Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Hàng xuất khẩu, sao cứ bắt DN ghi nhãn phụ tiếng Việt?

Thứ tư, 17-08-2016 | 10:53:00 AM GMT+7 Bản in
(Chinhphu.vn) – Nhiều doanh nghiệp đã bị xử phạt với lý do nguyên liệu nhập khẩu để chế biến xuất khẩu không có nhãn phụ tiếng Việt. Nhưng nhãn phụ tiếng Việt để làm gì khi hàng hóa không lưu thông, tiêu thụ trong nước?
Nguyên liệu thủy sản nhập khẩu (để chế biến xuất khẩu) vẫn phải ghi nhãn phụ tiếng Việt.

Thời gian qua, một số doanh nghiệp thủy sản đã bị các đoàn kiểm tra quản lý thị trường xử phạt với lý do nguyên liệu thủy sản nhập khẩu (để chế biến xuất khẩu) lưu tại kho của doanh nghiệp chỉ có nhãn tiếng Anh, không có nhãn phụ tiếng Việt.

Yêu cầu về nhãn phụ tiếng Việt được ba bộ: Y tế, NNPTNN, Công Thương đưa ra tại Thông tư liên tịch số 34/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT.

Tại buổi đối thoại giữa doanh nghiệp với Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính cuối tháng 7/2016, nhiều doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực chế biến thủy sản, bức xúc với quy định này.

Quy định thiếu hợp lý kể trên “dắt dây” theo một quy định khác cũng được ghi trong Thông tư 34. Theo điều 5 của Thông tư này, nội dung ghi trên nhãn bắt buộc phải có số giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.

Đại diện một doanh nghiệp chế biến thủy sản cho biết chính khách hàng ở châu Âu cung cấp gia vị và phụ gia cho công ty bà để chế biến hàng bán cho họ. Ba tháng sau khi nhập về mới có được giấy xác nhận hợp quy từ Cục An toàn thực phẩm (ATTP) thuộc Bộ Y tế. Khi đó, lô gia vị, phụ gia này đã hết thời hạn sử dụng. “Các gia vị và phụ gia không mang ra sản xuất hàng tiêu dùng ở trong nước thì sao phải kiểm? Thủ tục vô lý như vậy thì đối tác nước ngoài sẽ chuyển sang làm ăn với Thái Lan hay nước khác, doanh nghiệp trong nước sẽ bị chết... yểu”, vị này nói.

Tại báo cáo gửi Chính phủ hồi cuối tháng 7 vừa qua, Bộ KHĐT cũng khẳng việc áp dụng ghi nhãn phụ tiếng Việt đối với nguyên liệu thủy sản nhập khẩu (để chế biến xuất khẩu) là không cần thiết, không hợp lý. Bởi nếu nguyên liệu không lưu thông, tiêu thụ trong nước thì việc yêu cầu ghi nhãn phụ tiếng Việt không có ý nghĩa về quản lý nhà nước.

Hiện nay, đa số các doanh nghiệp thủy sản nhập nguyên liệu thủy sản để sản xuất hàng xuất khẩu hoặc nhập kinh doanh để sản xuất tiếp hàng xuất khẩu (không lưu thông hay tiêu thụ trong nước) nên yêu cầu về ghi nhãn phụ tiếng Việt dẫn tới sự phiền hà về thủ tục, tốn kém về thời gian và chi phí của doanh nghiệp.

Về công bố hợp quy, Bộ KHĐT cho rằng theo quy định của Nghị định 38/2012/NĐ-CP thì đối với trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu để  gia công, chế biến hàng xuất khẩu, không lưu thông, tiêu thụ trong nước thì không phải thực hiện công bố hợp quy, công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.  

Tuy nhiên, trên thực tế, doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu để gia công, chế biến hàng xuất khẩu vẫn phải thực hiện thủ tục này với Bộ Y tế, gây tốn kém về thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Theo phản ánh của Hiệp hội Thủy sản và một số doanh nghiệp liên quan, để có được Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy do Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp (trên cơ sở kết quả kiểm nghiệm do doanh nghiệp cung cấp) tốn trung bình 22-27 ngày làm việc.

Bộ KHĐT cho rằng thời gian cấp giấy tiếp nhận kéo dài và việc cấp giấy tiếp nhận chỉ được thực hiện ở Bộ Y tế là không đúng theo tinh thần cải cách quản lý chuyên ngành của Nghị quyết 19 nhằm giảm thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Bộ KHĐT kiến nghị Bộ Y tế thực hiện đúng quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 38/2012/NĐ-CP, theo đó không áp dụng quy định công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định đối với các nguyên liệu nhập khẩu để gia công, chế biến hàng xuất khẩu.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết VASEP đã có văn bản gửi Bộ NNPTNN và Bộ Y tế kiến nghị chủ trì sửa đổi các quy định liên quan.

Bộ NNPTNN đã có ý kiến với Bộ Y tế nhằm ra văn bản hướng dẫn cho phép nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu không phải ghi nhãn phụ bằng tiếng Việt và xác nhận công bố hợp quy. Nhưng đến giờ này, theo ông Hòe, Cục An toàn thực phẩm cơ quan chịu trách nhiệm triển khai thực hiện việc này chưa tháo gỡ được vướng mắc.

Theo Thành Đạt(Cạnh trạnh quốc gia)

Ý kiến bạn đọc (0)