Chủ nhật, 12/01/2025 | English | Vietnamese
10:38:00 AM GMT+7Thứ 5, 21/11/2024
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đề xuất, cần tăng cường trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử trong trong ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu,...
Lợi dụng thương mại điện tử để lừa đảo ngày càng tinh vi, khó lường
Thương mại điện tử Việt Nam những năm qua đã có sự phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh phân phối và hiện là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số. Đặc biệt, từ sau đại dịch Covid-19, thương mại điện tử đã khẳng định được tính ưu việt trong việc thay đổi thói quen và hành vi mua sắm của người tiêu dùng...
Báo cáo Nền Kinh tế số Đông Nam Á lần thứ 9 do Google, Temasek và Bain & Company công bố ngày 12/11 cho thấy, đến nay ngành thương mại điện tử Việt Nam đã tăng trưởng 18% so với cùng kỳ năm 2023, với mức tổng giá trị hàng hóa chạm mốc 22 tỷ USD, trở thành động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế số Việt Nam.
Dù phát triển mạnh mẽ và mang lại nhiều tiện lợi cho người tiêu dùng, song Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) đánh giá, với cách thức mua hàng trên thương mại điện tử, các đối tượng lợi dụng hình thức này để kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ xuất xứ, hàng không đảm bảo chất lượng. Cùng đó, kênh thương mại điện tử bị lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với các hành vi này ngày càng tinh vi, khó lường cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động.
Theo kết quả hoạt động tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ giải quyết yêu cầu kiến nghị, khiếu nại của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, 9 tháng đầu năm 2024, cơ quan này đã tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại liên quan tới thương mại điện tử với 64 vụ việc trên tổng số 683 vụ việc, chiếm 9,4%, tăng cao hơn so với năm 2023 là 5,5%.
Đáng chú ý, thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường cho hay, 9 tháng đầu năm đã xử lý 2.014 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính lên tới 35,4 tỷ đồng và số tiền trị giá hàng hóa vi phạm là 29,4 tỷ đồng liên quan tới thương mại điện tử.
Tổ thương mại điện tử thuộc Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường kiểm tra kho hàng có dấu hiệu nhập lậu tại chung cư Eco Green. Ảnh: Hạ An |
Trong đó, vụ việc điển hình là Tổ thương mại điện tử thuộc Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường kiểm tra kho hàng có dấu hiệu nhập lậu tại chung cư Eco Green do một hot TikToker với hơn 4 triệu lượt theo dõi thường xuyên livestream bán trên sàn thương mại điện tử TikTok, Facebook. Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ hơn 10.000 chai nước hoa với các nhãn hiệu True Love, First Love, Mon Paris, Maiden, Karri… không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Lãnh đạo Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cho biết, hiện nay khung pháp lý của Nhà nước đã có đầy đủ quy định để quản lý, kiểm soát việc đảm bảo nguồn gốc, chất lượng hàng hóa bán trên các sàn thương mại điện tử. Tuy vậy, do nguồn lực của cơ quan chức năng có hạn nên nhiều trường hợp sai phạm vẫn lách luật.
Cùng đó, có tình trạng rất nhiều trường hợp người tiêu dùng bị lộ đơn hàng và số điện thoại, dẫn đến những cuộc gọi nhận hàng. Những cuộc gọi này nhằm đánh vào việc một số người mua hàng quen thuộc thường tin tưởng và chuyển khoản tiền vận chuyển hoặc tiền hàng cho người vận chuyển hàng khi không có mặt người nhận. Cuối cùng khách hàng vừa mất tiền mà không được nhận đúng sản phẩm mà mình mong muốn.
Vì vậy, cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho rằng, để tăng cường kiểm soát nguồn gốc, chất lượng hàng hóa bán trên sàn, cần có những giải pháp đồng bộ, hợp tác giữa các bên người bán hàng, người mua hàng và cơ quản quản lý nhà nước.
Tăng trách nhiệm các sàn thương mại điện tử
Trước hết, cần tăng cường trách nhiệm của các sàn giao dịch thương mại điện tử trong việc cấp phép đăng bán sản phẩm hàng hóa đã cung cấp đủ giấy tờ chứng minh về sản phẩm.
Kiểm tra những người bán hàng không thực hiện đúng những cam kết trong hợp đồng và các quy định trong quá trình kinh doanh, kiểm tra thực tế hàng hóa, đảm bảo kinh doanh hàng chính hãng, có nguồn gốc xuất xứ.
Các sàn phải đảm bảo các nhà bán hàng công khai thông tin của người bán và thông tin sản phẩm trên kênh bán hàng đầy đủ, chính xác về các mặt hàng. Có những xử phạt nghiêm khắc khi người bán hàng không thực hiện đủ việc cung cấp thông tin, đảm bảo việc bán những mặt hàng không trái với quy định.
Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cũng khuyến cáo người tiêu dùng không chia sẻ và tiết lộ những thông tin cá nhân, đặc biệt là các thông tin về đơn hàng của mình cho các đối tượng không liên quan, hoặc đối tượng có thể lợi dụng thông tin cá nhân để lừa đảo, xâm hại đến lợi ích của người tiêu dùng.
Trước khi thực hiện giao dịch, người tiêu dùng cần xác minh, tìm hiểu kỹ thông tin của đơn vị bán hàng; có thể thông qua các công cụ tìm hiểu, các giới thiệu, đánh giá về cửa hàng và sản phẩm… để tăng mức độ hiểu biết, hỗ trợ quyết định đặt hàng của mình.
Các đối tượng lợi dụng hình thức livetream bán hàng trên thương mại điện tử để kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhập lậu, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ. Ảnh: Hạ An |
Lựa chọn giao dịch mua hàng hóa, dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử có uy tín, đặc biệt là các sàn thương mại điện tử đã được Bộ Công Thương, cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận, cho phép hoạt động.
Cùng đó, khi mua hàng hóa nhất là trên môi trường thương mại điện tử, người tiêu dùng cần kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không làm tổn hại đến môi trường, trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của mình và của người khác; thực hiện chính xác, đầy đủ hường dẫn sử dụng hàng hóa, dịch vụ.
Người tiêu dùng cũng cần thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không đảm bảo an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
“Người tiêu dùng cũng có thể liên hệ với tổng đài viên của Tổng đài Tư vấn, hỗ trợ cho người tiêu dùng của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, đầu số 1800.6838, để được tư vấn các quy định pháp lý về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi thấy quyền lợi người tiêu dùng của mình bị xâm phạm” - Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khuyến cáo.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đã có quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong hoạt động bán hàng trong giao dịch từ xa tại các Điều 37,38,39. Theo đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải cung cấp chính xác và đầy đủ cho người tiêu dùng các nhóm thông tin như: Tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ của tổ chức, cá nhân kinh doanh, địa điểm dự kiến tổ chức bán hàng, nội dung chương trình bán hàng, phương thức bán hàng, giá và sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; niêm yết công khai thông tin về tổ chức, cá nhân kinh doanh và sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm tổ chức bán hàng; duy trì thông tin liên hệ, giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng trong và sau khi kết thúc bán, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực, chính xác về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và hoạt động của tổ chức, cá nhân kinh doanh,…. |
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global