VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 2, 27/01/2025 | English | Vietnamese

Trang chủTin tổng hợpViệt Nam đã tham gia 20 FTA, nghiên cứu đàm phán các FTA mới

Việt Nam đã tham gia 20 FTA, nghiên cứu đàm phán các FTA mới

10:30:00 AM GMT+7Thứ 4, 08/01/2025

Việt Nam đã tham gia 20 FTA, trong đó 16 FTA đang thực thi, 1 FTA với các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất đã ký kết, đang chờ phê chuẩn, cùng đó đang nghiên cứu thiết lập FTA với Qatar, Ả Rập Xê Út...

 
Tan.jpg
Thứ trưởng Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2024 tại Bộ Ngoại giao.

Thông tin được đại diện Bộ Công thương đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 của Bộ Ngoại giao.

Đánh giá về tình hình hội nhập kinh tế quốc tế, mở đường cho xuất nhập khẩu hàng hóa và thúc đẩy đầu tư, phát triển kinh tế, Thứ trưởng Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nói, bối cảnh quốc tế ngày càng có nhiều diễn biến khó lường, xu hướng bảo hộ mậu dịch  nổi lên ở nhiều nước và khu vực, nhưng Việt Nam vẫn kiên định thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Kết quả rõ rệt nhất là quá trình hội nhập kinh tế được tiếp tục thúc đẩy cả về phạm vi và mức độ thực chất, qua đó góp phần giúp tăng trưởng xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục.

Tổng cục Hải quan xác nhận, hết năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước vượt 786 tỷ USD, trong đó xuất khẩu lần đầu tiên vượt ngưỡng 400 tỷ USD, nhập khẩu 380,7 tỷ USD, xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp với 24,7 tỷ USD.

Theo ông Tân, năm qua, Việt Nam tiếp tục đàm phán, ký kết và thực thi nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng như chủ động tham gia nhiều cơ chế hợp tác đa phương như APEC, G7, G20, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF)... 

Đến nay, Việt Nam đã tham gia 20 FTA, trong đó có 16 FTA đã có hiệu lực và đang được thực thi. Riêng năm 2024, Việt Nam hoàn tất việc ký kết FTA giữa Việt Nam và các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (CEPA), hoàn tất quá trình đưa Nghị định thư về việc Vương quốc Anh gia nhập Hiệp định CPTPP và đưa FTA với Israel vào thực thi.

“3 Hiệp định này đều thể hiện vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam trong thúc đẩy các mối liên kết mới, riêng với Vương quốc Anh, Việt Nam đã thúc đẩy thông qua tổ chức Phiên đàm phán cuối cùng tại Việt Nam và thuộc nhóm nước tham gia phê chuẩn đầu tiên", ông Tân nói.

Với Hiệp định CEPA, Việt Nam đề xuất đàm phán và hoàn thành ký kết trong khoảng thời gian nhanh nhất từ trước đến nay. 

Không dừng lại ở các FTA kể trên, đại diện Bộ Công thương cho biết, Việt Nam đang tiếp tục  nghiên cứu và tìm kiếm cơ hội thiết lập thêm các FTA khác như: FTA với Ai Cập, FTA với Ả Rập Xê Út, FTA với Qatar, FTA với Pakistan để thúc đẩy thương mại và kinh tế hơn nữa trong thời gian tới nếu điều kiện cho phép.

Năm 2025 dự báo thế giới sẽ tiếp tục có những biến động địa chính trị đặc biệt phức tạp, ảnh hưởng đến kinh tế và thương mại toàn cầu, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng về thương mại, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế một cách sâu rộng và toàn diện như: Thực thi hiệu quả các FTA đã có và chủ động tham gia các cơ chế đa phương, các diễn đàn kinh tế quốc tế và khu vực như: APEC, ASEM, G7, G20, WEF...

Cùng đó, khai thác hiệu quả lợi ích các FTA mà Việt Nam đã ký kết làm động lực để phát triển xuất nhập khẩu cả về lượng và chất, sớm đưa Hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA (FTA Ecosystem) đi vào hoạt động và triển khai Bộ chỉ số đánh giá kết quả triển khai các FTA (FTA Index).

Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, xuất khẩu năm 2025 đặt mục tiêu tăng trưởng 12%, Bộ Công thương sẽ phối hợp với cơ quan liên quan để nghiên cứu tính khả thi của việc đàm phán các FTA, thỏa thuận về tạo thuận lợi thương mại song phương và đa phương với các đối tác mới có tiềm năng, góp phần mở rộng mạng lưới thương mại tự do của Việt Nam, đặc biệt với các thị trường chiến lược và tiềm năng.

TheoHải Yến (Báo Đầu tư)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global