Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Sử dụng đất không đúng mục đích sẽ bị xử lý ra sao?

Thứ năm, 02-09-2021 | 13:55:00 PM GMT+7 Bản in
Cá nhân, tổ chức sử dụng đất bắt buộc phải đúng mục đích, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc có thể bị thu hồi.

Điều 6 Luật Đất đai 2013 quy định nguyên tắc sử dụng đất như sau:

- Sử dụng đất đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích.

- Tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường và không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất xung quanh.

- Người sử dụng đất thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trong thời hạn sử dụng đất theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.”

Vậy, người sử dụng đất bắt buộc phải sử dụng đúng mục đích, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và có thể bị thu hồi.

Về thủ tục, trình tự thu hồi đất nếu đất sử dụng không đúng mục đích được quy định tại Điều 66 Nghị định 43/2014/NĐ-CP như sau:

Bước 1: Lập biên bản vi phạm hành chính để làm căn cứ quyết định thu hồi đất.

Trường hợp vi phạm pháp luật phải thu hồi đất, khi hết thời hạn xử phạt vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm lập biên bản về vi phạm hành chính để làm căn cứ quyết định thu hồi đất.

Sử dụng đất không đúng mục đích sẽ bị phạt hành chính và có thể bị thu hồi. Ảnh: Trần Lưu
Sử dụng đất không đúng mục đích sẽ bị phạt hành chính và có thể bị thu hồi. Ảnh: Trần Lưu

Trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai không thuộc trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thì biên bản xác định hành vi vi phạm phải có đại diện của Ủy ban Nhân dân (UBND) xã, phường, thị trấn nơi có đất làm chứng để làm căn cứ quyết định thu hồi đất và được lập theo quy định sau đây:

Cơ quan tài nguyên và môi trường hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức kiểm tra, thanh tra để xác định hành vi vi phạm quy định tại các Điểm c, d, g, h và i Khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013.

Trong thời hạn không quá 7 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản, người được giao nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra có trách nhiệm gửi biên bản cho cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất để chỉ đạo thu hồi đất.

Bước 2: Thẩm tra, xác minh thực địa.

Cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm thẩm tra, xác minh thực địa khi cần thiết, trình UBND cùng cấp quyết định thu hồi đất.

Bước 3: Thông báo thu hồi đất.

Khi hộ gia đình, cá nhân vi phạm thì UBND cấp huyện (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương) có trách nhiệm:

- Thông báo việc thu hồi đất cho người sử dụng đất và đăng trên trang thông tin điện tử của UBND cấp huyện.

- Chỉ đạo xử lý phần giá trị còn lại của giá trị đã đầu tư vào đất hoặc tài sản gắn liền với đất (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Bước 4: Tiến hành thu hồi đất.

Bước 5: Cưỡng chế thu hồi đất (nếu có).

Tổ chức cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất nếu người có đất không thực hiện quyết định thu hồi.

Bước 6: Cập nhật thông tin địa chính, thu hồi sổ đỏ.

Theo TUẤN ANH(Báo Lao động)
Ý kiến bạn đọc (0)