Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Làm thế nào để đăng ký biến động đất đai?

Thứ sáu, 01-09-2023 | 14:43:00 PM GMT+7 Bản in
Năm 2022, bà Ngô Hoàng Diệu Thúy (Gia Lai) và nhiều hộ gia đình, cá nhân đã gửi bản đăng ký nhu cầu sử dụng đất trong kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của thị xã Ayun Pa đến Phòng Tài nguyên và Môi trường để đăng ký biến động mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây hằng năm sang đất nông nghiệp khác để phục vụ nhu cầu sản xuất.

Phòng Tài nguyên và Môi trường đã tổng hợp nhu cầu của người dân, tham mưu UBND thị xã trình HĐND thị xã và HĐND đã ban hành nghị quyết vào ngày 21/12/2022 về việc thông qua kế hoạch sử dụng đất năm 2023 thị xã, trong đó có biểu chi tiết phân bổ đất nông nghiệp khác trong năm 2023 là 10,56 ha của rất nhiều hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thị xã.

UBND thị xã đã gửi Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cấp huyện.

Sở Tài nguyên và Môi trường có thông báo về kết quả kiểm tra kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của thị xã, trong đó nêu rõ: "Trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất không phải xin phép (đăng ký biến động) của hộ gia đình cá nhân thì không đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2023".

Theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm đầu của quy hoạch sử dụng đất thị xã Ayun Pa đã được UBND tỉnh phê duyệt, chỉ tiêu sử dụng đất nông nghiệp khác đã được xác định đến từng đơn vị hành chính cấp xã. Như vậy, các chỉ tiêu diện tích đến năm 2023 đủ để xem xét cho phép chuyển mục đích sử dụng.

Nội dung phúc đáp của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Gia Lai lại là: "... Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thị xã Ayun Pa không có cơ sở thực hiện xác nhận đăng ký biến động đối với trường hợp của bà và các trường hợp tương tự khi quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt không có đất nông nghiệp khác...", trái ngược với thông báo của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Như vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường không đưa diện tích mà bà Thúy và các hộ gia đình, cá nhân đã đăng ký nhu cầu vào kế hoạch sử dụng đất năm 2023, dẫn đến kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt không có đất nông nghiệp khác.

Bà Thúy hỏi, việc này cơ quan nào làm đúng quy định? Các hộ gia đình, cá nhân phải làm gì để được chấp thuận đăng ký biến động từ đất trồng cây hằng năm sang đất nông nghiệp khác để phục vụ nhu cầu sản xuất?

Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:

Nguyên tắc sử dụng đất

Tại Điều 6 Luật Đất đai quy định nguyên tắc sử dụng đất:

"1. Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất.

2. Tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường và không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất xung quanh.

3. Người sử dụng đất thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trong thời hạn sử dụng đất theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan".

Tại Điều 52 Luật Đất đai quy định căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất:

"1. Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất".

Tại Điều 57 Luật Đất đai quy định về chuyển mục đích sử dụng đất:

"1. Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm:

a) Chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối;

b) Chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm;

c) Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp;

d) Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;

đ) Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất;

e) Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở;

g) Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ; chuyển đất thương mại, dịch vụ, đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp.

2. Khi chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại Khoản 1 Điều này thì người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được áp dụng theo loại đất sau khi được chuyển mục đích sử dụng".

Các trường hợp thực hiện đăng ký biến động đất đai

Tại Điều 95 Luật Đất đai quy định về đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất:

"1. Đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý; đăng ký quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thực hiện theo yêu cầu của chủ sở hữu.

2. Đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất gồm đăng ký lần đầu và đăng ký biến động, được thực hiện tại tổ chức đăng ký đất đai thuộc cơ quan quản lý đất đai, bằng hình thức đăng ký trên giấy hoặc đăng ký điện tử và có giá trị pháp lý như nhau.

3. Đăng ký lần đầu được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Thửa đất được giao, cho thuê để sử dụng;

b) Thửa đất đang sử dụng mà chưa đăng ký;

c) Thửa đất được giao để quản lý mà chưa đăng ký;

d) Nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất chưa đăng ký.

4. Đăng ký biến động được thực hiện đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận hoặc đã đăng ký mà có thay đổi sau đây:

a) Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;

b) Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được phép đổi tên;

c) Có thay đổi về hình dạng, kích thước, diện tích, số hiệu, địa chỉ thửa đất;

d) Có thay đổi về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký;

đ) Chuyển mục đích sử dụng đất;

e) Có thay đổi thời hạn sử dụng đất;

g) Chuyển từ hình thức Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm sang hình thức thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê; từ hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang hình thức thuê đất; từ thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất theo quy định của Luật này.

h) Chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của vợ hoặc của chồng thành quyền sử dụng đất chung, quyền sở hữu tài sản chung của vợ và chồng;

i) Chia tách quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của tổ chức hoặc của hộ gia đình hoặc của vợ và chồng hoặc của nhóm người sử dụng đất chung, nhóm chủ sở hữu tài sản chung gắn liền với đất;

k) Thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được UBND cấp có thẩm quyền công nhận; thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ; quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai, quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành; văn bản công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với pháp luật;

l) Xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề;

m) Có thay đổi về những hạn chế quyền của người sử dụng đất.

5. Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đã kê khai đăng ký được ghi vào Sổ địa chính, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nếu có nhu cầu và có đủ điều kiện theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; trường hợp đăng ký biến động đất đai thì người sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc chứng nhận biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp.

Trường hợp đăng ký lần đầu mà không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì người đang sử dụng đất được tạm thời sử dụng đất cho đến khi Nhà nước có quyết định xử lý theo quy định của Chính phủ.

6. Các trường hợp đăng ký biến động quy định tại các Điểm a, b, h, i, k và l Khoản 4 Điều này thì trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày có biến động, người sử dụng đất phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động; trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất thì thời hạn đăng ký biến động được tính từ ngày phân chia xong quyền sử dụng đất là di sản thừa kế.

7. Việc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào Sổ địa chính".

Theo Chinhphu.vn (Báo Chính phủ)

https://baochinhphu.vn/lam-the-nao-de-dang-ky-bien-dong-dat-dai-102230830141153579.htm

Ý kiến bạn đọc (0)