VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 6, 29/11/2024 | English | Vietnamese

Trang chủTin tổng hợpNgành thuế sẽ kiểm soát chặt mua sắm online

Ngành thuế sẽ kiểm soát chặt mua sắm online

11:21:00 AM GMT+7Thứ 7, 09/11/2024

Các sàn thương mại điện tử ngày càng thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp, nhà phân phối đưa hàng hóa lên không gian mạng. Tuy nhiên, vẫn còn đó những tồn tại không ít rủi ro, khiến nhiều người e ngại khi mua hàng online. Ngành thuế cho biết sẽ kiểm soát chặt chẽ loại hình này.

Tiện ích khi mua sắm online

Không hạn chế về thời gian và không gian mua sắm là một tiện lợi không thể chối cãi khi mua sắm trực tuyến (online). Trong mọi thời điểm và ở bất cứ nơi đâu, người tiêu dùng có thể nhanh chóng và dễ dàng kết nối với người bán.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Sự thay đổi hành vi tiêu dùng từ mua sắm truyền thống sang mua sắm online nhờ đa dạng sản phẩm và dịch vụ để lựa chọn, thuận tiện và kinh tế, không hạn chế về thời gian và không gian. Với lượng hàng hóa và dịch vụ khổng lồ được bán ra từ nhiều nhà cung cấp khác nhau. Thương mại điện tử hỗ trợ cho người tiêu dùng chức năng so sánh và đối chiếu giá, chức năng đánh giá của những khách hàng đã mua… giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn phù hợp nhu cầu.

“Thông qua Internet, người tiêu dùng có thể tìm kiếm sản phẩm mà họ cần, thông qua các công cụ tìm kiếm. Kết quả hiển thị nhanh chóng, thuận tiện nhất cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn sản phẩm. Các sản phẩm được bán trực tuyến luôn đi kèm với mô tả chi tiết. Đồng thời, hệ thống mua sắm trực tuyến hỗ trợ khách hàng bằng cách lưu lại thông tin và lịch sử mua sắm. Do đó, khách hàng có thể tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí liên quan, thay vì sử dụng phương thức mua hàng truyền thống” - chị Minh Châu (33 tuổi, Hà Nội) chia sẻ.

Anh Đức Anh (24 tuổi, Hà Nội) cho biết: "Chỉ vài phút sau khi đặt mua sản phẩm, nhân viên chủ động liên lạc với tôi qua tin nhắn, hoặc gọi điện thoại để xác nhận đơn hàng. Do công việc bận rộn, không có nhiều thời gian đi chợ truyền thống nên tôi thường mua hàng online, nhất là những mặt hàng tiện ích trong nhà, không cần phải đến tận nơi, vẫn có thể lựa chọn thoải mái trên chợ online".

Anh Đức Anh thường mua hàng online, nhất là những mặt hàng tiện ích trong nhà, không cần phải đến tận nơi, vẫn có thể lựa chọn thoải mái trên chợ online.

Anh Đức Anh thường mua hàng online, nhất là những mặt hàng tiện ích trong nhà, không cần phải đến tận nơi, vẫn có thể lựa chọn thoải mái trên chợ online.

“Để tiết kiệm được chi phí, cân đối chi tiêu, đảm bảo tài chính của bản thân, tôi ưu tiên mua những hàng hóa và dịch vụ phục vụ cho các nhu cầu cơ bản. Đồng thời, khi nhận hàng, tôi luôn đối chiếu kỹ thông tin trên biên nhận giao hàng với thông tin đơn hàng online đã đặt, nhằm hạn chế tình trạng thanh toán đơn hàng mà mình không đặt, hoặc nhận sản phẩm không đúng như đã đặt mua” - anh Đức Anh cho biết thêm.

Không ít những rủi ro tiềm ẩn

Theo thời gian, việc mua sắm của người dân trên không gian mạng ngày càng gia tăng, song đi kèm với đó thì cũng gia tăng các vụ khiếu kiện do hàng giả, hàng nhái xuất hiện khá tràn lan trên các sàn thương mại điện tử.

