Thứ 3, 14/01/2025 | English | Vietnamese
04:34:00 PM GMT+7Thứ 2, 13/01/2025
Mới đây, nhân bàn về câu chuyện kinh tế cuối năm, một người bạn tôi đã buột miệng hỏi: '...bao giờ xuất nhập khẩu cao ngang được như thu vé số?'.
Nguồn lực cần tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế
Trong sự ngỡ ngàng của mọi người có mặt, anh bạn này đã dẫn chứng về số liệu xuất nhập khẩu cả năm của một tỉnh phía nam với con số năm 2024 là 314 tỷ đồng. Mặc dù đã vượt rất xa dự toán nhưng con số này chẳng thấm vào đâu so với con số 2.220 tỷ đồng thu từ bán vé số. Không những vậy những tấm vé số được bán ra đã bảo đảm đến gần 40% thu ngân sách của tỉnh này.
Cần nói thêm là địa phương này cũng được coi là một trong các thủ phủ về xuất khẩu tôm với kim ngạch lên đến tỷ USD.
Có người bảo, tiền nào chả là “tiền”, có được nguồn thu là tốt quá đi. Nhưng nhìn đi ngó lại rõ ràng trong câu chuyện liên quan đến các con số biết nói ở trên có rất nhiều điều đáng suy ngẫm. Bên cạnh chuyện ổn định được nguồn thu thì rõ ràng không thể không bàn đến câu chuyện để nguồn tiền chảy được vào những chỗ có thể tạo ra những giá trị gia tăng, tạo thế bền vững cho tăng trưởng, cho phát triển của một địa phương. Mà địa phương phát triển bền vững thì câu chuyện cả nước phát triển bền vững mới thực sự đầy đủ ý nghĩa.
Trên một trang báo điện tử cách đây ít hôm có đăng phỏng vấn một chuyên gia kinh tế. Trong câu chuyện với phóng viên, vị chuyên gia này thẳng thắn nhìn nhận một thực tế đáng lo hiện nay là nguồn lực trong nước có xu hướng tìm kiếm lợi nhuận từ chênh lệch giá trên thị trường tài sản, thay vì đầu tư vào sản xuất. Việc một cá nhân mua bất động sản giá thấp, bán bất động sản giá cao để làm giàu là chính đáng, bình thường, nhưng điều đó lại không tạo ra giá trị gia tăng nào cho xã hội. Giá trị gia tăng phải đến từ sản xuất và giao thương với bên ngoài.
Nếu như hiểu đúng ý kiến của vị chuyên gia này thì có thể đang tồn tại một mâu thuẫn là trong khi nền kinh tế đang rất cần tối đa hóa nguồn lực để tạo ra các giá trị gia tăng, xa hơn là tạo sức cạnh tranh, sức chống chịu thì các nguồn lực này lại bị tối đa hóa mang tính cục bộ, cá nhân. Hệ quả ở đây là nguồn lực, kể cả nguồn lực cá nhân bị lãng phí một cách đáng tiếc trong khi tiềm năng lợi thế địa phương không được phát huy.
Cần có các chính sách tốt để các nguồn lực phục vụ đắc lực cho nền kinh tế. Ảnh minh họa. |
Hóa ra câu chuyện thu ngân sách của địa phương được dẫn ra ở trên chính là minh chứng cho lời chia sẻ của vị chuyên gia kinh tế. Thực trạng này không phải đến hôm nay chúng ta mới nhận ra, mới chứng kiến. Đây đó vẫn có vẻ bằng lòng để có được những con số có thể làm đẹp cho các trang báo cáo, làm tươi tắn không khí các hội nghị tổng kết. Thế nhưng phía sau những tràng vỗ tay, khi các hội nghị đã mãn thì nền kinh tế địa phương, nền kinh tế cả nước vẫn còn nguyên một câu hỏi lớn là các nguồn lực trong nước sẽ còn cần phải đi như thế nào để thực sự tạo ra được sự tăng trưởng và phát triển bền vững cũng như những giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
Không để lãng phí các nguồn lực
Rõ ràng là câu chuyện để các nguồn lực phát huy được các vai trò tích cực hơn, đóng góp thực chất hơn cho tăng trưởng không chỉ là góp phần chống lãng phí như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra mà còn tạo dựng một ý thức, một tư duy mới từ nhà quản lý, người làm chính sách đến từng người dân.
Điều này càng trở nên cấp bách hơn khi các nguồn lực của chúng ta trên thực tế chưa hẳn đã là dư giả. Việc nền kinh tế tối đa hóa được các nguồn lực không thể thiếu đi các chính sách thông minh, ý thức chung của chúng ta của các doanh nghiệp và từng người dân. Những chính sách đó ở tầm vĩ mô đã rất cần nhưng ở cấp địa phương lại càng cần hơn bởi tới đây việc phân cấp cho địa phương sẽ còn được tiến hành mạnh mẽ hơn. Để từ đó địa phương phát huy được vai trò, trách nhiệm, tiềm năng của mình, các tiểu vùng, các vùng lan tỏa được các tiềm năng đó cho bài toán tăng trưởng và phát triển trên quy mô cả nước.
Trở lại nỗi niềm trăn trở của người bạn chúng tôi với câu hỏi bao giờ xuất nhập khẩu cao ngang thu vé số cũng như sự chia sẻ của vị chuyên gia kinh tế nọ. Ở đây mẫu số chung là chúng ta cần thay đổi ý thức theo đó cần quan tâm hơn đến chất lượng nguồn thu hơn là số lượng nguồn thu. Bởi nguồn lực có được đó cần biến thành các động năng mới cho nền kinh tế cũng như là thể hiện được các chỉ dấu cho những giá trị gia tăng mới của nền kinh tế.
Đó hẳn là cách để chúng ta có được sự kiên nhẫn trong việc tạo lập nền tảng vững chắc cho một không gian tăng trưởng dài hạn.
Khi các nguồn lực phát huy được các vai trò tích cực hơn, đóng góp thực chất hơn cho tăng trưởng không chỉ là góp phần chống lãng phí mà còn tạo dựng một ý thức, một tư duy mới từ nhà quản lý, người làm chính sách đến từng người dân, doanh nghiệp trong việc chung tay tạo dựng sức cạnh tranh của nền kinh tế, từ đó thoát ra khỏi cái bẫy thu nhập trung bình. |
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global