VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 6, 27/12/2024 | English | Vietnamese

Trang chủTin tổng hợpĐứng Top thế giới về tài sản số nhưng Việt Nam chưa có quy định rõ ràng

Đứng Top thế giới về tài sản số nhưng Việt Nam chưa có quy định rõ ràng

10:23:00 AM GMT+7Thứ 2, 02/12/2024

Việt Nam được cho là đứng thứ 2 thế giới về lượng người sở hữu tài sản số với khoảng 20 triệu người nhưng hiện nay luật hiện hành chưa có quy định rõ ràng về nhà cung cấp dịch vụ này.

Đây là vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và tham gia thảo luận về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Tham gia ý kiến, đại biểu Hoàng Minh Hiếu (đoàn Nghệ An) cho biết, rất cần thiết phải quy định về tài sản số (Điều 14) trong dự thảo luật. Hiện nay, qua các báo cáo nghiên cứu, thống kê đều cho thấy là Việt Nam đang đứng thứ 2 thế giới về tỷ lệ người sở hữu tài sản số, với khoảng 20 triệu người sở hữu tài sản số và hằng năm có khoảng 120 tỷ USD tiền mã hóa được đổ vào Việt Nam.

Do đó, đại biểu cho rằng, nếu không có khung khổ pháp lý cho hình thức sở hữu này thì sẽ bỏ qua một mảng rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế số. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần phải tiếp tục hoàn thiện các quy định về tài sản số, trong đó chú ý đến một số vấn đề.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu. Ảnh: QH

Thứ nhất, cần phải có sự phân loại cụ thể tài sản số để có những phương án quản lý khác nhau. Ví dụ như đối với tiền mã hóa thì có những quy định khác, tài sản số đại diện hoặc tài sản ảo trong hệ sinh thái kỹ thuật số thì cũng phải có những quy định khác nhau. Ở Trung Quốc đã cấm hoàn toàn các giao dịch đối với tiền mã hóa nhưng lại cho phép giao dịch đối với một số tài sản số khác.

Thứ hai, dự thảo còn thiếu các quy định làm rõ trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ tài sản số, qua đó tăng cường việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Qua kinh nghiệm của các nước cho thấy đây là một nội dung rất quan trọng, chẳng hạn như pháp luật của Liên minh châu Âu (EU) đặt ra những quy định rất cụ thể về trách nhiệm của nhà phát hành tài sản số, như phải đăng ký hoạt động, phải cam kết chịu trách nhiệm pháp lý đối với các sản phẩm được phát hành và các nền tảng giao dịch và lưu trữ tài sản số phải được cấp phép hoạt động và phải duy trì bảo mật thông tin cũng như minh bạch trong quá trình giao dịch.

Đồng quan điểm, đại biểu Tráng A Tủa (đoàn Điện Biên) nêu rõ, cần định nghĩa rõ ràng hơn về tài sản số tại Điều 14, bổ sung thêm các ví dụ về tài sản số như tài sản trí tuệ số NFT, tiền mã hóa và tài sản số liên quan đến dữ liệu lớn. Điều này giúp minh họa phạm vi áp dụng và tránh gây hiểu lầm.

Đại biểu đề xuất sửa đổi theo hướng tài sản số bao gồm nhưng không giới hạn các loại tài sản như quyền sở hữu trí tuệ được số hóa, tài sản phi tập trung NFT, tiền mã hóa và dữ liệu số có giá trị kinh tế.

Tại khoản 2 về tài sản mã hóa, đại biểu đề nghị làm rõ hơn sự khác biệt giữa tài sản mã hóa và các tài sản số khác, tài sản mã hóa có thể bao gồm cả các token tiện ích và token chứng khoán.

Về tiêu chí xác định tài sản số tại Điều 15, đại biểu cho biết, hiện nay tiêu chí minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình được nhắc đến nhưng chưa nêu rõ ràng cơ chế đảm bảo. Do đó, đề nghị bổ sung nội dung yêu cầu các giao dịch tài sản số phải bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ quyền của người tiêu dùng, theo hướng các giao dịch tài sản số phải đảm bảo quyền tiếp cận thông tin minh bạch, dễ hiểu đối với người tiêu dùng cũng như cung cấp cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp.