Theo thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường, đơn vị này thường xuyên nhận phản ánh của các đơn vị sở hữu thương hiệu lớn về tình trạng hàng giả, hàng nhái thương hiệu của doanh nghiệp bày bán công khai trên các sàn thương mại điện tử lớn như Lazada, Shopee, TikTok.

Cục trưởng Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Lê Hoàng Oanh cho biết, số lượng khiếu nại của người tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử đang gia tăng liên tục những năm gần đây. Một số hành vi bị phản ánh, khiếu nại thường xuyên vẫn là chất lượng kém so với quảng cáo, không tin tưởng đơn vị bán hàng hay khó kiểm định chất lượng hàng hóa. “Các vấn đề người tiêu dùng gặp nhiều trở ngại khi mua sắm trực tuyến gồm chất lượng kém so với quảng cáo (42%), vận chuyển và giao nhận kém (25%), dịch vụ chăm sóc khách hàng kém (22%)”- bà Oanh thông tin.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), trung bình mỗi năm, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng xử lý từ 500 - 2.000 khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến giao dịch online. Những phản ánh vi phạm đến quyền lợi người tiêu dùng tập trung vào hiện tượng giao hàng hỏng hóc, vỡ nát, không đúng với đơn đặt hàng, không đúng với quảng cáo cũng như vấn nạn hàng gian, hàng giả…

Đi kèm với tiện ích thì cũng gia tăng các vụ khiếu kiện do hàng giả, hàng nhái xuất hiện khá tràn lan trên các sàn thương mại điện tử (Ảnh minh hoạ).

Đi kèm với tiện ích thì cũng gia tăng các vụ khiếu kiện do hàng giả, hàng nhái xuất hiện khá tràn lan trên các sàn thương mại điện tử (Ảnh minh hoạ).

Giới chuyên gia nhận định, để xảy ra tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng nhưng chưa được giải quyết triệt để là do pháp luật hiện hành chưa có quy định rõ ràng, chặt chẽ, chưa theo kịp với sự phát triển của thương mại điện tử.

Nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng trong mua sắm trực tuyến, thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng, các lực lượng chức năng, nhất là Quản lý thị trường cần thường xuyên thanh, kiểm tra hoạt động lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; phải đổi mới trong công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng khác nhằm ngăn chặn triệt để hàng giả, hàng nhập lậu trên không gian mạng; tăng cường quản lý toàn diện giao dịch giữa người mua và người bán; giám sát các mặt hàng có dấu hiệu vi phạm, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Quan trọng hơn, phải xem việc ngăn chặn các vi phạm trên không gian mạng không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành công thương mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Các doanh nghiệp sản xuất phải nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, tăng cường giám sát, quản lý hệ thống, bám sát thị trường, phát hiện kịp thời những dấu hiệu vi phạm để phản ánh, phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý.

Các sàn thương mại điện tử cần nâng cao trách nhiệm trong việc sàng lọc, ngăn chặn các tài khoản không cung cấp đầy đủ thông tin, mạnh tay xử lý khi có dấu hiệu vi phạm. Các cơ quan, hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần phối hợp, thường xuyên tổ chức các hoạt động nâng cao kiến thức, kỹ năng mua sắm online, nhằm đưa ra những cảnh báo, hướng dẫn người tiêu dùng phòng, tránh lừa đảo.

Về phía người tiêu dùng, cần phải là những người tiêu dùng thông minh, có kiến thức tự bảo vệ mình. Theo đó, để tránh tình trạng “tiền mất tật mang” trong môi trường không gian mạng, mỗi người tiêu dùng cần phải ý thức hơn, không ham giá rẻ, cần tìm mua hàng hóa ở các cửa hàng có địa chỉ uy tín, các đại lý phân phối hàng chính hãng, phải có hóa đơn và giữ lại hóa đơn để phòng những sự cố đáng tiếc xảy ra.

Nhằm ngăn chặn những hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025.

