Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Làm sao để công khai, minh bạch trong đấu thầu?

Thứ năm, 28-06-2018 | 16:51:00 PM GMT+7 Bản in
(Chinhphu.vn) – Thực tế cho thấy, nếu người đứng đầu các cơ quan quan tâm chỉ đạo sát sao và công tâm, khách quan, không tạo cơ chế cho các nhà thầu “ruột” thì hiện tượng thông thầu, dàn xếp sẽ bị đẩy lùi.

Theo ý kiến của ông Lê Văn Trung, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển nông nghiệp nông thôn Quảng Ninh, công tác đấu thầu phải được tiến hành công khai, minh bạch ở tất cả các khâu. Ngay từ công bố kế hoạch lựa chọn nhà thầu, Cục Quản lý đấu thầu phải thiết lập thêm phần “Đăng ký mua hồ sơ mời thầu” hoặc “quan tâm” vào từng gói thầu trong thông báo kế hoạch lựa chọn nhà thầu trên Cổng thông tin đấu thầu quốc gia.

Căn cứ mục đăng ký trên cơ sở các doanh nghiệp đăng ký quan tâm và mua hồ sơ mời thầu. Cục Quản lý đấu thầu lập danh sách và yêu cầu bên mời thầu gửi hồ sơ mời thầu về địa chỉ của các đơn vị đăng ký mua. Mọi giao dịch, thanh toán mua hồ sơ phải thông qua Cục Quản lý đấu thầu, phương thức thanh toán như trong đấu thầu điện tử.

Trong thông báo kế hoạch lựa chọn nhà thầu cũng phải thêm mục “Người theo dõi quản lý gói thầu” của đơn vị mời thầu để công khai thông tin cần thiết của cán bộ được giao quản lý gói thầu. Mục này để các nhà thầu có cơ sở liên hệ, làm rõ những vấn đề của hồ sơ mời thầu cũng như tìm hiểu thông tin gói thầu.

Nếu các đề xuất trên được thực hiện thì sẽ tạo thuận lợi cho nhà thầu tiếp cận gói thầu, không mất thời gian, công sức, chi phí. Đồng thời cơ quan quản lý có cơ sở để đánh giá cán bộ.

Đối với vấn đề năng lực nhà thầu, theo ý kiến của ông Trung, các yêu cầu về năng lực kinh nghiệm, hợp đồng tương tự, các yếu tố của báo cáo tài chính năm trước, số thuế phải nộp, số tiền nộp BHXH còn nợ ngân sách… trên thực tế không còn phù hợp với chủ trương, chính sách của Chính phủ trong việc công khai, minh bạch và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, doanh nghiệp mới chuyển đổi hiện nay. Các doanh nghiệp này sẽ có rất ít cơ hội để tham gia đấu thầu, dẫn đến việc có thể làm sai lệch hồ sơ, giả mạo năng lực để đáp ứng yêu cầu.

Từ phân tích trên, qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, ông Trung đề xuất cơ quan có thẩm quyền cho phép tra cứu công khai bộ báo cáo tài chính, số người nộp BHXH, xác nhận số thuế phải nộp, đã nộp, nợ đọng thuế, BHXH… của các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, doanh nghiệp vừa có tham gia hoạt động đấu thầu qua các cổng thông tin điện tử của Chính phủ, của Tổng cục Thuế hoặc Hệ thống kê khai thuế điện tử…

Ngoài ra, ông Trung đề nghị Chính phủ nên có một số biện pháp phù hợp để xử lý các phản ánh, kiến nghị của nhà thầu, báo chí về sai phạm trong công tác đấu thầu như công bố số điện thoại đường dây nóng của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, cơ quan phòng chống tham nhũng… chuyên về theo dõi, tiếp nhận và xử lý vi phạm trong công tác đấu thầu. Bên cạnh đó có thêm chế tài đủ mạnh để bảo vệ các doanh nghiệp chân chính, ngăn chặn, hạn chế doanh nghiệp làm ăn gian dối, phi pháp.

Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:

Trước hết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cảm ơn những phản ánh của ông về hiện trạng công tác đấu thầu xây lắp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu các ý kiến góp ý của ông trong quá trình sửa đổi hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu.

Về quy định của pháp luật đấu thầu hiện hành, Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn đã quy định đầy đủ, rõ ràng các bước trong quá trình lựa chọn nhà thầu từ việc đăng tải công khai thông tin trong đấu thầu, phát hành hồ sơ mời thầu cho các nhà thầu có nhu cầu, đánh giá hồ sơ dự thầu, thương thảo, ký kết hợp đồng... nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh, công bằng, minh bạch cho tất cả nhà thầu khi tham dự thầu.

Việc tổ chức lựa chọn nhà thầu đã được phân cấp triệt để cho người có thẩm quyền là người đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các cấp… Người có thẩm quyền của từng dự án phải chịu trách nhiệm trong việc tổ chức lựa chọn nhà thầu, bảo đảm mục tiêu của công tác đấu thầu là cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Thực tế cho thấy, nếu người đứng đầu các cơ quan quan tâm chỉ đạo sát sao và công tâm, khách quan, không tạo cơ chế cho các nhà thầu “ruột” thì hiện tượng thông thầu, dàn xếp sẽ bị đẩy lùi.

Trường hợp trong quá trình tham dự thầu nếu các tổ chức, cá nhân nhận thấy gói thầu có dấu hiệu tiêu cực như: Dàn xếp, thông đồng, gây khó khăn cho nhà thầu trong việc tiếp cận hồ sơ mời thầu, nộp hồ sơ dự thầu hoặc hồ sơ mời thầu có quy định các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, vi phạm quy định tại Khoản 2, Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP... thì cần phản ánh đến người có thẩm quyền hoặc cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền để xem xét, xử lý. Trong trường hợp này, người có thẩm quyền cần tổ chức xác minh, giải quyết hoặc tổ chức kiểm tra, thanh tra, điều tra (nếu cần thiết) để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi tiêu cực dẫn đến không bảo đảm mục tiêu của công tác đấu thầu.

Ngoài ra, trường hợp khi thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị ảnh hưởng, nhà thầu có quyền kiến nghị với bên mời thầu, chủ đầu tư, người có thẩm quyền về các vấn đề trong quá trình lựa chọn nhà thầu, về kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy trình giải quyết kiến nghị quy định tại Điều 92 Luật Đấu thầu hoặc khởi kiện ra Tòa án vào bất kỳ thời gian nào, kể cả đang trong quá trình giải quyết kiến nghị hoặc sau khi đã có kết quả giải quyết kiến nghị theo quy định tại Khoản 1, Điều 91 Luật Đấu thầu.

Theo Chinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc (0)