VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 6, 29/11/2024 | English | Vietnamese

Trang chủTin tổng hợpTháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực cho tăng trưởng và phát triển

Tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực cho tăng trưởng và phát triển

11:33:00 AM GMT+7Thứ 6, 08/11/2024

Nhấn mạnh Ban Chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án có sứ mệnh và vai trò rất quan trọng, thực hiện nhiệm vụ khó, phức tạp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, điều này đòi hỏi các thành viên Ban Chỉ đạo phải rất quyết tâm, bản lĩnh, làm việc chuyên nghiệp… để thực hiệu quả được các yêu cầu, nhiệm vụ được giao, tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực cho tăng trưởng và phát triển.

 
Tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực cho tăng trưởng và phát triển- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo được thành lập, triển khai nhiệm vụ có sứ mệnh rất nặng nề, phải phát hiện ra những "điểm nghẽn" pháp luật để sửa đổi, bổ sung; Ban Chỉ đạo "phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết" - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Chiều 7/11, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án (Ban Chỉ đạo) chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo.

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung đã công bố Quyết định số 1250/QĐ-TTg ngày 23/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo. 

Theo Quyết định số 1250, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình làm Trưởng Ban Chỉ đạo; Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng làm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; các thành viên Ban Chỉ đạo là lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.

Không hình sự hóa nhưng cũng không hợp pháp hóa sai phạm

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, các yêu cầu, nhiệm đặt ra về phát triển kinh tế-xã hội đòi hỏi phải có những giải pháp mới, đột phá, quyết liệt hơn, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển.

"Một trong những điểm nghẽn rất lớn cần tập trung tháo gỡ đó là các dự án đang vướng mắc, tồn động. Có dự án tồn tại 5 năm, dự án 10 năm, có những dự án còn lâu hơn nữa… Ví dụ, chỉ qua rà soát sơ bộ của Bộ KH&ĐT, hiện có khoảng 160 dự án BT chuyển tiếp đang gặp vướng mắc, nguồn lực bị tồn đọng khoảng 59.000 tỷ đồng, quỹ đất đối ứng khoảng 20.000 ha. Từ sự phân tích này, có thể thấy đây là sự lãng phí rất lớn. Nếu được tập trung tháo gỡ sẽ tạo ra nguồn lực lớn cho đất nước, góp phần tăng thu ngân sách, cứu được nhiều doanh nghiệp…", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu và cho rằng, để tháo gỡ được đòi hỏi quyết tâm chính trị phải rất cao, nỗ lực phải rất lớn, phải có đủ bản lĩnh chính trị. Tháo gỡ những vướng mắc nên theo tinh thần không hình sự hóa các sai phạm, nhưng cũng không hợp pháp hóa các sai phạm.

Nhấn mạnh việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án có phạm vi rộng, tính chất phức tạp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các thành viên Ban Chỉ đạo là lãnh đạo một số bộ, ngành chức năng như: TN&MT, Xây dựng, Tài chính, Y tế, Thanh tra Chính phủ… đề xuất cách làm trước hết là tập trung thống kê các dự án; tổng hợp các dự án đang gặp vướng mắc, tồn động, từ đó xác định nguyên nhân, trách nhiệm, đề xuất giải pháp với các cơ quan có thẩm quyền để tháo gỡ, giải quyết theo từng nhóm dự án, vấn đề cụ thể.

Tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực cho tăng trưởng và phát triển- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nếu tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án thì sẽ tạo ra nguồn lực lớn cho đất nước, góp phần tăng thu ngân sách, cứu được nhiều doanh nghiệp… - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy đề xuất nên tập trung vào các nhóm lĩnh vực có nhiều dự án còn tồn động kéo dài, nhất là trong lĩnh vực bất động sản, các dự án năng lượng tái tạo… và tập trung rà soát, làm điểm ở các địa phương là các tỉnh, thành phố lớn có nhiều dự án tồn đọng, vướng mắc cần xử lý.

Một số ý kiến đề xuất, mỗi thành viên Ban Chỉ đạo cũng nên thành lập một tổ công tác hoặc tổ giúp việc để làm đầu mối nắm bắt thông tin, phối hợp công tác giữa các thành viên Ban Chỉ đạo trong tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đang gặp vướng mắc cần xem xét tháo gỡ, xử lý.

Khơi thông nguồn lực cho tăng trưởng và phát triển

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức song chúng ta kiên định đặt ra yêu cầu về tăng trưởng cao. Do đó, phải khai thác, phát huy tối đa, hiệu quả các nguồn lực trong nền kinh tế cho tăng trưởng và phát triển.

Tuy nhiên hiện nay còn một nguồn lực rất lớn đang bị lãng phí, tồn đọng trong nhiều dự án tại các địa phương trên cả nước; có dự án đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa được xử lý, tháo gỡ. Trung ương nêu rõ yêu cầu là phải tập trung xử lý, tháo gỡ những tồn tại, hạn chế, vướng mắc kéo dài, khơi thông nguồn lực từ những dự án ách tắc cho thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Các nguồn lực đang bị lãng phí, tồn đọng trong nhiều dự án nếu được tháo gỡ, khơi thông hiệu quả sẽ đóng góp lớn cho tăng trưởng và phát triển của các các địa phương và cả nước, góp phần quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, năm 2025 và thời gian tới.

Tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực cho tăng trưởng và phát triển- Ảnh 3.

Phó Thủ tướng đồng ý với đề xuất cần thành lập các tổ giúp việc của các thành viên Ban Chỉ đạo ở các bộ, ngành để phối hợp công tác, tham mưu cho các thành viên Ban Chỉ đạo - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

"Ban Chỉ đạo được thành lập, triển khai nhiệm vụ có sứ mệnh rất nặng nề. Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo không chỉ rà soát, tháo gỡ, tham mưu với Đảng, Quốc hội, Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, gỡ rối cho các dự án mà còn phải phát hiện ra những 'điểm nghẽn' pháp luật để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật", Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh và nêu rõ yêu cầu đối với Ban Chỉ đạo là "Phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết".

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu, Bộ KH&ĐT với tư cách là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo tiếp thu ý kiến phát biểu của các thành viên Ban Chỉ đạo để bổ sung, hoàn thiện Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo; xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ công tác sát yêu cầu thực tiễn, trong đó có lựa chọn lĩnh vực cần tập trung xử lý, tháo gỡ theo thứ tự ưu tiên, trước hết tập trung vào lĩnh vực BT, năng lượng, bất động sản,…

Phó Thủ tướng Thường trực đồng ý với quan điểm, đề xuất cần thành lập các tổ giúp việc của các thành viên Ban Chỉ đạo ở các bộ, ngành để phối hợp công tác, tham mưu cho các thành viên Ban Chỉ đạo. Tuy nhiên, các tổ giúp việc được thành lập phải tinh gọn, bảo đảm chất lượng, năng lực cán bộ tham gia tổ giúp việc.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo sớm hoàn thiện mẫu Báo cáo để các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào đó báo cáo theo các yêu cầu, nội dung công việc liên quan đến việc rà soát, xử lý các dự án, nhóm dự án tồn động, vướng mức cần tháo gỡ.

TheoBáo Chính phủ
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global