VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 7, 18/01/2025 | English | Vietnamese

Trang chủTin tổng hợpTừ nhận xét thẳng thắn của Tổng Bí thư về số liệu ngành công nghệ số: Không nên tự huyễn hoặc mình

Từ nhận xét thẳng thắn của Tổng Bí thư về số liệu ngành công nghệ số: Không nên tự huyễn hoặc mình

05:27:00 PM GMT+7Thứ 6, 17/01/2025

Nghe bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại diễn đàn phát triển công nghệ số, có lẽ không chỉ riêng tôi mà nhiều "người trong cuộc" cảm thấy mình được đặt trước một tấm gương phản chiếu đầy thẳng thắn và sâu sắc. Những con số đẹp đẽ về xuất khẩu điện thoại, linh kiện máy tính, phần mềm, hay vị thế toàn cầu trong ngành công nghệ số bỗng chốc được nhìn bằng một lăng kính khác – lăng kính của sự thật.

 
Tổng Bí thư Tô Lâm. Ảnh: Dangcongsan.vn

Tổng Bí thư đã không né tránh mà trực diện nêu lên vấn đề: Những thành tựu này liệu có thực sự là của chúng ta, hay chỉ là những chiếc áo đẹp che giấu một sự phụ thuộc dai dẳng?

Nhìn thẳng vào bản chất của "những con số hoành tráng"

Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại thông minh, nhưng như Tổng Bí thư đã chỉ ra, 89% linh kiện điện thoại là nhập khẩu. Samsung – gã khổng lồ công nghệ hàng đầu thế giới – đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam, nhưng trong danh sách hàng trăm đối tác cấp I cung ứng cho tập đoàn này, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ nhoi, và phần lớn cung cấp những dịch vụ giá trị thấp như an ninh, suất ăn, xử lý rác thải...

Con số xuất khẩu hàng trăm tỷ USD liệu có ý nghĩa nếu giá trị gia tăng chúng ta tạo ra chỉ giới hạn ở công lao động rẻ và cái giá phải trả là môi trường ô nhiễm?

Tự hào mà không nhìn sâu vào bản chất, có phải chúng ta đang tự huyễn hoặc mình? Câu hỏi của Tổng Bí thư khiến nhiều người suy nghĩ mãi, bởi nó không chỉ là lời cảnh tỉnh cho ngành công nghệ mà còn là bài học cho cả nền kinh tế.

Những điểm yếu cốt lõi cần nhìn thẳng

Tổng Bí thư đã chỉ ra ba bất cập lớn cản trở sự phát triển bền vững của ngành công nghệ số, mà thực sự đó là những cản trở cốt yếu.

Thứ nhất chính lạ sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Năng lực nghiên cứu phát triển (R&D) của Việt Nam còn rất hạn chế, khiến các doanh nghiệp trong nước không thể tự chủ trong chuỗi giá trị. Đây là lý do tại sao dù tham gia sản xuất hàng loạt sản phẩm công nghệ tiên tiến, chúng ta chỉ đứng ở phần đáy của chuỗi giá trị, làm gia công cho nước ngoài.

Thứ hai không thể chối cãi là việc thiếu hụt nhân tài công nghệ cao. Việt Nam chưa có những chính sách đủ mạnh để thu hút và giữ chân nhân tài. Thực tế, nhiều kỹ sư và chuyên gia hàng đầu đã rời bỏ đất nước để tìm kiếm cơ hội tốt hơn ở nước ngoài.

Thứ ba cần đánh giá đúng bản chất sự đóng góp hạn chế của khu vực FDI. Trên 80% doanh nghiệp FDI tại Việt Nam sử dụng công nghệ trung bình, 14% sử dụng công nghệ lạc hậu, và chỉ 5% sử dụng công nghệ cao. Điều này khiến khu vực FDI, dù đóng góp lớn về giá trị xuất khẩu, lại không thực sự thúc đẩy sự tiến bộ khoa học và công nghệ nội địa.

Lời giải từ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Những giải pháp đột phá đã được Nghị quyết của Bộ Chính trị đưa ra, được cụ thể hoá trong Chương trình hành động của Chính phủ công bố ngày 13/1. Trong tâm thế tiếp nhận những nhận xét trực diện của Tổng bí thư, có lẽ "chìa khóa" để đưa Việt Nam thoát khỏi vòng luẩn quẩn "gia công - lắp ráp" chính là các nhóm việc sau:

• Đầu tư mạnh mẽ vào R&D:

Chính phủ cần ưu tiên nguồn lực cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, xây dựng các trung tâm nghiên cứu công nghệ quốc gia và khuyến khích sự tham gia của khối tư nhân trong hoạt động này.

• Chuyển đổi số toàn diện:

Tăng cường ứng dụng công nghệ số không chỉ trong doanh nghiệp mà cả trong quản lý nhà nước, giáo dục, y tế và nông nghiệp. Đề án 06 của Chính phủ về dữ liệu dân cư và dịch vụ công trực tuyến là một ví dụ tiêu biểu cần nhân rộng.

• Thu hút FDI có chọn lọc:

Việt Nam cần ưu tiên các dự án FDI sử dụng công nghệ cao, có khả năng lan tỏa và chuyển giao công nghệ. Những dự án chỉ mang tính chất "lắp ráp" hoặc gây ô nhiễm môi trường nên bị loại bỏ.

• Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao:

Cần có chính sách đào tạo và thu hút nhân tài, kết hợp giữa việc cải cách giáo dục, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và tạo môi trường làm việc thuận lợi cho các chuyên gia.

• Khuyến khích đổi mới sáng tạo:

Xây dựng các mô hình "sandbox" như Singapore để thử nghiệm chính sách, khuyến khích các doanh nghiệp startup công nghệ.

Hy vọng và hành động

Không phải lần đầu, nhiều người dù sốc nghe các nhận xét trực diện của lãnh đạo cấp cao song đều chung niềm tin rằng "nói được nghĩa là làm được". Lời cảnh tỉnh của Tổng Bí thư không chỉ là sự nhìn thẳng vào sự thật, mà còn là lời kêu gọi hành động. Để Việt Nam vươn lên thành một quốc gia công nghệ tiên tiến, chúng ta cần sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân.

Không nên tự huyễn hoặc mình bằng những con số hoành tráng. Thay vào đó, hãy dũng cảm đối mặt với những bất cập, tận dụng cơ hội từ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để đưa Việt Nam thoát khỏi vị trí gia công và vươn lên đỉnh cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.

TheoLam Sơn (Tạp chí điện tử Nhà đầu tư)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global