Thứ 2, 25/11/2024 | English | Vietnamese
02:13:00 PM GMT+7Thứ 3, 19/11/2024
JPMorgan Chase nắm giữ khoảng một nửa tổng tài sản giao dịch toàn ngành với 506 tỷ USD tính tới cuối quý III/2024, tăng đáng kể so với mức 329 tỷ USD hồi đầu năm.
Khối lượng tài sản giao dịch của các ngân hàng Mỹ đã vượt mốc 1.000 tỷ USD trong quý III/2024, đạt mức cao nhất trong hơn 16 năm và gần chạm kỷ lục mọi thời đại ghi nhận trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Theo đó, con số này tiệm cận đỉnh hơn 1.000 tỷ USD ghi nhận hồi quý I/2008, chỉ vài tháng trước khi bong bóng nhà đất vỡ dẫn đến cuộc khủng hoảng tín dụng, làm sụp đổ thị trường và đẩy kinh tế Mỹ vào một cuộc suy thoái trầm trọng.
Ông Bill Moreland, người đứng đầu BankRegData - công ty chuyên theo dõi dữ liệu ngân hàng dựa trên báo cáo từ Tập đoàn bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC), nhận định các ngân hàng đang chuyển dòng tiền từ trạng thái rảnh rỗi sang giao dịch. Họ đặt cược vào tài sản tài chính thay vì hoạt động cho vay hoặc nền kinh tế, vì đó là nơi họ nhìn thấy lợi nhuận.
Hoạt động giao dịch vẫn tập trung chủ yếu ở các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ. JPMorgan Chase nắm giữ khoảng một nửa tổng tài sản giao dịch toàn ngành với 506 tỷ USD tính tới cuối quý III/2024, tăng đáng kể so với mức 329 tỷ USD hồi đầu năm. Xu hướng tăng trưởng này cũng xuất hiện ở các ngân hàng lớn khác như Citigroup, Bank of America và Wells Fargo. Goldman Sachs và Morgan Stanley, hai ngân hàng có mô hình kinh doanh phụ thuộc nhiều hơn vào hoạt động trên Phố Wall, cũng ghi nhận tài khoản giao dịch ở mức cao nhất trong nhiều năm.
Phân tích chi tiết cho thấy danh mục cổ phiếu phổ thông ghi nhận mức tăng mạnh nhất trên toàn ngành ngân hàng. Trong kỳ báo cáo, lượng cổ phiếu do JPMorgan nắm giữ đã tăng hơn gấp đôi, từ 85 tỷ USD hồi đầu năm lên 190 tỷ USD.
Song giới chuyên gia cảnh báo dù đà tăng trưởng này mang lại cơ hội lợi nhuận, nó cũng khiến các ngân hàng - đặc biệt là những ngân hàng lớn - dễ bị ảnh hưởng bởi biến động thị trường, do họ nắm giữ lượng lớn chứng khoán nhạy cảm với giá cả. Mức độ rủi ro hiện tại cao hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Tuy nhiên, giới lãnh đạo ngân hàng và các nhà phân tích cho rằng mức độ rủi ro hiện thấp hơn đáng kể so với trước khủng hoảng. Họ lập luận rằng phần lớn hoạt động giao dịch hiện nay là theo yêu cầu của khách hàng hoặc hỗ trợ giao dịch cho khách hàng, không phải đầu tư mạo hiểm. Luật Dodd-Frank cùng các quy định hậu khủng hoảng năm 2008 đã hạn chế khả năng đầu cơ của ngân hàng và bảo vệ tiền gửi của người dân. Đánh giá VaR (ước tính mức lỗ tiềm năng hàng ngày trên thị trường) hiện chỉ bằng khoảng một nửa so với trước khủng hoảng.
Và mặc dù khối lượng tài sản được giao dịch tăng mạnh, chúng chỉ chiếm 4% tổng tài sản của ngành ngân hàng, bằng khoảng một nửa tỷ lệ ghi nhận năm 2008.
Chuyên gia phân tích ngân hàng kỳ cựu Christopher Whalen của Institutional Risk Analyst nhận định hoạt động kinh doanh chính của các ngân hàng hiện nay là bán chứng khoán và đầu tư, chứ không phải tự nắm giữ những chứng khoán đó. Nhưng hoạt động giao dịch đang tăng và các ngân hàng không thể bán hết tất cả những gì họ muốn.
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global