Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Hội Chữ thập đỏ hoạt động theo cơ chế tài chính nào?

Thứ hai, 27-11-2017 | 09:06:00 AM GMT+7 Bản in
(Chinhphu.vn) – Theo quy định, việc quản lý và sử dụng kinh phí đối với nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ hoạt động của Hội Chữ thập đỏ được thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn luật và chế độ chi tiêu tài chính hiện hành đối với cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Cơ quan bà Nguyễn Thị Nguyệt (Thái Nguyên) là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp (Hội Chữ thập đỏ), đơn vị do ngân sách Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động.

Bà Nguyệt có tham khảo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập và Thông tư số 71/2006/TT-BTC ngày 9/8/2006 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP nhưng chưa hiểu hết nội dung của Nghị định và Thông tư nêu trên. Bà Nguyệt hỏi, tổng mức chi trả thu nhập tăng thêm đối với đơn vị bà được tính như thế nào?

Theo Điều 26 Nghị định số 43/2006/NĐ-CP quy định không quá hai lần quỹ tiền lương cấp bậc, chức vụ do Nhà nước quy định, bà không rõ đây là hai lần quỹ tiền lương của năm hay của tháng?

Thông tư số 71/2006/TT-BTC hướng dẫn "Tối đa không quá 01 lần quỹ tiền lương cấp bậc, chức vụ trong năm do nhà nước quy định". Như vậy có thể hiểu đây là quỹ tiền lương cấp bậc, chức vụ của đơn vị bà trong cả năm có đúng không? Phần kinh phí tiết kiệm chi đơn vị bà có phải trích lập các quỹ không? Chứng từ thanh toán thu nhập tăng thêm cho người lao động gồm những gì?

Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

Theo Khoản 2, Điều 1 Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập quy định:

“Đối với Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, các đơn vị sự nghiệp có quy trình hoạt động đặc thù và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được áp dụng theo quy định tại Nghị định này”.

Theo Khoản 1 Điều 27 Luật Hoạt động chữ thập đỏ, Hội Chữ thập đỏ là tổ chức xã hội hoạt động nhân đạo theo pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế, nguyên tắc cơ bản của Phong trào chữ thập đỏ và trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, điều ước quốc tế khác về hoạt động nhân đạo mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và theo Điều lệ Hội. Do đó, đối chiếu với các quy định nêu trên Hội Chữ thập đỏ không thuộc đối tượng áp dụng Nghị định số 43/2006/NĐ-CP.

Việc quản lý và sử dụng kinh phí đối với nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ hoạt động của Hội Chữ thập đỏ được thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn luật và chế độ chi tiêu tài chính hiện hành đối với cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Đối với nguồn kinh phí vận động, đóng góp, hỗ trợ thực hiện theo Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo và Thông tư số 72/2008/TT-BTC ngày 31/7/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 64/2008/NĐ-CP.

Đối với nguồn kinh phí ủng hộ, vận động đóng góp, tài trợ cho hoạt động chữ thập đỏ được thực hiện theo quy định tại các Điều 7 đến Điều 13 Luật Hoạt động Chữ thập đỏ và theo Điều lệ Hội Chữ thập đỏ. 

Đề nghị bà Nguyệt nghiên cứu các văn bản nêu trên để thực hiện.

Theo Chinhphu.vn

Ý kiến bạn đọc (0)