Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Hành vi giả báo cáo tài chính có phải gian lận trong đấu thầu?

Thứ hai, 04-12-2017 | 10:08:00 AM GMT+7 Bản in
(Chinhphu.vn) – Luật Đấu thầu quy định một trong các hành vi gian lận trong lựa chọn nhà thầu là nhà thầu cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ dự thầu làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu.

Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Luân, Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phúc Hưng Lộc đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn tình huống như sau:

Công ty ông đang hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Theo báo cáo tài chính của các năm gần nhất thì tổng nguồn vốn (Xác định bằng tổng tài sản trong bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp) hơn 20 tỷ đồng. Nhưng qua xác định số lao động bình quân hàng năm của doanh nghiệp thì số lao động bình quân hàng năm của công ty ít hơn 200 người. Ông Luân hỏi, vậy Công ty có phải là doanh nghiệp cấp nhỏ hay không?

Trong quá trình tham gia dự thầu gói thầu xây lắp có một nhà thầu làm giả báo cáo tài chính (Báo cáo tài chính trong hồ sơ dự thầu khác với báo cáo tài chính nộp tại cơ quan quản lý thuế. Giá trị tổng tài sản trong bảng cân đối kế toán của báo cáo tài chính trong hồ sơ dự thầu nhỏ hơn 20 tỷ đồng. Giá trị tổng tài sản trong bảng cân đối kế toán của báo cáo tài chính tại cơ quan thuế hơn 20 tỷ đồng).

Trong quá trình lựa chọn nhà thầu thì nhà thầu làm giả báo cáo tài chính là nhà thầu được lựa chọn thực hiện thi công gói thầu nói trên. Vậy hành vi làm giả báo cáo tài chính của nhà thầu nêu trên có phải là hành vi gian lận trong đấu thầu dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu hay không? Nếu không phải hành vi gian lận trong đấu thầu thì nhà thầu nêu trên vi phạm vào điều gì?

Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:

Xác định doanh nghiệp cấp nhỏ

Khoản 1, Điều 3 Nghị định số 56/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định doanh nghiệp nhỏ và vừa là cơ sở kinh doanh đã đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật, được chia thành ba cấp: siêu nhỏ, nhỏ, vừa theo quy mô tổng nguồn vốn (tổng nguồn vốn tương đương tổng tài sản được xác định trong bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp) hoặc số lao động bình quân năm (tổng nguồn vốn là tiêu chí ưu tiên).

Theo đó, doanh nghiệp nhỏ thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng là doanh nghiệp có tổng nguồn vốn từ 20 tỷ đồng trở xuống hoặc số lao động từ trên 10 người đến 200 người.

Theo đó, việc xác định doanh nghiệp nhỏ cần căn cứ quy định nêu trên.

Nếu doanh nghiệp có tổng nguồn vốn trên 20 tỷ đồng nhưng có số lao động bình quân năm nhỏ hơn 200 người thì vẫn được coi là doanh nghiệp nhỏ.

Hành vi bị cấm trong đấu thầu

Điểm c, Khoản 4, Điều 89 Luật Đấu thầu quy định một trong các hành vi gian lận trong lựa chọn nhà thầu là nhà thầu cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ dự thầu làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu.

Khoản 1, Điều 122 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định nhà thầu sẽ bị cấm tham gia đấu thầu từ 3 năm đến 5 năm đối với một trong các hành vi vi phạm các Khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 89 của Luật Đấu thầu.

Đối với trường hợp của ông Luân, trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nếu nhà thầu cung cấp báo cáo tài chính khác với báo cáo tài chính đã nộp cho cơ quan thuế thì tổ chuyên gia, bên mời thầu phải xem xét tới tính chất của hai báo cáo tài chính này (kỳ báo cáo, báo cáo hợp nhất hay báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ…).

Trường hợp hai báo cáo tài chính này cùng loại và cùng kỳ báo cáo nhưng khác nhau về các số liệu thì đây được coi là hành vi gian lận trong đấu thầu, vi phạm quy định nêu trên. Theo đó, nhà thầu sẽ bị xử phạt theo quy định tại Khoản 1 Điều 122 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.

Theo Chinhphu.vn

Ý kiến bạn đọc (0)