Theo đó, yêu cầu 100% các sàn giao dịch thương mại điện tử ký cam kết không kinh doanh hàng giả; 100% các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử được tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về đối với loại hình kinh doanh này; 100% người tiêu dùng được tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ quyền lợi của mình.

Bộ Công Thương cảnh báo người tiêu dùng

Bộ Công Thương vừa phát đi cảnh báo khẩn về nguy cơ rủi ro đối với người tiêu dùng khi mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa đăng ký tại Việt Nam, như Temu, Shein và 1688. Nhiều người tiêu dùng Việt Nam đang bị cuốn hút bởi sự đa dạng sản phẩm và mức giá rẻ từ các nền tảng này, nhưng việc mua sắm trên những nền tảng không được cơ quan nhà nước quản lý tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Cục TMĐT&KTS - Bộ Công Thương), các nền tảng TMĐT xuyên biên giới nếu chưa hoàn thiện các nghĩa vụ đăng ký, cấp phép tại Việt Nam theo quy định sẽ không chịu sự giám sát từ các cơ quan chức năng về chất lượng hàng hóa hay cam kết về dịch vụ hậu mãi.

Do vậy, trong trường hợp giao dịch phát sinh vấn đề không mong muốn, người tiêu dùng có nguy cơ đối mặt với một số khó khăn.

Ví dụ, khi phát hiện sản phẩm nhận được không đúng mô tả, phát sinh lỗi, hỏng hóc hoặc hàng không đảm bảo chất lượng, có nguy cơ gây ảnh hưởng đến an toàn, sức khỏe, việc người tiêu dùng yêu cầu hoàn trả hoặc bảo hành sản phẩm sẽ trở nên khó khăn.

Thậm chí, khi xảy ra tranh chấp, các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa đăng ký sẽ không thuộc diện phải chịu trách nhiệm pháp lý trong nước.

“Do không có đại diện hợp pháp tại Việt Nam theo quy định, người tiêu dùng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc liên hệ phản ánh, dẫn đến việc giải quyết khiếu nại trở thành một vấn đề phức tạp và kéo dài” - Cục TMĐT&KTS cho hay.

Đáng chú ý, Cục này cũng cảnh báo về các nguy cơ tiềm ẩn trong bảo mật thông tin, dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng. Vì khi mua hàng trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa đăng ký, người tiêu dùng thường phải cung cấp các thông tin thanh toán phạm vi quốc tế như thẻ tín dụng hoặc thông tin ví điện tử.

Những dữ liệu này, nếu không được quản lý và bảo vệ theo các quy định của pháp luật Việt Nam thì có nguy cơ bị đánh cắp hoặc bị khai thác trái phép, dẫn đến các rủi ro lớn về bảo mật thông tin cá nhân.

Đặc biệt, nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa đăng ký không có các cam kết về bảo mật thông tin người tiêu dùng theo quy định của Việt Nam, không có quy trình xử lý sự cố trong trường hợp xảy ra vấn đề và đương nhiên cũng không có trách nhiệm, nghĩa vụ pháp lý theo quy định tại Việt Nam.

“Do đó, nguy cơ rò rỉ thông tin, dữ liệu cá nhân người tiêu dùng trong quá trình phát sinh các giao dịch trên các nền tảng chưa đăng ký trên là rất lớn, tiềm ẩn khả năng gây ra những tổn thất lớn và ảnh hưởng lâu dài đến người tiêu dùng"- Cục TMĐT&KTS cho biết.

Ngoài ra, Cục cũng cảnh báo người tiêu dùng cần cẩn trọng về rủi ro pháp lý khi mua sắm trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa đăng ký.

Vì hàng hóa mua từ các nền tảng TMĐT xuyên biên giới không lường trước được các nghĩa vụ thuế với mặt hàng nhập khẩu, dẫn đến những vấn đề liên quan đến nghĩa vụ thuế và các vấn đề pháp lý khi sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam.

