Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Cải tiến hóa, bê tông hóa “đe dọa” nhà sàn Thái cổ

Thứ sáu, 03-11-2017 | 10:13:00 AM GMT+7 Bản in
(Dân Việt) Nhà sàn Thái cổ là một trong những kiến trúc mang đậm nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Thái ở Sơn La, là biểu tượng của sự hài hòa giữa đất trời và thiên nhiên. Nhưng mấy năm trở lại đây, cùng với sự đổi thay của cuộc sống, những ngôi nhà sàn truyền thống đang dần mai một, thay vào đó là những ngôi nhà sàn cải tiến và bê tông hóa.

Nét đẹp văn hóa đặc sắc của nhà sàn Thái

Xã Hua La, TP.Sơn La, tỉnh Sơn La có 1.816 hộ dân và 8.411  khẩu. Mật độ dân cư tập trung đông đúc ở khu trung tâm xã, trong đó, dân tộc Thái chiếm 97% và cư trú ở đây từ bao đời nay. Trong đời sống sinh hoạt cũng như văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, nhà sàn không chỉ là nơi trú ngụ cho mỗi gia đình, biểu trưng cho tình cảm, lối sống của một tộc người, mà còn được coi như một “bảo tàng nghệ thuật sống” của dân tộc Thái.

cai tien hoa, be tong hoa  “de doa” nha san thai co hinh anh 1

Nhà sàn dân tộc Thái đã bị mai một đi rất nhiều. Ảnh: H.H

Những ngôi nhà sàn Thái kiểu dáng truyền thống đang vắng bóng dần, nhất là ở khu vực trung tâm dân cư, nơi gần đường giao thông… Một số nhà sàn thì còn giữ được dáng vẻ truyền thống cơ bản bên ngoài nhưng bài trí bên trong nhà thì có sự thay đổi rõ rệt; đặc biệt là không còn bếp lửa trên sàn. 

Già làng Lèo Văn Hậu ở bản Moòng, xã Hua La cho biết: Nhà sàn trước đây được  làm bằng các chất liệu lấy từ tự nhiên như: Gỗ, nứa, cỏ gianh…, mái dựng theo hình mai rùa. Cột nhà là cây gỗ đứng được đẽo tròn, có đường kính khoảng 15 - 25cm, chôn sâu khoảng 1m, cao chừng 2m so với mặt đất để tránh thú dữ, rắn, rết… và để chống ẩm thấp ở vùng núi. Hai đầu hồi có cắm khau cút (2 thanh gỗ hoặc tre cắm chéo hình chữ X, là nét chữ của người Thái được cải biên gọi là chữ Tay, nghĩa là bản của người Thái). Đây chính là hình rau dớng cách điệu, loại rau rừng không trồng mà mọc rất mạnh mẽ, tượng trưng cho cuộc sống sinh tồn bất diệt. Dù có cách giải thích thế nào, thì khi bắt gặp hình "khau cút" trên nóc nhà sàn, là mỗi người Thái đen Tây Bắc lại thêm ấm lòng, nhớ về anh em, bản mường yêu dấu.

Các gian và bậc cầu thang thường mang số lẻ, bởi số lẻ thể hiện cho sự phát triển. Bàn thờ được đặt ở cạnh gian đầu hồi phía bên phải, các gian tiếp theo là nơi ngủ của các thế hệ, từ ông bà, cha mẹ đến con cháu trong gia đình.

Người Thái có câu: "Khửn song phái/cái song đay" - tức là mở hai cửa/đi hai thang. Nét đặc trưng của nhà sàn Thái là có 2 cầu thang: Cầu thang đầu hồi (phương quản) có từ 7 - 11 bậc, dành cho nam giới và khách, cầu thang phụ (phương chan) có 9 bậc dành cho gia đình và phụ nữ. Nhà chia làm 3 tầng, tầng sàn là chỗ chăn nuôi gia súc hoặc để củi, tầng mặt là không gian sinh hoạt của gia đình và gác trên là nơi để đồ dùng như: Chăn, đệm, hạt giống… Đối với nhà sàn của người dân tộc Thái đen thường có 2 bếp lửa. Bếp lửa chính đặt ở giữa ngôi nhà dùng để tiếp khách; bếp lửa còn lại dùng vào việc nấu nướng, sinh hoạt hàng ngày phục vụ đời sống của gia đình và thường nhỏ hơn bếp chính.

 Khi nhắc đến dân tộc Thái, người ta sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh của những ngôi nhà sàn đơn sơ, mộc mạc, nằm nép mình bên sườn núi tạo nên hình ảnh đẹp đẽ của núi rừng Tây Bắc. Nhà sàn Thái còn là nơi giữ gìn bản sắc văn hóa, giáo dục, thể hiện tôn ti trật tự, phép tắc ứng xử giữa các thành viên trong gia đình và với khách. Về ý nghĩa tâm linh, nhà sàn Thái cổ còn là nơi thể hiện phép tắc ứng xử giữa con người với thần linh qua các nghi lễ tín ngưỡng, phong tục tập quán của dân tộc Thái.

