Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Có thể hưởng đồng thời các chính sách ưu đãi vùng ĐBKK?

Thứ hai, 22-05-2017 | 11:55:00 AM GMT+7 Bản in
(Chinhphu.vn) – Ông Lê Trung Nghĩa (tỉnh An Giang) đề nghị cơ quan chức năng giải đáp một số nội dung về việc hưởng chế độ ưu đãi đối với giáo viên công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Ông Lê Trung Nghĩa là giáo viên đã nghỉ hưu.Trước đây, ông được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang điều động từ Trường THPT Tịnh Biên về Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tịnh Biên. Ngày 24/7/2007, ông được điều động, bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong, thị trấn Nhà Bàng (vùng thuận lợi), huyện Tịnh Biên.

Ngày 19/5/2008, ông Nghĩa tiếp tục được điều động, bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phan Chu Trinh, xã Tân Lợi (vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn), huyện Tịnh Biên. Trong quyết định bổ nhiệm có ghi rõ “thời gian giữ chức vụ là 05 năm (60 tháng)”.

Tuy nhiên, ngày 23/7/2010, do nhu cầu chuyên môn, ông lại được điều động về giảng dạy tại Trường THCS Võ Trường Toản, xã Văn Giáo, là xã có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn thuộc huyện Tịnh Biên và được hưởng chế độ phụ cấp thu hút đến tháng 5/2013 (đã được 5 năm). Ông Nghĩa nghỉ hưu tháng 4/2016.

Ông Nghĩa hỏi, trường hợp của ông có được hưởng chế độ phụ cấp thu hút kéo dài theo Nghị định số 19/2013/NĐ-CP ngày 23/2/2013 của Chính phủ không? Ông có được hưởng chính sách trợ cấp một lần khi nghỉ hưu và có được hưởng đồng thời chính sách của Nghị định số 61/2006/NĐ-CP và Nghị định số 116/2010/NĐ-CP không?

Về vấn đề này, Sở Nội vụ tỉnh An Giang có ý kiến như sau:

Tại Khoản 1, Điều 2 Thông tư liên tịch số 35/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 19/9/2013 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 19/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định: "Tính từ ngày 15/4/2013 (ngày Nghị định số 19/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành), nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã hết thời hạn công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là 3 năm đối với nữ và 5 năm đối với nam nhưng cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền chưa sắp xếp, luân chuyển công tác trở về nơi ở hoặc nơi làm việc cuối cùng trước khi luân chuyển đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì tiếp tục được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% hệ số lương của bậc chức danh nghề nghiệp hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) và thôi hưởng phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn quy định tại Điều 5 Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Việc xác định đối tượng thuộc diện luân chuyển có thời hạn đến vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng phụ cấp quy định tại Nghị định số 19/2013/NĐ-CP căn cứ vào thời hạn luân chuyển ghi trong quyết định của cơ quan có thẩm quyền".

Qua thông tin cung cấp thì trường hợp của ông Lê Trung Nghĩa không thuộc trường hợp luân chuyển từ địa bàn thuận lợi sang địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nên không thuộc đối tượng áp dụng kéo dài hưởng phụ cấp thu hút theo Nghị định số 19/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Tại Khoản 2, Điều 3 Nghị định số 19/2013/NĐ-CP quy định: "Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, ngoài việc được hưởng các chính sách quy định tại Nghị định số 61/2006/NĐ-CP và quy định tại Nghị định này còn được hưởng chính sách trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc nghỉ hưu và được thanh toán tiền tàu, xe trong thời gian làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn khi đi và về thăm gia đình theo quy định tại Điều 8, Điều 9 Nghị định số 116/2010/NĐ-CP".

Như vậy, nếu thuộc đối tượng áp dụng thì ông Lê Trung Nghĩa được hưởng chính sách của cả hai Nghị định là Nghị định số 116/2010/NĐ-CP và Nghị định số 61/2006/NĐ-CP.

Do giữa hai Nghị định nêu trên có một số chế độ tương đồng nên để tránh trùng lắp trong việc chi trả chế độ, tại Điều 3 Nghị định số 116/2010/NĐ-CP quy định cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang thuộc đối tượng áp dụng của chính sách quy định tại Nghị định này, đồng thời thuộc đối tượng áp dụng của chính sách cùng loại quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác thì chỉ được hưởng một mức cao nhất của chính sách đó.

Theo Chinhphu.vn

Ý kiến bạn đọc (0)