Mặc dù, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may, da giày chiếm tỷ lệ cao trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước, nhưng giá trị đóng góp của các doanh nghiệp trong nước vẫn còn hạn chế. Vì vậy, về lâu dài, Việt Nam cần có Trung tâm giao dịch và phát triển cung ứng nguyên, phụ liệu nhằm phát triển bền vững.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại với Hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 8/2024 với chủ đề “Trao đổi về Đề án thành lập Trung tâm thương mại quốc tế và phát triển nguyên, phụ liệu ngành thời trang. Vai trò của cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài,” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 5/9, tại Hà Nội.
Hóa giải bài toán làm gia công
Theo đại diện Bộ Công Thương, dệt may và da giày là hai ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu luôn tăng trưởng qua các năm, mức tăng bình quân trên 10%/năm. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu da giày lớn thứ hai và xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ ba thế giới.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, dù vẫn chịu ảnh hưởng lớn của suy giảm kinh tế toàn cầu, tổng kim ngạch xuất khẩu 2 ngành vẫn đạt gần 30 tỷ USD, chiếm gần 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và tạo ra gần 5 triệu công ăn việc làm, chiếm 22% lao động ngành công nghiệp Việt Nam.
Tuy vậy, theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục công nghiệp (Bộ Công Thương), ngành dệt may-da giày Việt Nam vẫn tập trung ở khâu gia công, tạo giá trị gia tăng thấp. Nguồn nguyên, vật liệu và phụ kiện chủ yếu nhập khẩu từ thị trường ngoài nước (Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước ASEAN khác).
Số liệu của Tổng Cục Hải quan cho thấy trong nửa đầu năm 2024, nhập khẩu nguyên phụ liệu nhóm ngành dệt may-da giày sơ bộ đạt 13,42 tỷ USD, tăng khoảng 14% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, vải đạt 7,24 tỷ USD; xơ sợi dệt các loại đạt 1,28 tỷ USD; bông các loại đạt 1,49 tỷ USD; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày đạt 3,41 tỷ USD.