Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Chuyển giao công nghệ kèm thiết bị, tính thuế thế nào?

Thứ tư, 03-07-2019 | 15:38:00 PM GMT+7 Bản in
(Chinhphu.vn) – Về nguyên tắc hoạt động chuyển giao công nghệ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ không thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Trong quá trình nghiên cứu, áp dụng Luật Thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn thi hành, Công ty Luật hợp danh VN CONSULT gặp khó khăn trong việc xác định đối tượng không chịu thuế GTGT trong một số tình huống cụ thể như sau:

Khoản 21, Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC hướng dẫn thi hành Luật Thuế GTGT và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP quy định:

“Điều 4. Đối tượng không chịu thuế GTGT

21. Chuyển giao công nghệ theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ; chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Trường hợp hợp đồng chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ có kèm theo chuyển giao máy móc, thiết bị thì đối tượng không chịu thuế GTGT tính trên phần giá trị công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ chuyển giao, chuyển nhượng; trường hợp không tách riêng được thì thuế GTGT được tính trên cả phần giá trị công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ chuyển giao, chuyển nhượng cùng với máy móc, thiết bị”.

Trên thực tế, các doanh nghiệp khi ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ thường lựa chọn một trong các hình thức trả phí chuyển giao công nghệ như sau:

- Trường hợp 1: Bên nhận chuyển giao công nghệ trả phí chuyển giao công nghệ trọn gói, tính theo tỷ lệ nhất định (3-5%) trên doanh thu thuần hàng năm. Với cách tính phí trọn gói này, hợp đồng chuyển giao công nghệ không tách riêng phần phí chuyển giao công nghệ; phí hỗ trợ kỹ thuật đào tạo; phí chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ (nhãn hiệu, bản quyền các đối tượng sở hữu trí tuệ khác) mà tính gộp thành một khoán phí trả theo doanh thu thuần (có thể trả theo từng quý).

Ví dụ 1: Hợp đồng chuyển giao công nghệ quy định về phí chuyển giao công nghệ như sau: "Bên nhận chuyển giao công nghệ phải thanh toán cho bên chuyển giao công nghệ một khoản phí chuyển giao công nghệ là 3% doanh thu thuần tính từ khi phát sinh doanh thu cho đến khi chấm dứt hợp đồng. Việc thanh toán được thực hiện 3 tháng một lần”.

- Trường hợp 2: Phí chuyển giao công nghệ được tách thành các khoản phí riêng lẻ như: Phí chuyển giao công nghệ; phí hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo; phí chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ (nhãn hiệu, bản quyền các đối tượng sở hữu trí tuệ khác).

Ví dụ 2: Hợp đồng chuyển giao công nghệ quy định về phí chuyển giao công nghệ như sau: "Bên nhận chuyển giao công nghệ phải thanh toán cho bên chuyển giao các khoản phí như sau:

(a) Phí chuyển giao công nghệ là 3% doanh thu thuần, trả theo kỳ 03 tháng một lần kể từ khi phát sinh doanh thu;

(b) Phí hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo: 10.000 USD trả một lần ngay sau khi ký hợp đồng.

(c) Phí chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu, thương hiệu và các quyền sở hữu trí tuệ khác: 1% doanh thu thuần, trả theo kỳ 03 tháng một lần kể từ khi phát sinh doanh thu".

Theo Công ty hiểu, toàn bộ khoản phí mà bên nhận chuyển giao công nghệ phải trả cho bên chuyển giao công nghệ, dù tính gộp trong một khoản thanh toán như trường hợp 1 nêu trên hay tách ra thành các phí riêng lẻ như trường hợp 2 trên đều được coi là phí chuyển giao công nghệ theo Luật Chuyển giao công nghệ và thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty hỏi, toàn bộ khoản phí mà bên nhận chuyển giao công nghệ phải trả cho bên chuyển giao công nghệ trong 2 trường hợp như trên có được xác định là phí chuyển giao công nghệ theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ và thuộc trường hợp không chịu thuế GTGT như quy định tại Khoản 21, Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC không?

Về vấn đề này, Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

Theo quy định tại Khoản 10, Điều 3 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP  ngày 18/12/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế GTGT về đối tượng không chịu thuế GTGT:

“10. Trường hợp chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định tại Khoản 21, Điều 5 Luật Thuế GTGT mà có kèm theo chuyển giao máy móc, thiết bị thì đối tượng không chịu thuế GTGT tính trên phần giá trị công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ chuyển giao, chuyển nhượng; trường hợp không tách riêng được thì thuế GTGT được tính trên cả phần giá trị công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ chuyển giao, chuyển nhượng cùng với máy móc, thiết bị”.

Theo quy định tại Khoản 21, Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về đối tượng không chịu thuế GTGT:

“21. Chuyển giao công nghệ theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ; chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Trường hợp hợp đồng chuyền giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ có kèm theo chuyển giao máy móc, thiết bị thì đối tượng không chịu thuế GTGT tính trên phần giá trị công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ chuyển giao, chuyển nhượng; trường hợp không tách riêng được thì thuế GTGT được tính trên cả phần giá trị công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ chuyển giao, chuyển nhượng cùng với máy móc, thiết bị”.

Căn cứ các quy định và hướng dẫn nêu trên, về nguyên tắc hoạt động chuyển giao công nghệ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ không thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Đề nghị đơn vị trình bày cụ thể kèm tài liệu có liên quan và liên hệ với cơ quan thuế quản lý để được hướng dẫn cụ thể theo quy định.

Theo Chinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc (0)