Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Người quản lý doanh nghiệp nhà nước có bị kỷ luật khi sinh con thứ 3?

Thứ tư, 27-04-2022 | 11:46:00 AM GMT+7 Bản in
Công ty của ông Hà Thành Công (Bà Rịa-Vũng Tàu) do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Công ty có trường hợp người quản lý sinh con thứ 3 vào tháng 7/2021.

Theo ông Công được biết, Nghị định số 112/2020/NĐ-CP và Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ không đề cập đến việc xử lý kỷ luật trong trường hợp này. Ông Công hỏi, hiện nay vấn đề kỷ luật đối với trường hợp người quản lý trong doanh nghiệp nhà nước sinh con thứ 3 áp dụng theo quy định nào?

Về vấn đề này, Bộ Nội vụ trả lời như sau:

Việc xử lý kỷ luật áp dụng đối với người quản lý doanh nghiệp nhà nước được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 159/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ về quản lý người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo đó, tại Điều 56 Nghị định 159/2020/NĐ-CP quy định về nguyên tắc xử lý kỷ luật người quản lý doanh nghiệp nhà nước như sau:

- Khách quan, công bằng; công khai, minh bạch; nghiêm minh, đúng pháp luật.

- Mỗi hành vi vi phạm chỉ bị xử lý một lần bằng một hình thức kỷ luật. Trong cùng một thời điểm xem xét xử lý kỷ luật, nếu có từ 02 hành vi vi phạm trở lên thì bị xử lý kỷ luật về từng hành vi vi phạm và áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng đối với hành vi vi phạm nặng nhất, trừ trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc; không tách riêng từng nội dung vi phạm để xử lý kỷ luật nhiều lần với các hình thức kỷ luật khác nhau.

- Trường hợp người quản lý doanh nghiệp nhà nước, Kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước đang trong thời gian thi hành quyết định kỷ luật tiếp tục có hành vi vi phạm thì bị áp dụng hình thức kỷ luật như sau:

Nếu có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật ở hình thức nhẹ hơn hoặc bằng so với hình thức kỷ luật đang thi hành thì áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật đang thi hành;

Nếu có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật ở hình thức nặng hơn so với hình thức kỷ luật đang thi hành thì áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng đối với hành vi vi phạm mới.

- Khi xem xét xử lý kỷ luật phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, thái độ tiếp thu và sửa chữa, việc khắc phục khuyết điểm, vi phạm, hậu quả đã gây ra.

- Không áp dụng hình thức xử phạt hành chính hoặc hình thức kỷ luật đảng thay cho hình thức kỷ luật theo quy định tại Nghị định này; việc xử lý kỷ luật không thay cho truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu hành vi vi phạm đến mức bị xử lý hình sự.

- Trường hợp người quản lý doanh nghiệp nhà nước, Kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước đã bị xử lý kỷ luật đảng thì hình thức kỷ luật phải bảo đảm ở mức độ tương xứng với kỷ luật đảng.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật đảng, cấp có thẩm quyền phải xem xét, quyết định việc xử lý kỷ luật.

- Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm thân thể, tinh thần, danh dự, nhân phẩm trong quá trình xử lý kỷ luật.

Theo Chinhphu.vn (Báo Chính phủ)

https://baochinhphu.vn/nguoi-quan-ly-doanh-nghiep-nha-nuoc-co-bi-ky-luat-khi-sinh-con-thu-3-102220421152420734.htm

Ý kiến bạn đọc (0)