VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 7, 18/01/2025 | English | Vietnamese

Trang chủTin tổng hợp'Tăng trưởng cao thực sự có ý nghĩa nếu không đi kèm lạm phát'

'Tăng trưởng cao thực sự có ý nghĩa nếu không đi kèm lạm phát'

05:26:00 PM GMT+7Thứ 6, 17/01/2025

Theo bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM, với mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8%, Việt Nam cần cảnh giác với các nguy cơ gây lạm phát bởi mức tăng trưởng cao chỉ thực sự có ý nghĩa nếu không đi kèm với áp lực lạm phát cao.

Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp lên mức tích cực

Theo Tổng cục Thống kê, kinh tế Việt Nam năm 2024 đã cán đích thành công với mức tăng trưởng ước đạt 7,09%, vượt chỉ tiêu 6,5 - 7% do Quốc hội đặt ra, trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,27%, đóng góp 5,37%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,24%, đóng góp 45,17%; khu vực dịch vụ tăng 7,38%, đóng góp 49,46%.

Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào nền kinh tế đã tích cực.

Thành tích năm 2024 tiếp tục nhờ vào những động lực tăng trưởng truyền thống. Nhìn vào tổng cầu, theo Tổng cục Thống kê (TCTK), kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt kỷ lục 405,53 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm 2023, vẫn chủ yếu đến từ các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) - với 290,8 tỷ USD kể cả dầu thô, tăng 12,2% so với năm 2023, chiếm 71,8% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước.

Cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 24,77 tỷ đô la. Trong đó, theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xuất siêu hàng hóa của khu vực FDI là 47,5 tỷ USD không kể dầu thô.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, năm 2024 tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phục hồi rõ nét.

"Quan trọng hơn, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và người dân vào triển vọng kinh tế trở nên tích cực hơn, thể hiện phần nào qua các con số như vốn FDI thực hiện đạt tới 25,35 tỷ USD, kiều hối ước đạt tới 16 tỷ USD", bà Minh nói.

Cơ hội lớn trong 2025

Hướng sang năm 2025, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh, kinh tế toàn cầu có thể đối mặt với khó khăn, thách thức trong bối cảnh gia tăng bất định, xung đột có thể diễn biến phức tạp ở nhiều khu vực.

Bên cạnh đó, giá hàng hóa có thể biến động đáng kể do hệ quả của các cú sốc về khí hậu, căng thẳng địa chính trị leo thang; cạnh tranh thương mại – công nghệ giữa các siêu cường gia tăng.

Kinh tế Việt Nam có thể có một số cơ hội quan trọng.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Các công nghệ mới (đặc biệt là trí tuệ nhân tạo) sẽ tiếp tục chuyển biến nhanh, qua đó có thể thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cải thiện năng suất lao động.

Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam có thể có một số cơ hội quan trọng.

Thứ nhất, xu hướng phát triển của khoa học – công nghệ có thể giúp thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng các ngành, hoạt động, sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng, khoa học – công nghệ cao hơn.

Thứ hai, Việt Nam sẽ tiếp hai tục có cơ hội để thu hút đầu tư nước ngoài. Cơ hội từ thu hút đầu tư nước ngoài có thể mở rộng không gian cho tăng trưởng kinh tế thông qua chuyển giao công nghệ.

Thứ ba, Việt Nam có thể có cơ hội gia tăng đáng kể năng suất lao động nhờ cải cách thể chế, trong đó có cải cách bộ máy và cải cách thủ tục hành chính.

Lo ngại tăng trưởng cao nhưng vĩ mô không ổn định

Dù vậy, Việt Nam cũng phải xử lý một số vấn đề, thách thức đối với tăng trưởng kinh tế trong năm 2025 như: Tăng trưởng kinh tế thế giới có thể phục hồi chậm, thậm chí suy giảm trong năm 2025; Sự phát triển nhanh của các công nghệ mới - bên cạnh các cơ hội to lớn - cũng đặt ra thách thức không nhỏ nếu Việt Nam không sớm hiện thực hóa một cách tiếp cận phù hợp.

"Với định hướng thu hút FDI chất lượng cao, đây là định hướng đúng đắn nhưng khó đạt được nếu không kịp thời cụ thể hóa các tiêu chí về chất lượng của dự án, phù hợp với định hướng phát triển của nền kinh tế", Viện trưởng CIEM đánh giá.

Lo ngại tăng trưởng cao nhưng vĩ mô không ổn định.

Đặc biệt là việc hiện thực hóa tăng trưởng cao là một yêu cầu quan trọng để Việt Nam hướng tới các mục tiêu phát triển đầy tham vọng vào năm 2030 và 2045, song chỉ thực sự có ý nghĩa nếu không đi kèm với áp lực lạm phát cao. 

Với mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8%, Việt Nam cần cảnh giác với các nguy cơ gây lạm phát, nếu không dù tăng trưởng cao nhưng kinh tế vĩ mô khó ổn định. Ngay cả Fed vừa rồi cũng đưa ra cảnh báo lạm phát toàn cầu có thể tăng trở lại vào năm 2025 và các quốc gia cần có biện pháp để kiềm chế.

Bà Minh nhấn mạnh, Chính phủ đã nhận diện không ít khó khăn, thách thức, như rủi ro về bẫy thu nhập trung bình, các yếu tố tạo động lực mới cho đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh,...

Với tâm thế ấy, các khó khăn, thách thức có thể trở thành “áp lực tích cực” để Việt Nam quyết liệt hơn trong việc thực hiện các cải cách kinh tế có tính căn bản hơn, tập trung vào đổi mới, sáng tạo và hội nhập để nền kinh tế có thể hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm 2025 và các thập niên tiếp theo, TS. Minh đánh giá.

TheoKỳ Thư (Tạp chí điện tử Đầu tư Tài chính)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global