Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Chi trả kinh phí khi tham gia góp ý dự thảo văn bản

Thứ tư, 02-05-2018 | 09:49:00 AM GMT+7 Bản in
(Chinhphu.vn) – Ông Trần Hoà Bình làm việc tại một cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Yên Bái, hàng năm đều tham mưu cho lãnh đạo tham gia góp ý nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Ông hỏi, việc ông tham gia ý kiến vào văn bản có kinh phí không, nếu có thì đơn vị nào sẽ cấp kinh phí?
Về vấn đề này, Sở Tư pháp tỉnh Yên Bái trả lời như sau:

Việc lấy ý kiến tham gia đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật là trình tự bắt buộc theo quy định pháp luật hiện hành. Việc chi kinh phí đối với tham gia ý kiến phụ thuộc vào các hình thức tham gia vào dự thảo văn bản.

Tại Điểm a, Khoản 4, Điều 4 Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28/12/2016 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách Nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật, đã quy định về định mức chi cho các nội dung trong các hoạt động xây dựng văn bản như sau:

“4. Soạn thảo văn bản góp ý, báo cáo thẩm định, thẩm tra văn bản:

a) Văn bản góp ý:

- Đối với dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết, nghị quyết liên tịch của Uỷ ban thường vụ Quốc hội mới hoặc thay thế: Mức chi 1.000.000 đồng/văn bản;

- Đối với dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết, nghị quyết liên tịch của Uỷ ban thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều: Mức chi 700.000 đồng/văn bản;

- Đối với dự thảo nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND, văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt: Mức chi 250.000 đồng/văn bản;

- Đối với các văn bản còn lại: Mức chi 500.000 đồng/văn bản”.

Tại Điểm a, Khoản 6, Điều 4 Thông tư số 338/2016/TT-BTC quy định:

“6. Chi cho cá nhân tham gia họp, hội thảo, toạ đàm, hội nghị và họp báo.

a) Tham gia họp, hội thảo, toạ đàm, hội nghị phục vụ công tác xây dựng dự kiến chương trình, soạn thảo, đánh giá tác động, góp ý, thẩm định, thẩm tra văn bản; điều tra, khảo sát; theo dõi, đánh giá về tình hình thi hành pháp luật:

- Chủ trì: Mức chi 150.000 đồng/người/cuộc họp;

- Các thành viên tham dự: Mức chi 100.000 đồng/người/cuộc họp;

- Ý kiến tham luận bằng văn bản của thành viên tham dự: Mức chi 500.000 đồng/văn bản; riêng văn bản của HĐND, UBND mức chi 200.000 đồng/văn bản”.

Khoản 8, Điều 4 Thông tư số 338/2016/TT-BTC quy định:

“8. Chi lấy ý kiến tư vấn của chuyên gia độc lập

Trong trường hợp đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; đề nghị, dự kiến chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; thuyết minh, tờ trình, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và các báo cáo chuyên ngành, lĩnh vực chuyên môn phức tạp phải lấy ý kiến tư vấn, phản biện của các chuyên gia độc lập thì mức chi 1.000.000 đồng/báo cáo”.

Như vậy, người tham gia ý kiến đối với dự thảo văn bản được chi trả kinh phí tương ứng với một trong ba hình thức nêu trên của Thông tư số 338/2016/TT-BTC và cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản là người chi đối với việc lấy ý kiến tham gia.

Theo Chinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc (0)