Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Không lập kế hoạch bảo vệ môi trường, xử phạt thế nào?

Thứ hai, 15-08-2016 | 14:32:00 PM GMT+7 Bản in
(Chinhphu.vn) – Theo phản ánh của bà Vũ Lan Hương (TP. Hồ Chí Minh), Luật Bảo vệ môi trường 2014 đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Bà Hương đề nghị giải đáp, trường hợp một công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp vào ngày 10/3/2016, căn cứ thời điểm đăng ký kinh doanh thì công ty thuộc đối tượng lập kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định tại Nghị định số 18/2015/NĐ-CP, nhưng khi đi vào hoạt động, công ty đã không thực hiện. Vậy, công ty này có thể bị lập biên bản vi phạm hành chính và đề nghị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 179/2013/NĐ-CP không?

Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, Chính phủ đã ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành, trong đó có Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường.

Trên cơ sở các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật và các quy định pháp luật khác có liên quan, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Điều 12 của Nghị định này có quy định chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mà không có cam kết bảo vệ môi trường được xác nhận theo quy định.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 được Quốc hội thông qua ngày 23/6/2014 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2015). Trên cơ sở các quy định của Luật, Chính phủ đã ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành, trong đó có Nghị định số 18/2015/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/4/2015, thay thế Nghị định số 29/2011/NĐ-CP.

Sự thay đổi về cơ chế, chính sách nêu trên đã làm thay đổi tên gọi của một số thủ tục môi trường.

Hiện tại, Chính phủ đang xem xét, ban hành nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thay thế Nghị định số 179/2013/NĐ-CP bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.

Liên quan đến trường hợp của công ty như bà Vũ Lan Hương đã đề cập thì phải xem xét thêm thời điểm thực hiện đầu tư, sản xuất, kinh doanh của đơn vị này. Trường hợp thời điểm nêu trên là trước ngày Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 có hiệu lực thì công ty sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 179/2013/NĐ-CP. Đối với trường hợp còn lại hiện chưa có chế tài xử phạt.

Theo Chinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc (0)