Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Khám, chữa bệnh BHYT vào ngày nghỉ được thực hiện từ năm 2015

Thứ năm, 12-03-2020 | 17:34:00 PM GMT+7 Bản in
Theo ý kiến của cử tri các tỉnh Bạc Liêu, Thanh Hóa, người dân đóng tiền mua BHYT là 365 ngày, nhưng đi khám bệnh vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật thì không được tính hưởng chế độ, như vậy, người dân mất hơn 3 tháng chi phí BHYT trong 1 năm.

Cử tri các tỉnh Bạc Liêu, Thanh Hóa đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại vấn đề này và quy định việc khám chữa bệnh ngoài giờ làm việc cho công nhân, người lao động có thẻ BHYT, vì chỉ có thời gian ngoài giờ làm việc mới có điều kiện đi khám chữa bệnh.

Về vấn đề này, Bộ Y tế trả lời cử tri tỉnh Bạc Liêu, Thanh Hóa như sau:

Việc tổ chức khám bệnh, chữa bệnh BHYT vào ngày lễ, ngày nghỉ đã được thực hiện từ năm 2015 theo quy định tại Thông tư số 41/2014/TTLT-BYT-BTC, Thông tư số 16/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 2/7/2015 của Bộ Y tế, Bộ Tài chính và tiếp tục được thực hiện theo quy định của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/12/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT.

Theo đó, việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có tổ chức khám bệnh, chữa bệnh BHYT vào ngày nghỉ, ngày lễ được thực hiện như sau: Người có thẻ BHYT đến khám bệnh, chữa bệnh được Quỹ BHYT thanh toán trong phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT; Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm bảo đảm về nhân lực, điều kiện chuyên môn, công khai những khoản chi phí mà người bệnh phải chi trả ngoài phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT và phải thông báo trước cho người bệnh; Thông báo bằng văn bản cho Cơ quan BHXH để bổ sung vào hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh trước khi thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh vào ngày lễ, ngày nghỉ để làm cơ sở thanh toán.

Thực hiện quy định này, Bộ Y tế đã hoàn thiện hệ thống chính sách về khám chữa bệnh, giảm quá tải bệnh viện, nâng cao chất lượng dịch vụ ở các tuyến. Tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, tăng sự hài lòng của người dân, đặc biệt là đổi mới công tác đào tạo để bổ sung nguồn nhân lực y tế đang còn thiếu, nhất là y tế cơ sở, vùng sâu vùng xa, khu công nghiệp… để đáp ứng yêu cầu về tổ chức khám chữa bệnhvào ngày nghỉ, ngày lễ của các cơ sở khám chữa bệnh.

Thực tế hiện nay, các cơ sở khám chữa bệnh khi bảo đảm về nhân lực, điều kiện chuyên môn đều đã tổ chức khám chữa bệnh vào ngày nghỉ, ngày lễ, có cơ sở tổ chức khám chữa bệnh 12 giờ/ngày (riêng thường trực cấp cứu là 24/24 giờ) cơ bản đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, kể cả người lao động.

Tổng hợp Kết quả khảo sát của Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ tháng 7 đến tháng 12/2019 cho thấy một số thuận lợi, khó khăn trong việc tổ chức khám chữa bệnh BHYT vào ngày nghỉ, ngày lễ, ngoài giờ hành chính.

Về thuận lợi, việc triển khai tổ chức khám, chữa bệnh BHYT ngày nghỉ, ngày lễ, ngoài giờ hành chính của các sở khám, chữa bệnh đã được quy định đầy đủ tại Thông tư số 16/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 2/7/2015 của Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ.

Việc triển khai tổ chức khám, chữa bệnh BHYT ngày nghỉ, ngày lễ, ngoài giờ hành chính tạo điều kiện cho nhiều đối tượng tham gia BHYT được chăm sóc sức khỏe như người lao động làm việc theo ca, giờ hành chính, học sinh, sinh viên … Quyền lợi khám, chữa bệnh của người tham gia BHYT được đảm bảo như khi đi khám, chữa bệnh vào các ngày làm việc trong tuần.

Việc khám, chữa bệnh cho người dân được thực hiện liên tục, không bị gián đoạn đối với dịch vụ kỹ thuật điều trị theo liệu trình như châm cứu, xoa bóp, phục hồi chức năng.

Người bệnh được rút ngắn thời gian chờ, đợi khám bệnh do số lượng bệnh nhân khám, chữa bệnh vào ngày nghỉ, ngày lễ, ngoài giờ hành chính thấp hơn ngày thường. Giảm quá tải bệnh viện.

Các cơ sở khám, chữa bệnh thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia khám, chữa bệnh vào ngày nghỉ, ngày lễ nhằm cải thiện đời sống của cán bộ y tế, đồng thời nâng cao uy tín của cơ sở khám, chữa bệnh.

Về khó khăn, khoản 10, Điều 27, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức khám, chữa bệnh BHYT vào ngày nghỉ, ngày lễ thông báo bằng văn bản đến Cơ quan BHXH để bổ sung phụ lục hợp đồng mà không cần ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương (Sở Y tế) gây khó khăn trong việc quản lý hoạt động đối với các cơ sở này.

Các cơ sở khám, chữa bệnh đáp ứng được trang thiết bị và cơ sở vật chất, nhưng không đủ nhân lực để trực thêm vào thứ Bảy, Chủ nhật. Bộ luật Lao động quy định, người lao động có quyền làm việc không quá 8 giờ/ngày và không quá 48 giờ/tuần, do đó sở khám, chữa bệnh không thể bắt buộc nhân viên y tế đi làm ngoài giờ mà chỉ vận động, thỏa thuận giữa lãnh đạo và nhân viên y tế. Nếu bố trí cho nhân viên y tế nghỉ bù sẽ ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh trong ngày thường.

Việc duy trì mức thu phí dịch vụ như ngày thường có lợi cho người bệnh nhưng gây khó khăn cho cơ sở khám, chữa bệnh trong việc duy trì lâu dài vì không có thêm nguồn thu để chi trả chế độ làm ngoài giờ cho cán bộ y tế (thu ngoài giờ không đủ bù chi). Việc bố trí nhân lực tham gia khám, chữa bệnh ngày lễ, ngày nghỉ, ngoài giờ gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn nhân lực (phải bố trí kíp trực vào ngày nghỉ trong khi số lượng cán bộ đi học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nhiều, thai sản, con nhỏ, dưới 12 tháng tuổi).

Khó khăn trong việc kiểm soát hành vi lạm dụng từ người có thẻ BHYT khi đi khám, chữa bệnh BHYT thông tuyến nhất là vào ngày nghỉ, ngày lễ.

Theo Chinhphu.vn

http://baochinhphu.vn/Tra-loi-cong-dan/Kham-chua-benh-BHYT-vao-ngay-nghi-duoc-thuc-hien-tu-nam-2015/389730.vgp

 

Ý kiến bạn đọc (0)