Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Hội nghị và Triển lãm Công nghệ năm 2023 của Tổ chức Hải quan Thế giới (Hà Nội, ngày 10-12/10/2023)

Thứ tư, 06-09-2023 | 16:30:00 PM GMT+7 Bản in

Theo đề nghị của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) và trên cơ sở phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Hải quan sẽ phối hợp với WCO đăng cai tổ chức Hội nghị và Triển lãm Công nghệ năm 2023 của WCO, từ ngày 10-12/10/2023 tại Hà Nội, Việt Nam. Đây là Hội nghị quốc tế thường niên lớn nhất của WCO, với chủ đề của năm 2023 là “Đón đầu kỷ nguyên số: Ứng dụng công nghệ, Thúc đẩy đổi mới và Nuôi dưỡng thế hệ hải quan kế cận chuyên nghiệp”.

Ngày 10 tháng 10 hàng năm được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn là ngày Chuyển đổi số quốc gia (từ năm 2022). Vì vậy, Tổng cục Hải quan đã chọn ngày 10/10/2023 là ngày khai mạc Hội nghị, một sự kiện về công nghệ toàn cầu của WCO, do Hải quan Việt Nam đăng cai tổ chức.

Thông tin chi tiết về Hội nghị như sau:

- Thời gian của Hội nghị: 10-12/10/2023

- Địa điểm: Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội

- Chủ trì: Tiến sĩ Kunio Mikuriya, Tổng thư ký WCO

- Khách mời danh dự: Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu tại Lễ Khai mạc Hội nghị.

- Trang web chính thức của Hội nghị: https://wcotechconf2023.wcoevents.org/

- Thành phần tham dự:

(i) Đại biểu quốc tế: Lãnh đạo Cơ quan Hải quan các nước thành viên WCO; đại diện các tổ chức quốc tế; đại diện các cơ quan quản lý biên giới của các nước thành viên; doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ trên toàn cầu; doanh nghiệp thương mại quốc tế; các học giả, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực hải quan và công nghệ trong lĩnh vực hải quan.

(ii) Đại biểu trong nước: đại diện các Bộ/Ngành gồm Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), UBND TP. Hà Nội, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ và cung cấp giải pháp công nghệ liên quan tới hải quan và thương mại quốc tế trong đó có một số doanh nghiệp lớn như: Công ty TNHH Kinh doanh Thương mại và Dịch vụ Vinfast, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty Cổ phần FPT, Tập đoàn Công nghệ CMC, Công ty cổ phần Hệ thống Công nghệ (ETC)…

- Hình thức tổ chức:

Sự kiện sẽ có 2 Phần gồm Hội nghị và Triển lãm, cụ thể như sau:

(i) Hội nghị: Gồm các phiên toàn thể và các phiên hội thảo chuyên đề về các chiến lược công nghệ và ứng dụng để giải quyết các thách thức của thương mại toàn cẩu, xây dựng hệ thống hải quan có khả năng thích ứng  như an ninh mạng. phục hồi sau thảm họa và đảm bảo tính liên tục của hoạt động hải quan trong kỷ nguyên số, trí tuệ nhân tạo hỗ trợ cơ quan hải quan trong khai thác dữ liệu lớn để nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý rủi ro và tạo thuận lợi thương mại, cong nghệ chuỗi khối hỗ trợ hoạt động hải quan, các công nghệ mới trong soi chiếu hàng hóa nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát hải quan, công nghệ hỗ trợ tạo thuận lợi thương mại trong kỷ nguyên số, Hải quan xanh vì tương lai bền vững, thúc đẩy hoạt động hải quan với thiết bị bay không người lái và rô-bốt, thúc đẩy đổi mới…

Các diễn giả được mời tham dự Hội nghị là lãnh đạo, chuyên gia của các tổ chức quốc tế có liên quan tới lĩnh vực hải quan; lãnh đạo, chuyên gia của các Cơ quan Hải quan thành viên của WCO đặc biệt là các cơ quan Hải quan của các nước phát triển như Hoa Kỳ, Úc, Hà Lan, Anh, Nhật Bản …; lãnh đạo, chuyên gia của các công ty đa quốc gia hoạt động trong lĩnh vực giải pháp công nghệ trong hoạt động quản lý hải quan như S2 Global, Leidos, Webb Fontaine; Microsoft, Ultra Global, Crimson Logic PTE Ltd., GUUD International Pte Ltd; GTS... Hải quan Việt Nam cũng sẽ có các phần trình bày, điều phối tại Hội nghị.

