Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Cán bộ hưu có được hỗ trợ vay xây nhà?

Thứ hai, 05-11-2018 | 18:56:00 PM GMT+7 Bản in
(Chinhphu.vn) – Trường hợp khách hàng là cán bộ công chức, viên chức đã về hưu và không làm việc theo hợp đồng lao động tại một đơn vị sử dụng lao động bất kỳ thì không thuộc đối tượng được vay vốn để xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa lại nhà ở theo Chương trình cho vay hỗ trợ nhà.

Theo phản ánh của ông Lê Văn Đức (Quảng Bình), Tiết 3, Điểm a, Khoản 2, Điều 1 Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15/5/2013 quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ, được sửa đổi bổ sung tại các Thông tư số 32/2014/TT-NHNN ngày 18/11/2014, Thông tư số 25/2016/TT-NHNN ngày 29/7/2016 quy định một trong những đối tượng được cho vay xây mới nhà ở là: 

"Cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động tại đô thị đã có đất ở phù hợp với quy hoạch đang khó khăn về nhà ở nhưng chưa được Nhà nước hỗ trợ dưới mọi hình thức được vay để xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình".

Ông Đức hỏi, đối tượng được cho vay xây mới nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP nêu trên có bao gồm đối tượng là cán bộ, công chức đã nghỉ hưu theo chế độ từ năm 2013 không?

Mẹ của ông Đức là cán bộ Nhà nước, đã nghỉ hưu, hiện khỏe mạnh. Do điều kiện kinh tế hạn chế, nhà ở đã xuống cấp, nên gia đình ông có nhu cầu vay vốn ngân hàng để sửa chữa nhà ở theo chương trình hỗ trợ của Chính phủ. Tuy nhiên, theo trả lời của ngân hàng, mẹ của ông hết tuổi lao động nên không được vay vốn theo chương trình hỗ trợ của Chính phủ. Ông Đức hỏi, ngân hàng trả lời như vậy có đúng không?

Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có ý kiến như sau:

Khoản 1 và Khoản 2, Điều 4 Luật Cán bộ, công chức quy định: “Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật”.

Điều 2 Luật Viên chức quy định, “Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật”.

Khoản 1, Điều 12 Luật Quốc phòng quy định, “Lực lượng vũ trang nhân dân gồm Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và Dân quân tự vệ”.

Theo Khoản 1, Điều 3 Bộ luật Lao động, “Người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động”.

Do đó, khách vay vốn để xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình theo Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở (Nghị quyết số 02/NQ-CP) phải đáp ứng được điều kiện là cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động tại đô thị quy định tại các văn bản nói trên.

Trường hợp khách hàng là cán bộ công chức, viên chức đã về hưu và không làm việc theo hợp đồng lao động tại một đơn vị sử dụng lao động bất kỳ thì không thuộc đối tượng được vay vốn để xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa lại nhà ở theo Chương trình cho vay hỗ trợ nhà (quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 1 Thông tư số 44/VBHN-NHNN).

Mặt khác, Điều 2 Thông tư số 44/VBHN-NHNN của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn, việc giải ngân tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước chỉ áp dụng đối với các khoản vay mà ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng với khách hàng trước ngày 31/3/2016 và đã được ngân hàng báo cáo Ngân hàng Nhà nước tại báo cáo định kỳ số liệu đến ngày 10/5/2016; các hợp đồng cho vay được ký kết sau thời điểm trên không được hưởng các ưu đãi về lãi suất như quy định tại Thông tư số 44/VBHN-NHNN.

Theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, quy định trường hợp khách hàng có nhu cầu vay vốn ưu đãi để xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa lại nhà ở có thể liên hệ với Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc các ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước chỉ định để được xem xét cho vay phù hợp với điều kiện của khách hàng và quy định của pháp luật.

Theo Chinhphu.vn

Ý kiến bạn đọc (0)