Cần quy định rõ trách nhiệm nhà cung cấp dịch vụ tài sản số. Ảnh minh họa/AI

Về nguyên tắc quản lý tài sản số tại Điều 16, đại biểu đánh giá cần làm rõ các giai đoạn của vòng đời tài sản số, ví dụ như tạo lập, giao dịch, lưu trữ, hủy bỏ và trách nhiệm pháp lý tại từng giai đoạn. Điều này giúp cơ quan quản lý có cơ sở theo dõi và kiểm soát hiệu quả hơn.

Về trách nhiệm quản lý Nhà nước về tài sản số tại Điều 17, đại biểu cho rằng nên bổ sung danh mục các cơ quan chịu trách nhiệm chính trong từng lĩnh vực. Ví dụ, Bộ TT&TT chịu trách nhiệm xây dựng khung pháp lý liên quan đến công nghệ số, Bộ Tài chính quản lý các khía cạnh thuế, tài chính, NHNN giám sát các hoạt động tài chính số.

Tham gia ý kiến, đại biểu Bế Trung Anh (đoàn Trà Vinh) cho biết, hiện nay, Việt Nam đã có xã hội số, Chính phủ số và đặc biệt có kinh tế số. Chúng ta muốn có kinh tế số lành mạnh thì các giao dịch kinh tế số phải dựa vào các quy định của pháp luật. Trong luật này đã định nghĩa về tài sản số, nhưng đại biểu đánh giá cần có định nghĩa về tiền số để quản lý.

Phát triển AI phải đảm bảo quyền riêng tư

Một lĩnh vực khác cũng được nhiều đại biểu Quốc hội cũng quan tâm là trí tuệ nhân tạo (AI). Việc ứng dụng AI đang diễn ra với tốc độ rất nhanh chóng và có những lợi ích nhưng cũng tồn tại rất nhiều vấn đề.

Việc thúc đẩy phát triển của AI tại Điều 65 dự thảo luật đã phân loại hệ thống AI tạo thành 3 loại là rủi ro cao, tác động cao và rủi ro thấp.

Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị cần bổ sung nguyên tắc quản lý rủi ro theo từng mức độ. Trong đó, đối với hệ thống rủi ro thấp chỉ cần yêu cầu nhà phát triển và cung cấp dịch vụ tự công bố tuân thủ các quy định về xây dựng và phát triển hệ thống AI mà không áp dụng cơ chế tiền kiểm, để tạo không gian cho sự phát triển hệ thống AI.

Đối với hệ thống rủi ro cao, trước khi được triển khai, cần phải qua hệ thống kiểm tra độc lập và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, cần nghiên cứu để bổ sung quy định về việc thiết lập cơ chế giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý cho nhà phát triển và cung cấp nếu họ đã tuân thủ đầy đủ các quy định nhưng vẫn phát sinh sự cố ngoài ý muốn.

Ngoài ra, dự thảo luật cần có quy định yêu cầu nhà phát triển hệ thống AI phải thực hiện đánh giá tác động đến quyền riêng tư trước khi triển khai hệ thống AI, đặc biệt là đối với những hệ thống có rủi ro cao.

Đồng thời có ý kiến cho rằng, AI cho kết quả nhanh gấp nghìn lần con người song, hiệu quả công việc không chỉ dựa trên tốc độ hoàn thành mà còn dựa vào mức độ hoàn thiện công việc nên nhiều lĩnh vực chưa thể tính toán được AI hay con người làm tốt hơn. Đặc biệt là các lĩnh vực, bộ phận khó kiểm soát được kết quả công việc, chất lượng công việc và dựa trên yếu tố đạo đức trong quá trình thực hiện.

TheoVũ Phạm (Tạp chí điện tử Nhà đầu tư)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global