Ngôn ngữ của Hội nghị: Hội nghị có phiên dịch tiếng Anh, Pháp và Việt Nam.

(ii) Triển lãm: Các gian triển lãm giới thiệu các công nghệ mới của các doanh nghiệp liên quan tới lĩnh vực hải quan như công nghệ soi chiếu tích hợp trí tuệ nhân tạo, công nghệ an ninh mạng, công nghệ chuỗi khối… Doanh nghiệp tham gia và tài trợ cho Hội nghị sẽ được xếp hạng theo thứ tự nhà tài trợ chính, bạch kim, vàng, bạc.

- Mục đích của Hội nghị: Thông qua các gian triển lãm và các phiên thảo luận, trao đổi kinh nghiệm tại Hội nghị, đại biểu tham dự Hội nghị sẽ có cơ hội tìm hiểu, tiếp cận, cập nhật xu hướng phát triển trong lĩnh vực công nghệ, các giải pháp quản lý hải quan hỗ trợ bởi công nghệ một cách sinh động và trực tiếp. Qua đó, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho cơ quan Hải quan trong việc tìm kiếm các giải pháp ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, góp phần nâng cao năng lực và hiện đại hóa cơ quan hải quan.

- Ý nghĩa của việc đăng cai tổ chức Hội nghị:

Đối với Việt Nam: Sự kiện là dịp để Việt Nam thể hiện quyết tâm chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại hướng tới chính phủ điện tử, chính phủ số như tinh thần của Chính phủ tại các quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030).

Trong bối cảnh như vậy, việc đăng cai tổ chức một Hội nghị có tính chất toàn cầu về ứng dụng công nghệ mới nổi, mà trọng tâm là chuyển đổi số, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, máy học, internet vạn vật… mang tính thời sự và phù hợp với các ưu tiên của Việt Nam trong “ngoại giao công nghệ” nhằm học tập kinh nghiệm quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ từ các tổ chức quốc tế.

Đặc biệt, Hội nghị cũng là dịp giới thiệu, quảng bá với bạn bè quốc tế trên toàn thế giới về truyền thống văn hóa, lịch sử, các danh lam thắng cảnh, các địa điểm thăm quan du lịch của Thành phố Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.

Đối với Hải quan Việt Nam: Đây là một sự kiện có qui mô toàn cầu nổi bật thường niên của WCO. Với vai trò là thành viên tích cực tại tổ chức đa phương, việc Hải quan Việt Nam đăng cai tổ chức sự kiện sẽ khẳng định sự tiên phong và trách nhiệm của Hải quan Việt Nam trong khuôn khổ WCO. Đây cũng là lần đầu tiên Hải quan Việt Nam đăng cai tổ chức một sự kiện toàn cầu của WCO có qui mô lớn với sự tham dự của Lãnh đạo WCO và Lãnh đạo Tổng cục Hải quan các nước, cũng như các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ tham dự triển lãm.

Trong lĩnh vực hải quan, yêu cầu thực hiện Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030 theo Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 20/5/2022 với mục tiêu cơ bản hoàn thành hải quan số hải quan thông minh thì việc tiếp cận với công nghệ mới nhất cũng như các thông lệ và bài học kinh nghiệm của Hải quan các nước tại Hội nghị sẽ giúp cho Hải quan Việt Nam có được hướng đi phù hợp trong xu hướng phát triển công nghệ nhanh chóng như hiện nay

Hội nghị cũng là cơ hội để Hải quan Việt Nam giới thiệu về các nỗ lực hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ của Hải quan Việt Nam trong việc triển khai các nội dung chuyển đổi số, xây dựng hải quan thông minh, góp phần nâng cao hình ảnh của Hải quan Việt Nam. Việc đăng cai Hội nghị cũng sẽ mở ra cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các nước.

Đối với Doanh nghiệp Việt Nam: Với việc tham gia của các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam tại Hội nghị cũng khẳng định vị trí của các công ty công nghệ Việt Nam trên bản đồ công nghệ toàn cầu. Đặc biệt với sự tham gia của Công ty Vinfast, Hội nghị sẽ thấy được cam kết thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn của Việt Nam.

https://hanoi.customs.gov.vn/index.jsp?pageId=2&aid=188297&cid=8361

https://wcotechconf2023.wcoevents.org/

Ý kiến bạn đọc (0)