Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Sẽ có danh mục nghề DN sử dụng lao động phải qua đào tạo

Thứ ba, 20-03-2018 | 21:40:00 PM GMT+7 Bản in
Thời gian tới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục ngành, nghề doanh nghiệp sử dụng lao động phải qua đào tạo giáo dục nghề nghiệp.

Gửi ý kiến đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, cử tri tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sớm ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn, nội dung, quy trình cung cấp dịch vụ, định mức kinh tế kỹ thuật theo danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp để các địa phương có căn cứ áp dụng (thực hiện Quyết định 1508/QĐ-TTg, ngày 27/7/2016 của Chính phủ). 

Đồng thời, ban hành cơ chế, chính sách cụ thể nhằm gắn quyền lợi và trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo lao động, sử dụng lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ. Trước mắt sớm ban hành danh mục ngành, nghề doanh nghiệp sử dụng lao động phải qua đào tạo và chế tài quản lý đủ mạnh để các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc.

Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời cử tri như sau:

Về ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn, nội dung, quy trình cung cấp dịch vụ, định mức kinh tế kỹ thuật theo danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, ngày 25/5/2017, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 14/2017/TT-BLĐTBXH quy định việc xây dựng, thẩm định và ban hành định mức kinh tế-kỹ thuật về đào tạo áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Năm 2017, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã thí điểm xây dựng định mức kinh tế-kỹ thuật cho 9 nghề trình độ trung cấp, cao đẳng, dự kiến, trong thời gian tới sẽ tiếp tục xây dựng và ban hành định mức kinh tế-kỹ thuật cho các ngành, nghề.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên trong đó quy định cụ thể danh mục sản phẩm dịch vụ sự nghiệp công, phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và trình Chính phủ trong tháng 3/2018.

Về nội dung ban hành cơ chế, chính sách cụ thể nhằm gắn quyền lợi và trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo lao động, sử dụng lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ; trước mắt sớm ban hành danh mục ngành, nghề doanh nghiệp sử dụng lao động phải qua đào tạo và chế tài quản lý đủ mạnh để các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc.

Về quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp được quy định cụ thể tại Điều 51 và Điều 52 Luật giáo dục nghề nghiệp,  triển khai thực hiện các quy định này, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 29/2017/TT-BLĐTBXH ngày 15/12/2017 quy định về liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo. Theo quy định thì doanh nghiệp phối hợp liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thể đảm nhận tới 40% khối lượng chương trình nếu đơn vị chủ trì yêu cầu.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng chỉ đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp ký kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về chương trình phối hợp công tác trong hoạt động tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2015/NĐ-CP ngày 24/3/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, trong đó quy định: Những công việc ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn và sức khỏe của cá nhân người lao động hoặc cộng đồng thuộc những ngành, nghề yêu cầu phải có chứng chỉ hoặc giấy phép hành nghề được quy định tại các luật hiện hành khác thì thực hiện theo quy định của luật đó và quy định tại Nghị định này.

Đồng thời, ban hành Thông tư số 36/2017/TT-BLĐTBXH và Thông tư số 37/2017/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2017 quy định danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và danh mục ngành, nghề đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu. Tiếp tục hoàn thiện để ban hành danh mục ngành, nghề mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép hợp tác đầu tư trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam.

Định hướng trong thời gian tới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, người sử dụng lao động tham gia đào tạo, nhằm tăng cường các hoạt động hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trên cơ sở lợi ích và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động.

  • Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục ngành, nghề doanh nghiệp sử dụng lao động phải qua đào tạo giáo dục nghề nghiệp.

Theo Chinhphu.vn

Ý kiến bạn đọc (0)