"Điều này có thể khiến người tiêu dùng gặp rắc rối khi sản phẩm bị giữ lại tại cửa khẩu hoặc phải chịu thêm các chi phí phát sinh do thuế không được dự tính hoặc không như thông báo ban đầu" - Cục này cho biết.

Theo Cục TMĐT&KTS, Bộ Công Thương đang khẩn trương rà soát tổng thể về tác động cũng như các giải pháp đối với các sàn TMĐT xuyên biên giới như Temu, 1688 và Shein để đảm bảo các nền tảng này cần tuân thủ các quy định pháp luật khi hoạt động tại Việt Nam.

Tổng cục Thuế nói gì?

Dư luận đang quan tâm về công tác quản lý thuế đối với một số sàn TMĐT xuyên biên giới mới xuất hiện, trong đó có Temu.

Dư luận đang quan tâm về công tác quản lý thuế đối với một số sàn TMĐT xuyên biên giới mới xuất hiện, trong đó có Temu.

Tổng cục Thuế khẳng định, công tác quản lý thuế đối với các sàn thương mại điện tử cả trong nước và sàn TMĐT có yếu tố xuyên biên biên giới mà hoạt động kinh doanh tại Việt Nam đều được cơ quan thuế Việt Nam thực hiện quản lý thuế chặt chẽ, đảm bảo thu đúng, thu đủ, công bằng, minh bạch.

Về vấn đề này, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc cho rằng cần có các biện pháp để quản lý chặt các sàn thương mại điện tử nước ngoài hoạt động tại Việt Nam để tránh tình trạng lợi dụng trốn thuế, nhằm bảo đảm bình đẳng kinh doanh giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.

Hiện dư luận đang quan tâm về công tác quản lý thuế đối với một số sàn TMĐT xuyên biên giới mới xuất hiện, trong đó có Temu.

Tổng cục Thuế cho biết, hoạt động kinh doanh sàn TMĐT Việt Nam là hoạt động kinh doanh phải được cấp phép và chịu quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Đối với lĩnh vực quản lý nhà nước về các khoản thu nội địa (trong đó có khoản thu từ hoạt động kinh doanh TMĐT), trên cơ sở các quy định tại Luật quản lý thuế và Thông tư số 80/2021/TT-BTC, các nhà quản lý sàn TMĐT như Temu, 1688, Amazon… có trách nhiệm đăng ký, tự tính, tự khai, tự nộp thuế trực tiếp thông qua Cổng TTĐT của Tổng cục Thuế.

Nếu phát hiện nhà cung cấp nước ngoài kê khai chưa đúng doanh thu, cơ quan thuế sẽ thực hiện đối chiếu dữ liệu để xác định doanh thu đề nghị nhà cung cấp nước ngoài thực hiện nghĩa vụ và thực hiện thanh tra, kiểm tra theo quy định nếu có dấu hiệu gian lận, trốn thuế.

Về sàn Temu, ngày 4/9, Công ty Elementary Innovation Pte. Ltd (chủ sở hữu vận hành sàn TMĐT Temu tại Việt Nam) đã thực hiện đăng ký thuế qua Cổng TTĐT dành cho nhà cung cấp nước ngoài của Tổng cục Thuế và được cấp mã số thuế 9000001289.

Theo quy định, Temu sẽ bắt đầu nộp tờ khai từ thời điểm quý 3 năm 2024 kê khai cho doanh thu tính từ thời điểm bắt đầu hoạt động tại Việt Nam (Nếu được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép hoạt động). Tổng cục Thuế cho biết sẽ giám sát chặt chẽ việc kê khai doanh thu của Temu để đảm bảo thu đúng, thu đủ theo quy định.

Đối với các nhà cung cấp nước ngoài khác có phát sinh doanh thu tại Việt Nam nhưng chưa thực hiện việc đăng ký thuế, cơ quan thuế đã và đang rà soát và có các biện pháp xử lý phù hợp để đảm bảo quản lý thuế hiệu quả đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số.

TheoTạp chí Tài chính Doanh nghiệp
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global