Nhà sàn là kết quả đúc kết lâu đời của những sắc tộc định cư lâu đời trên mảnh đất Việt Nam, phù hợp với khí hậu, địa lý thổ nhưỡng và tập tục văn hóa, trong đó nhà sàn Thái cổ vượt lên bởi những ưu việt về kết cấu và tính thẩm mỹ trong văn hóa.

Nhà sàn Thái đứng trước nguy cơ mai mộtcai tien hoa, be tong hoa  “de doa” nha san thai co hinh anh 2

Những ngôi nhà sàn của nhiều hộ dân tộc Thái hôm nay không còn giữ được kiểu dáng truyền thống như trước đây. Ảnh: H.H

Ngày nay, cùng với tốc độ đô thị hóa chóng mặt, điều kiện sống xã hội thay đổi, nhiều gia đình người Thái chuyển sang nhà sàn bằng bê tông cốt thép, hoặc nhà xây hiện đại. Những ngôi nhà sàn Thái kiểu dáng truyền thống đang vắng bóng dần, nhất là ở khu vực trung tâm dân cư, nơi gần đường giao thông… Một số nhà sàn thì còn giữ được dáng vẻ truyền thống cơ bản bên ngoài nhưng bài trí bên trong nhà thì có sự thay đổi rõ rệt; đặc biệt là không còn bếp lửa trên sàn.

Chị Lèo Thị Huyền ở bản Mòng, xã Hua La, kinh doanh dịch vụ tắm nước nóng cho hay: “Gia đình tôi bỏ nhà sàn truyền thống, xây nhà kiểu mới và hiện đại hơn. So với căn nhà sàn cũ trước đây, thiết kế nhà kiểu mới có không gian sinh hoạt thoáng mát, rộng rãi và thu hút khách du lịch hơn. Không chỉ riêng gia đình tôi, hiện nay ở bản Moòng, hầu hết các ngôi nhà sàn truyền thống của người Thái không còn được giữ nguyên vẹn như xưa nữa”.

Với hầu hết các hộ gia đình dân tộc Thái ở xã Hua La, nhà ở hiện nay được sửa theo kiểu dáng mới, gỗ được thay thế bằng bê tông cốt thép, sàn lát gạch. Mái lợp lá cỏ giờ được thay thế bằng ngói hay tấm Fibro xi măng. Bếp lửa hồng trên sàn nhà bây giờ được xây riêng tách biệt. Gầm sàn trước đây vốn thông thoáng, thường là nơi nhốt gia súc, chứa đồ đạc, nay được thưng gỗ hoặc xây tường thành những căn phòng kín…

Ông Cà Văn Sinh, bản Sàng, xã Hua La, cho biết: “Sống hơn nửa đời người, tôi chứng kiến nhiều sự đổi thay của dân tộc mình. Bản thân tôi vẫn luôn muốn gìn giữ những nét văn hóa đặc trưng, phát huy truyền thống tốt đẹp của cộng đồng người Thái. Nhưng nhà sàn làm bằng gỗ tốn kém lắm, mất rất nhiều thời gian để tìm được cây gỗ có chất liệu tốt, ưng ý về dựng nhà. Giới trẻ bây giờ lại không ưa chuộng nhà sàn, muốn giữ được nhà sàn truyền thống là một việc rất khó”.

Trao đổi với phóng viên NTNN, bà Lò Thị Khánh An - Phó Chủ tịch UBND xã Hua La cho biết: “Hiện nay, nhà sàn của người Thái ở xã tôi cũng như nhiều xã khác, hầu như không còn giữ được kiểu dáng truyền thống”.

Nhà sàn bằng bê tông cốt thép giản lược đi nhiều nét văn hóa truyền thống so với nhà sàn cổ đang ngày càng có xu hướng mở rộng. Không chỉ những ngôi nhà bê tông hóa, ngay cả các ngôi nhà sàn làm bằng gỗ hiện nay cũng cải tiến hơn nhiều, điều khác biệt dễ nhận thấy nhất là phần mái, trái nhà và cầu thang. Nếu không có định hướng kịp thời, nhiều giá trị văn hóa nhà sàn của người Thái cũng như một số nét văn hóa khác trong trang phục, lễ hội, ẩm thực… vốn được lưu giữ, truyền đời sẽ mai một nhanh chóng.

“Cần sớm có biện pháp giữ gìn, bảo tồn kiến trúc nhà sàn dân tộc Thái nhằm góp phần phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái ở Sơn La nói riêng và dân tộc Thái vùng Tây Bắc nói chung” – bà Lò Thị Khánh An chia sẻ. 

Theo Dân Việt

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)