Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Hạn chế dần lối đi tự mở trên tuyến đường sắt

Thứ sáu, 01-03-2019 | 15:16:00 PM GMT+7 Bản in
(Chinhphu.vn) – Gửi kiến nghị đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, cử tri tỉnh Hà Tĩnh đề nghị cơ quan chức năng có phương án xây dựng rào chắn tại các tuyến đường sắt giao nhau với đường dân sinh, ở những điểm có điều kiện đề nghị xây dựng cầu chui nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.

Về vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải trả lời cử tri tỉnh Hà Tĩnh như sau:

Tuyến đường sắt Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh chạy qua địa phận tỉnh Hà Tĩnh dài 70,258 km từ Km 334+000 đến Km 404+258. Trên tuyến có 28 đường ngang (12 đường ngang có người gác, 4 đường ngang cảnh báo tự động, lắp cần chắn tự động, 12 đường ngang biển báo), còn tồn tại 102 lối đi tự mở qua đường sắt.

Đối với đường ngang biển báo, Bộ Giao thông vận tải đã có Quyết định số 2800/QĐ-BGTVT ngày 25/12/2018 nâng cấp 12 đường ngang biển báo thành đường ngang cảnh báo tự động, lắp cần chắn tự động thực hiện trong năm 2019.

Đối với các lối đi tự mở, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam phối hợp Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và chính quyền địa phương rà soát toàn bộ các vị trí giao cắt trên hệ thống đường sắt quốc gia để xây dựng đề án xử lý các lối đi tự mở trình Thủ tướng Chính phủ để báo cáo Quốc hội bố trí kinh phí theo lộ trình xóa bỏ các lối đi tự mở được quy định tại Nghị định số 65/2018/NĐ-CP của Chính phủ; việc xóa bỏ các lối đi tự mở trên tuyến đường sắt quốc gia này cần có thời gian và kinh phí để triển khai thực hiện.

Trước mắt, để bảo đảm an toàn giao thông tại các lối đi tự mở trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, đề nghị chính quyền địa phương thực hiện tốt các quy định của Luật Đường sắt, Nghị định 65/2018/NĐ-CP ngày 12/5/2018 của Chính phủ và Quy chế phối hợp số 07/QCPH-BGTVT-UBND ngày 25/3/2013 giữa Bộ Giao thông vận tải với UBND tỉnh Hà Tĩnh trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt. Đề nghị địa phương tích cực huy động các nguồn kinh phí khác để thực hiện xây dựng hệ thống đường gom, hàng rào cách ly với đường sắt để đóng, xóa các lối đi tự mở nhằm bảo đảm an toàn giao thông. 

Chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông, Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt đến với mọi người dân; lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường công tác trực chốt, điều phối giao thông, kiểm tra, xử lý các vi phạm trật tự an toàn giao thông tại các đường ngang, đặc biệt vào thời gian cao điểm.

Theo Chinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc (0)