản phù hợp.

Nếu nhìn vào kết quả ước thu NSNN 2024 thì dự kiến thu ngân sách sẽ tăng 10% so với dự toán. 10% tăng thêm này tương đương với 190.000 tỷ đồng và con số hỗ trợ cho chính sách miễn giảm thuế, phí cũng tương đương với khoảng hơn 180.000 tỷ đồng. Điều này có nghĩa là, nếu năm 2024 không có các chính sách hỗ trợ đó thì tăng thu ngân sách thực tế có thể lên tới 20%.

Triệt để tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực

Để thực hiện các nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2025, Chính phủ tiếp tục kiên định điều hành chính sách tài khóa hài hòa với chính sách tiền tệ, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - NSNN; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính nhà nước gắn với đẩy mạnh sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Dự toán thu NSNN 2025 không bao gồm 2% hỗ trợ thuế GTGT. Nếu như với tình hình năm 2024, tăng thu khoảng 10%, cộng với nếu 2025 không hỗ trợ giảm 2% thuế GTGT nữa thì mục tiêu tăng thu 15% là hợp lý và có cơ sở.

PV: Theo ông, giải pháp nào để phấn đấu tăng thu, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đề ra cho cả nhiệm kỳ 5 năm. Vì các năm trước thu khó và phải chi nhiều do dịch bệnh?

Ông Phạm Văn Long: Về giải pháp tăng thu thì Chính phủ đã trình Quốc hội các giải pháp rất cụ thể, tôi xin không bàn thêm.

Nếu nhìn vào báo cáo tình hình thu chi ngân sách hàng năm thì chưa cần hết tháng 12 chúng ta đã đạt chỉ tiêu về thu ngân sách. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, mặc dù kinh tế thế giới khó khăn, nhưng các chỉ tiêu dự báo về vĩ mô của kinh tế Việt Nam đều cho thấy có sự phục hồi tốt hơn nên khả năng đảm bảo mục tiêu mục tiêu thu theo dự toán không khó để có thể đạt được.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải xem xét đến các yếu tố biến đổi về kinh tế chính trị của quốc gia khác trên thế giới. Ví dụ như khi Mỹ có tổng thống mới thì liệu rằng cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung có tiếp tục quay trở lại hay không khi chính quyền của ông Trump sẽ tiếp tục chính sách bảo hộ thương mại, dự kiến sẽ tăng thuế với hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Mỹ. Hay căng thẳng địa chính trị thế giới như xung đột Nga - Ukraine, Trung Đông leo thang. Chúng ta cần phải có các kịch bản, bởi vì sẽ ảnh hưởng đến các nguồn thu liên quan đến xuất nhập khẩu, trong khi mục tiêu trong dự toán NSNN năm 2025 và các năm sắp tới thì huy động nguồn thu ngân sách từ xuất nhập khẩu có xu hướng tăng lên. Nếu có các biến động về kinh tế, chính trị thế giới thì sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu.

Ngoài ra, đối với giai đoạn 2025 - 2030 thì hiện Quốc hội đang bàn về sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt liên quan đến rượu bia, thuốc lá và khả năng cao Quốc hội sẽ thông qua việc tăng thuế trong thời gian sắp tới. Theo nghiên cứu của chúng tôi, ước tính tăng thu ngân sách đến năm 2030 có thể tăng gần 40.000 tỷ đồng. Riêng năm 2025 số tăng này là 18.000 tỷ đồng. Điều này cũng góp phần đảm bảo các mục tiêu thu ngân sách.

PV: Về thực hiện kỷ cương, kỷ luật NSNN, ở đâu đó vẫn còn có hiện tượng thực hiện chưa nghiêm chi NSNN. Ông có khuyến cáo gì về vấn đề này?

Ông Phạm Văn Long: Tôi cho rằng, việc chi chưa nghiêm thì đã có các quy định của pháp luật. Đồng thời, đã có sự chỉ đạo xuyên suốt từ trên xuống dưới, từ Chính phủ đến Bộ Tài chính, đến các địa phương. Nếu nơi nào làm sai làm trái thì sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật.

Việc chi ngân sách đảm bảo hiệu quả, đảm bảo mục tiêu giải ngân, đạt kết quả tốt còn liên quan đến rất nhiều các yếu tố khác, trong đó có vấn đề giải ngân vốn đầu tư công. Điều này liên quan đến Luật Đầu tư công, Chính phủ cũng đang trình Quốc hội sửa đổi luật này. Khi sửa đổi được những điểm nghẽn đã từ lâu trong giải ngân đầu tư công thì sẽ khơi thông được dòng vốn.

PV: Xin cảm ơn ông!

Cơ cấu chi tiêu năm 2025 tích cực hơn

Ông Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ NSNN (Bộ Tài chính) cho biết, theo dự báo, kinh tế thế giới năm 2025 duy trì xu hướng phục hồi nhẹ. Tuy nhiên, triển vọng phục hồi ngắn hạn không đồng đều. Tình hình chính trị của nhiều nước lớn xuất hiện những diễn biến mới, tiềm ẩn nhiều rủi ro thay đổi chính sách. Các xung đột, điểm nóng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt; những rủi ro do căng thẳng thương mại giữa các nước lớn, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng... Trong nước, kinh tế được dự báo tiếp tục tăng trưởng tích cực trong năm 2024 và xu hướng tăng trong dài hạn. Tuy nhiên, còn nhiều thách thức từ nội tại nền kinh tế; các vấn đề biến đổi khí hậu, an ninh phi truyền thống…

Chính phủ dự kiến chỉ tiêu kinh tế vĩ mô 2025: Tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5 - 7%; Giá dầu thô 75 - 80 USD/thùng; Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu khoảng 6%. Trên cơ sở đó, dự toán thu cân đối NSNN năm 2025 là 1.966,8 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 15,6% so với dự toán năm 2024 và tăng 5% so với ước thực hiện năm 2024. Tỷ lệ huy động vào NSNN vào khoảng 16%, trong đó thu từ thuế, phí khoảng 12,8% GDP.

Dự kiến chi NSNN là 2.548,9 tỷ đồng. Trong đó, chi thường xuyên chiếm 61%, chi đầu tư phát triển 31% (tương đương 790,7 nghìn tỷ đồng, tăng 16,7% so với dự toán 2024), chi trả nợ lãi 4,3% (khoảng 110,5 nghìn tỷ đồng, giảm 1% so với dự toán năm 2024) và chi các khoản còn lại là 3,7%. Bội chi NSNN theo dự toán là 471,5 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 3,8% GDP.

Theo PGS. TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính), việc thay đổi cơ cấu chi tiêu trong dự toán NSNN 2025 đã theo hướng tích cực hơn, giảm tỷ lệ chi thường xuyên, tăng tỷ lệ chi đầu tư. Tuy nhiên, cần bổ sung đến bối cảnh quốc tế mới khi bầu cử ở Mỹ đã có kết quả. Việc chính quyền Trump thực thi chính sách tăng thuế quan với hàng hóa nhập khẩu như trong cam kết tranh cử sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho Việt Nam, ảnh hưởng tới thu ngân sách từ xuất nhập khẩu.